Thành phố di sản

Thăng Long-Hà Nội là một trong những đô thị cổ kính trên thế giới. Với vị thế của vùng đất được lựa chọn là kinh đô của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, Hà Nội là nơi có lợi thế vượt trội về nguồn DSVH, xứng đáng là “Thành phố di sản” của cả nước.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, hiện thành phố có 5.922 di tích lịch sử-văn hóa. Hà Nội còn có một nguồn tài nguyên khổng lồ gồm 1.793 DSVH phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như: Văn hóa dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, tri thức và tập quán, nếp sống thanh lịch... của người Việt. Ngoài ra, còn có sự hội tụ DSVH phi vật thể của một số dân tộc thiểu số, như nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Ba Vì, lễ cấp sắc, lễ cầu mưa, cầu mùa, nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao... Tất cả DSVH trên chính là nguồn tài sản quý giá góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của đất Thăng Long-Hà Nội qua bao thăng trầm lịch sử. Đó cũng chính là thế mạnh, là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa.

Với sức hút mạnh mẽ của các di sản, thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch khám phá phố cổ, di tích lịch sử-văn hóa... trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Các tour du lịch gắn với những di tích nổi tiếng của thành phố như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến quen thuộc và hấp dẫn: Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích Nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour "Đêm hoàng cung" ở Hoàng thành Thăng Long; tour du lịch gắn với làng nghề... cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Ngày hội Cổ Loa. Ảnh: NGUYỄN VŨ PHƯỢNG

Chưa khai thác hết tiềm năng

 Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Chi, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, nguyên nhân là do các cấp, ngành và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển... Đáng chú ý, ở một số nơi, việc cơi nới, xây dựng khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu đã làm thay đổi hiện trạng của nhiều khu phố cổ gắn với các đô thị xuyên suốt nhiều thế kỷ. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều làng đã trở thành phố, hoạt động xây dựng tràn lan, thiếu quy hoạch làm cho cảnh quan thay đổi, nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống bị thu hẹp, các lễ hội dần bị mai một.

Đề cập tới những rào cản trong phát huy giá trị DSVH cho phát triển công nghiệp văn hóa, một số ý kiến cũng đã chỉ rõ những thách thức, như khai thác không gắn với bảo tồn, giữ gìn các giá trị DSVH. Theo TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về DSVH, giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tham gia vào hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng những yếu tố đó chưa được chuyển tải rõ nét vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Đến với Hà Nội, mọi người vẫn bắt gặp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũ, ít có sự đổi mới hoặc na ná các địa phương khác. Chính điều đó cũng làm giảm sức hấp dẫn đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

PGS, TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Mặc dù nguồn lực văn hóa ở Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất, tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô”.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Cần hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

 Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại” được TP Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Thủ đô nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giới chuyên môn. Các đại biểu đưa ra những giải pháp cơ bản như: Cần thực hiện tốt chủ trương tư liệu hóa các DSVH của Hà Nội, từ đó có định hướng rõ ràng cho việc đầu tư, phát huy giá trị của DSVH cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Mở rộng quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội; nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ... Ngoài ra, cũng cần khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới; ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các DSVH thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu; xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể tiêu biểu và có nguy cơ mai một...

Từ thực tiễn hoạt động bảo tồn di sản, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng DSVH Quốc gia đề nghị Hà Nội nên xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập; đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư trong hoạt động bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn thành phố, ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn DSVH tại cộng đồng.

Nhìn nhận việc phát huy di sản từ các lễ hội truyền thống của Hà Nội, GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đề xuất đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả bằng cách liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách. “Lễ hội truyền thống luôn kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... của riêng Hà Nội, đó chính là những giá trị văn hóa đặc sắc để níu chân du khách ở lại Hà Nội. Và đây cũng chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô”, GS, TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh.

leftcenterrightdel

Hoàng thành Thăng Long - một trong những “điểm đến” được nhiều du khách lựa chọn khi tới Thủ đô. 

Từ những kết quả mà Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã làm được thời gian qua, một số ý kiến cũng mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều di tích, những thiết chế văn hóa truyền thống của Thủ đô trở thành không gian sáng tạo.

"Trong lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới, việc bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể cần được quan tâm hơn so với các lần quy hoạch trước; phải coi đây là giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển, là khâu đột phá liên quan đến các nội dung tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, phân khu chức năng, kết nối trong vùng" (TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam).

KHÁNH THƯ