Sáng kiến độc đáo và ý nghĩa

Cách đây hơn hai năm, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Sơn khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Liên Mạc giới thiệu về tác phẩm tranh ghép đặc sắc có một không hai tại tổ dân phố Hoàng Liên 2. Tác phẩm này do người dân lên ý tưởng và thực hiện. Đặc biệt, bức tranh được làm từ những mảnh sành, mảnh sứ vỡ. Qua bàn tay và sự sáng tạo không giới hạn của người dân, những bức tường thô ráp trở thành tác phẩm nghệ thuật, không phải bằng những nét vẽ, màu cọ mà từ... các loại phế thải xây dựng, phế thải rắn.

Người khởi xướng và thực hiện ý tưởng độc đáo này là chị Ngô Quỳnh Liên, Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ thuật Liên Vũ và là con dâu của tổ dân phố Hoàng Liên 2. Hơn 20 năm làm nghề điêu khắc, chị Liên cùng với chồng-cũng là nhà điêu khắc luôn ủng hộ hết mình với quê hương, làng xóm trong việc cải tạo, xây dựng khu phố xanh-sạch-đẹp-văn minh.

Hoàng Liên vốn là đất làng Liên Mạc xưa. Những năm qua, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều làng cổ ven đô, ven sông như Liên Mạc đã trở thành phố. Sự phát triển mang lại diện mạo mới cho khu phố nhưng bên cạnh đó lại nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Những mảnh sành, mảnh sứ vỡ của gạch đá, bát đĩa, chai lọ thủy tinh, phế thải xây dựng ngày càng nhiều. Trăn trở trước thực trạng đó, chị Ngô Quỳnh Liên có sáng kiến tận dụng những mảnh sành, mảnh sứ vỡ từ phế thải xây dựng, lắp ghép, kết nối lại thành những bức tranh tường, vừa làm đẹp cho cảnh quan đường làng ngõ xóm, vừa góp phần tái sử dụng rác thải rắn.

Là nhà điêu khắc, chị Quỳnh Liên nhận thấy trong khu phố của mình có nhiều điều kiện thuận lợi để biến ý tưởng thành hiện thực, nhất là mặt bằng triển khai. Đó là những bức tường rào của các gia đình chạy dọc theo đường làng ngõ phố. Những bức tường mới-cũ, cao-thấp khác nhau, thoạt nhìn khá lộn xộn, không đẹp mắt nhưng nếu cải tạo, thực hiện theo ý tưởng thống nhất sẽ trở thành tác phẩm hội họa rất đẹp. Hơn nữa, quá trình cải tạo, bức tường được gắn thêm một lớp xi măng và vật liệu ghép góp phần bảo vệ cho tường nhà thêm vững chãi, chống xuống cấp, hạn chế được tình trạng dán quảng cáo rao vặt, gây phản cảm. Mong muốn lớn hơn cả, qua hoạt động này góp phần tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chung tay bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, hạn chế lượng rác thải ra môi trường.

leftcenterrightdel

Mảnh vỡ của chai lọ, gốm sứ và phế liệu xây dựng được ghép thành bức tranh tường đẹp mắt. 

Chia sẻ ý tưởng với người thân và đồng nghiệp trong công ty, chị Ngô Quỳnh Liên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình bởi đã có nhiều nơi cải tạo những bức tường thành tranh bích họa nhưng hiếm có nơi nào sử dụng phế thải xây dựng để làm tranh tường. Với mục đích tốt đẹp và ý nghĩa trên, việc thuyết phục các hộ dân có mặt bằng tham gia thực hiện không quá khó khăn. Lo ngại nhất của chị Liên là không phải người dân nào cũng thực hiện được do không có khiếu hội họa, nghệ thuật như các họa sĩ hay nhà điêu khắc. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại ban đầu, bằng tình yêu quê hương, tâm huyết và trách nhiệm, nhiều người dân trong tổ dân phố với sự giúp đỡ của các bạn trẻ tình nguyện là sinh viên mỹ thuật đã lắp ghép tranh trên nền mẫu được phác thảo. Sau thời gian ngắn thực hiện, 20 bức tranh từ mảnh vỡ gốm sứ được nhân dân trong tổ dân phố hoàn thành.

Lan tỏa tình yêu quê hương 

Những thành công của tuyến phố đầu tiên được lãnh đạo phường Liên Mạc ghi nhận, đánh giá cao và ủng hộ người dân trong việc lan tỏa, nhân rộng việc làm ý nghĩa, thiết thực này tới các phố và tổ dân phố khác trên địa bàn. Đây chính là sự động viên thiết thực để người dân và nhóm dự án có thêm ý tưởng hay, độc đáo. Điều quan trọng nhất khiến những người thực hiện hạnh phúc và được tiếp sức là ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong các khu phố đã thay đổi. Bà con tự giác thu gom vật liệu, thấy chỗ nào có mảnh sành, mảnh sứ, thủy tinh là phân loại, làm sạch. Một số cô chú, gia đình sau khi tham gia làm tranh đã nắm được cách thực hiện nên có thể tự chủ động làm tranh theo nhu cầu, ý tưởng của mình.

Đầu tháng 6 vừa qua, dự án làm tranh từ phế thải xây dựng, chai lọ thủy tinh được tái khởi động lại với việc thực hiện bức tranh có quy mô lớn hơn (cao 3m, dài 30m) ở khu vực đối diện cổng chùa Hoàng Liên. Những ngày qua, tuy thời tiết nắng nóng nhưng bà con vẫn rất phấn khởi, hào hứng tham gia. Gần 6 giờ sáng, vợ chồng chị Ngô Quỳnh Liên cùng họa sĩ, sinh viên tình nguyện đã có mặt tại điểm thực hiện để phác thảo mẫu, ke và điều chỉnh bố cục, chỉ định màu.

Ở góc khác, bà con cùng nhau tập kết, phân loại vật liệu và gắn các mảnh ghép. Nhóm thực hiện dự án cho biết, do bức tranh có quy mô không nhỏ, khối lượng vật liệu cần nhiều nhưng với sự hỗ trợ tích cực của người dân nên khối lượng phế thải tập kết khá lớn, được đóng hộp nhựa và xếp gọn gàng. Theo tính toán của nhóm thực hiện, 1m2 tranh ghép cần 4 bao tải lớn (loại bao tải 50kg) vật liệu thu gom. Với hơn 20 bức tranh đã hoàn thành cùng với bức tranh lớn 30m đang thực hiện, hàng tấn vật liệu phế thải đã được tái sử dụng, giúp bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan đô thị.

leftcenterrightdel
Các thành viên của nhóm thực hiện dự án và người dân vẽ phác thảo bức tranh tường dài 30m. 

Những mảnh sành, mảnh sứ vỡ tưởng chừng bỏ đi, khô cứng nhưng lắp ghép với nhau thì lại như được “thổi hồn”, trở nên đẹp mắt, sống động và ấn tượng. Những mảng tường lớn lâu nay vốn chỉ sơn màu truyền thống đã trở thành những bức tranh gốm sứ. Mỗi nhà có thể lựa chọn một chủ đề, song bà con trong khu phố cơ bản đều thống nhất “bám” theo chủ điểm chính là hướng tới cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mang bản sắc đặc trưng của làng quê Việt Nam như cây đa, bến nước, con đò; hoa sen, bụi chuối, lũy tre, con trâu, cây cầu...  phù hợp với vùng đất vẫn lưu giữ nét đẹp văn hóa làng trong sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ. 

Phố nhỏ yêu thương mỗi ngày được khoác lên một tấm áo mới rực rỡ. Bước chân vào làng cổ ven sông xưa đang trong quá trình đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ, du khách được hòa vào không gian nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa, cảm nhận trong từng bức tranh tình yêu quê hương, tinh thần vui sống, sự đoàn kết của bà con Liên Mạc. Không dừng lại ở đây, sau khi hoàn thiện bức tranh cỡ lớn và các bức tranh ở khu vực cổng làng cũ, nhóm tiếp tục triển khai các bức tranh tường ở các đường làng, ngõ xóm chính để biến Liên Mạc trở thành làng tranh gốm sứ từ phế thải xây dựng, chai lọ thủy tinh tái chế đầu tiên của cả nước.

Bài và ảnh: HẠNH VÂN