Bước vào căn phòng rộng hơn 50m2 ở số 58A, ngõ 31, phố Xuân Diệu, TP Hà Nội, chúng tôi như lạc vào một thế giới sắc màu lấp lánh của các sản phẩm sơn mài: Tranh lớn, tranh bé, lọ hoa, bát, đĩa, khay, hộp đến các loại vòng cổ, khuyên tai... Họa sĩ Trần Anh Tuấn đưa từng nét bút lên tờ giấy thử màu rồi nhẹ nhàng hướng dẫn học sinh Phan Mỹ Anh (15 tuổi) cách tạo màu. Chốc chốc, anh lại sang xem bé Minh Phương (10 tuổi) tỉ mẩn gắn từng mảnh vỏ trứng lên chiếc lọ hoa xinh xắn...

Gần 10 năm nay, lớp học nghệ thuật sơn mài của họa sĩ Trần Anh Tuấn trở thành một địa chỉ thân quen của hàng trăm học viên là người Việt Nam, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cũng như du khách quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội. Đây là lớp học khá đặc biệt bởi học viên có nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ em mầm non đến người lớn. Thời gian học của các lớp cũng không cố định mà có thể diễn ra vào cuối tuần hoặc bất kỳ ngày nào trong tuần, tùy thuộc vào thời gian rảnh của người học và người dạy. Ở đây, thầy Tuấn không dạy theo giáo trình, không áp đặt một phong cách nào mà chủ yếu truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật cho người học. Vì thế, anh thường hướng dẫn học viên đến với sơn mài một cách dễ dàng nhất. Từ đó phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân để hình thành nên tác phẩm theo cách của mình. Theo anh Tuấn, nếu dạy mỹ thuật cho trẻ em mà áp đặt theo ý mình hoặc đưa một mẫu nào đó để các em vẽ theo thì sẽ giết chết sự sáng tạo của trẻ. Do đó, anh rất tôn trọng trí tưởng tượng phong phú và sở thích riêng của các học viên nhí từ việc chọn màu sắc, cách tạo hình đến trang trí bên ngoài sản phẩm...

leftcenterrightdel
Họa sĩ Trần Anh Tuấn góp ý về sản phẩm sơn mài của học sinh Minh Phương.

Họa sĩ Trần Anh Tuấn sinh ra và lớn lên ở nội thành Hà Nội. Anh được thừa hưởng gen hội họa từ ông ngoại (vốn là người quê gốc ở làng tranh Đông Hồ và đam mê vẽ tranh). Tốt nghiệp THPT, Trần Anh Tuấn thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Mặc dù ở trường có nhiều ngành mỹ thuật ứng dụng được ưa chuộng, có thể đem lại thu nhập cao nhưng anh lại lựa chọn ngành sơn mài. Lý do đơn giản vì đây là nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam.

Với mong muốn quảng bá rộng rãi nghệ thuật sơn mài dân tộc cho nhiều người biết đến, năm 2012, anh Tuấn đã quyết định mở lớp học sơn mài. Đây là nơi thực hành của bản thân, của các sinh viên ngành sơn mài và những ai yêu thích bộ môn này nhưng không có điều kiện theo học dài hạn tại các trường đại học đến trải nghiệm, tìm hiểu các bước cơ bản nhất về sơn mài. Anh nghĩ rằng từ lớp học này, các bạn trẻ yêu thích sơn mài sẽ truyền đam mê đến các bạn khác, rồi lại giới thiệu tiếp cho bạn bè, người quen đến tìm hiểu. Khi người ta hiểu giá trị của sơn mài thì sẽ sẵn sàng bỏ kinh phí lớn để mua sản phẩm sơn mài về tiêu dùng. Đó là động lực cho người nghệ sĩ và các nghệ nhân, người thợ ở các làng nghề thủ công truyền thống tiếp tục sáng tạo nên nhiều sản phẩm khác. Cứ như thế, số lượng người yêu thích sơn mài ngày một tăng lên, ắt sẽ duy trì được nghệ thuật sơn mài cho đời sau.

Thời gian đầu mới mở lớp chỉ có những người nước ngoài đến học, nhưng hiện nay, số người Việt theo học tại lớp học sơn mài của họa sĩ Trần Anh Tuấn ngày càng đông, trong đó có rất nhiều trẻ em. Điều này khiến anh cảm thấy hạnh phúc bởi lớp học ít nhiều đã lan tỏa tình yêu nghệ thuật sơn mài tới thế hệ trẻ. Nhiều học sinh theo học tại đây đã thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để tiếp tục gắn bó với nghề làm sơn mài. Có học sinh lớp 6 đem kiến thức cơ bản về đặc điểm, giá trị nghệ thuật của sơn mài mà mình học được đến giới thiệu với cô giáo và các bạn trong lớp khiến họ rất ngạc nhiên. Lại có em đến với bộ môn sơn mài của thầy Tuấn như một liệu pháp hỗ trợ tâm lý và rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ, sự tập trung trong công việc... Trong đó phải kể đến nhóm học viên nhí người Thụy Sĩ, vốn rất hiếu động, tính cách nóng nảy, ban đầu chỉ học được 1 buổi/tuần, nhưng dần dần tăng lên 2-3 buổi/tuần rồi say mê theo đuổi tới 3-4 năm liền. Bố mẹ các em chia sẻ rằng, sau khi đến lớp của thầy Tuấn, về nhà các em có sự thay đổi tích cực về tính cách, kiên trì nhẫn nại, nền nếp hơn trước...

Gần 30 năm gắn bó với nghề, họa sĩ Trần Anh Tuấn nhận thấy sơn mài càng ngày càng cuốn hút mình. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm sơn mài là một sự sáng tạo không hề lặp lại. Ngay cả với kỹ thuật gắn vỏ trứng to hay nhỏ, nướng vỏ hay nguyên sơ cũng đủ để người họa sĩ sáng tạo nên biết bao sản phẩm mới lạ, hấp dẫn. Chính vì vậy, ngoài việc giảng dạy ở trường đại học, anh Tuấn vẫn đến xưởng sơn mài hằng ngày để sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo đem đi trưng bày, triển lãm, góp phần quảng bá nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Điển hình là có nhiều sản phẩm anh tham gia với các đơn vị đối tác về mặt mỹ thuật và sơn mài được nhiều người biết tới như: Biển tên sơn mài của các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị APEC năm 2017 tại Hà Nội; đôi giày và vòng tay hình rồng vô cùng độc đáo và giá trị (anh đã được thực hiện một số công đoạn về mỹ thuật và nghệ thuật sơn mài) giới thiệu tại Tuần lễ thời trang thế giới năm 2019. Hiện nay, một đôi giày hình rồng đó đang được trưng bày tại Bảo tàng V&A ở London (Anh).

Bài và ảnh: MINH THÀNH