Cội rễ ngàn năm

 Trải qua lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước, mỗi khi đất nước lâm nguy, làng Việt luôn là chỗ dựa, là hậu phương vững vàng để dân tộc, đất nước đi qua bão dông, khói lửa... Biết bao người lính đã bước qua cổng làng ra tiền tuyến, bát cơm nơi trận mạc có cả mồ hôi, nước mắt gửi gắm từ làng quê. Với những nhà nghiên cứu định cư, làng là tổ chức cư trú ở mức độ tế bào, ở đó lưu giữ cội rễ bền vững nhất của dân tộc Việt. Trong tổ chức định cư bền vững ấy, cổng làng, cùng với đình, đền-chùa, văn chỉ, nhà thờ họ... hay những cây đa, bến nước, rặng tre... chính là cấu trúc vật thể biểu hiện cho cội nguồn văn hóa Việt ở làng quê.

Hình thành từ thời Văn Lang, làng-thực thể định cư nguyên sơ của người Việt được hình thành từ 3 yếu tố gắn liền và không thể tách rời nhau mà giờ đây được gọi là “tam nông”: Nghề nông, nông dân và làng nông. Đến thời nhà Lý, làng Việt đã phát triển và trở thành đơn vị hành chính hoàn chỉnh. Cổng làng ra đời từ đây cùng với quá trình hoàn thiện cấu trúc không gian làng Việt theo mô hình có tính hướng nội cao, có đủ điều kiện để chống “thủy, hỏa, đạo, tặc”.

Như vậy, có sự trùng hợp giữa việc ra đời của cổng làng Việt ở miền quê Hà Nội ngày nay với dấu mốc định đô thiên tài của Hoàng đế Lý Công Uẩn ở kinh thành Thăng Long. Cái cổng làng nhỏ nhắn ấy là một nét gạch nối giản dị giữa cội nguồn dân tộc với lịch sử Thủ đô ở từng chốn quần cư nhỏ bé nhất. Cùng với thời gian, cổng làng đã trở thành di sản truyền thống của mỗi làng, phố Hà Nội.

Quỹ di sản bình dị hàm chứa những hào hoa

 Thủ đô hôm nay phát triển lớn gấp nghìn lần xưa. Từ vùng đất “trong sông” đến thành phố trải dài hai bên bờ sông Hồng, từ Hà Đông đến xứ Đoài, từ vùng núi cha (Ba Vì) đến núi mẹ (Tam Đảo), từ 36 phố phường nay là 579 xã, phường, thị trấn với 1.350 làng, phố. Ở đó đã tồn tại gần 300 cổng làng Việt cổ. Số cổng làng tuy đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai, cổng làng chỉ là những kiến trúc nhỏ nhoi trong quần thể lớn công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của Thủ đô, nhưng trong thẳm sâu của cấu trúc nhỏ bé ấy chứa đựng không ít giá trị văn hóa trên bình diện kiến trúc.

Với vị trí được quy hoạch ở đầu và có khi cả ở cuối làng, cổng làng vô hình trung trở thành điểm nút của sự gặp gỡ. Ở nơi ấy, người ta chào nhau mỗi khi gặp gỡ, chuyện trò với nhau, đợi nhau, chờ nhau... Thật thú vị khi cổng làng trở thành không gian giao tiếp ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội của người dân, nơi mà truyền thống “lời chào cao hơn mâm cỗ” được thực thi thường nhật nhất.

Cũng bởi yếu tố vị trí trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, cổng làng cũng là một chỉ báo “quê nhà” trong tâm khảm mỗi người: Sau cái cổng ấy là sự bình yên, là nơi chôn rau cắt rốn với họ hàng nội ngoại, là mảnh đất chất chứa bao kỷ niệm. Cổng làng với những thành tố khác đã trở thành hình ảnh khắc sâu trong tim mỗi người dân làng, phố; như thôi thúc họ rảo bước nhanh hơn mỗi khi đi xa trở về, ngập ngừng, thổn thức mỗi khi xa dần nơi đong đầy lưu luyến ấy.

leftcenterrightdel
Cổng làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Mỗi cổng làng mang một bản sắc riêng tùy vào truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Trên trán cổng thường ghi chữ đại tự tên làng, như cổng làng An Thọ (Cầu Giấy) là “An Thọ Môn”, cũng có khi ghi danh vị của làng như làng Thụy Hương (Chương Mỹ), nơi thờ Bảng nhãn Đặng Ma La. Cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai), ngoài đại tự tên làng phía trước, trán cổng phía từ trong làng đi ra có 3 chữ “Thiếu Cao Đại”, nghĩa là khuyên người làng khi ly hương, mỗi người hãy nâng tầm cao hơn, mở rộng tầm hơn. Phải chăng lời nhắn nhủ đặc biệt này đã khiến làng quê nơi đây thêm trù phú, thịnh vượng.

Phần lớn cổng làng thường được xây dựng rất trang trọng, bền vững và đậm nét tinh xảo tài hoa. Hình dáng cổng có thể là một tầng với chính môn, hai tầng là “thượng gia hạ môn” hoặc “vọng lâu”. Hầu hết các mái cổng đều được xây theo lối đình chùa: Nóc mái có “lưỡng long chầu nguyệt”, 4 góc mái có đao uốn cong, trên đặt bộ tứ linh hoặc hình lá cuốn.

Cổng làng nếu một cửa gọi là nhất môn, một số cổng đặt tới 3 cửa gọi là tam quan hay tam môn, cá biệt một số là ngũ môn. Hai bên cổng thường có hai bức “tường mang” đắp nổi những phong cảnh về hình ảnh quê hương. Cổng có thể có đôi cột đồng trụ hoặc hai đôi tùy theo mỗi quy mô của cổng. Cột đồng trụ thường đắp quả dành dành hình 4 con chim phượng chúc xuống, đuôi vút lên trời xanh. Phần đế theo kiến trúc truyền thống cân đối giữa quả dành dành và thân trụ.

Kiến trúc mỗi cổng làng dù vậy vẫn mang sắc thái riêng. Cổng tam quan với vọng lâu 8 mái của làng Cổ Loa (Đông Anh) mang dáng vẻ cổ kính, thanh thoát mà trang trọng, xứng đáng là “Đệ nhất thiên cổ môn”, nơi ghi dấu kinh đô xưa của An Dương Vương và Tiền Ngô Vương. Tinh tế hay giản dị, khiêm nhường là vẻ đẹp của cổng hai làng: Dương Xá, Đông Dư, như thể khắc ghi tài sắc của Nguyên phi Ỷ Lan và Huyền Trân Công chúa ở đất Gia Lâm.

Vọng lâu nơi cổng làng Dục Tú (Đông Anh) lại có cấu trúc như được vút lên, dường như hàm chứa minh triết trong tư tưởng của danh thần Nguyễn Trãi. Cũng là ngôi làng có đền thờ Nguyễn Trãi, nhưng cổng làng Nhị Khê (Thường Tín)-nơi ông sinh thành, lại chỉ có một chính môn, thế cổng lẻ loi, cô đơn như số phận của vị đại thần.

leftcenterrightdel
Cổng làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: MINH THÀNH 

Dù làng Hà Nội có nổi tiếng bởi gắn liền với vua, quan, phi tần, công chúa hay thánh thần, thì kiến trúc cổng làng cũng hoàn toàn tùy biến theo quan điểm và tâm thức của người quê. Thật vậy, nổi tiếng khắp gần xa với đền thờ và lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền, đình Mông Phụ thờ Đức Thánh Tản Viên và nhà thờ Giang Văn Minh, nhưng cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây) lại chỉ có một gian hai dĩ đơn sơ. Nét đẹp dung dị của cổng làng không tách rời quần thể không gian kiến trúc cảnh quan hấp dẫn du khách gần xa.

Lại có những làng chỉ thuần túy là làng nghề, làng nông, nhưng cổng làng lại được người dân dồn cả tâm sức để tạo nên những kiến trúc tuyệt đẹp trong cảnh trí thôn quê. Cổng làng Cư, ở Vân Từ, Phú Xuyên được giới tổ chức du lịch đánh giá là “cổng làng đẹp nhất Việt Nam”, với hai tầng “đao” uốn lượn giữa không gian xanh. Được xây bằng gạch trần cổ Bát Tràng, ở Thanh Oai, cổng làng Ước Lễ được xây cất rất tinh tế và bề thế. Chiếc cầu cong vượt hào phía trước, như tô điểm cho dáng vóc chiếc cổng đầy thẩm mỹ này.

Cổng làng nghề mứt kẹo ở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) lại có cấu trúc rất riêng, vọng lâu được thay bằng bức cuốn thư vừa tôn độ cao, vừa trang trí cho cổng thêm thanh thoát lạ kỳ. Cũng không nhiều người biết rằng cổng làng Phương Viên (Hoài Đức), bên bờ đê Tả Đáy lại gắn liền với mối giao lưu lịch sử giữa nhà Trần với Chăm Pa. Những người thợ xứ Chăm đã mang hình tháp của kiến trúc Chăm Pa vào cổng làng Việt, tạo nên nét độc lạ không nơi nào có được.

Chẳng thể nào kể hết về những cổng làng Việt trên đất Thủ đô. Mỗi cái cổng nhỏ bé đều mang trong mình những bản sắc, ký ức riêng của làng quê, lối phố, để rồi hòa vào dòng chảy văn hóa đậm đặc của mảnh đất Hà Nội hào hoa.

Gìn giữ di sản cho mai sau

 Tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ. Việc chỉnh trang, xây dựng nông thôn mới cũng đang được thực hiện trên toàn thành phố. Đã có một số cổng làng bị đập bỏ nhường chỗ cho đường mới, bị xây lại, thậm chí xuất hiện mới như “cổng phủ”. Có cổng bị phạt vẹt đến một nửa, đứng nép mình trên con đường mới mở thênh thang, làm se sắt bao con tim của những người suốt đời nuôi dưỡng hồn quê yêu dấu.

Một số địa phương lại sửa sang sơn đắp, làm biến dị, méo mó cổng làng. Thậm chí, một số cổng cổ đến vài ba trăm năm tuổi hoặc hơn nữa còn bị bàn tay thiếu ý thức tô đắp vào hàng chữ số của năm được công nhận làng văn hóa... Đã có tiếng than “thà cứ để cổng làng ngủ yên, còn hơn là quan tâm đến nó một cách thiếu văn hóa như vậy”.

Cổng làng Hà Nội là công trình mang dấu ấn, bản sắc văn hóa, hồn thiêng và là niềm tự hào đối với mỗi người dân quê hương. Cổng làng, một công trình khắc ghi bao nét tài hoa, cao sang và thịnh vượng của làng mà biết bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng để lại cho con cháu. Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cháu con hôm nay cần giữ gìn để cổng làng-một di sản văn hóa, một dấu ấn thiêng liêng, một hồn quê sâu nặng đã gắn bó bao đời với quê hương được trường tồn và phát triển.

KTS NGUYỄN ĐỊCH LONG - TS, KTS VŨ HOÀI ĐỨC