Luật Thủ đô đã xác định vai trò của Hà Nội là "trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước". Điều này cho thấy, cả nước đã tin tưởng giao cho Hà Nội trọng trách lớn mà các địa phương khác không có và không phải thủ đô của nước nào cũng được xác định vai trò lớn như vậy.

Nhìn lại chặng đường từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến nay, Hà Nội không chỉ lớn mạnh về quy mô, về kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn luôn đạt kết quả quan trọng, toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Năm 1954, khi chúng ta tiếp quản, Hà Nội chỉ là thành phố tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé không đáng kể, hạ tầng xã hội, dịch vụ văn hóa nghèo nàn. Khi đó, Hà Nội với diện tích 152km2, gồm 8 quận, huyện, dân số 37 vạn ở nội thành, 16 vạn ở ngoại thành. Đến nay, qua 4 lần điều chỉnh địa giới, Hà Nội đã có diện tích gần 3.400km2 (lớn hơn 22 lần so với năm 1954) với 30 quận, huyện, thị xã, dân số 8,053 triệu người (thống kê năm 2019), trong đó khu vực đô thị khoảng 3,962 triệu người. Sự lớn mạnh này là minh chứng cho quá trình khẳng định vị thế của Hà Nội. 

Công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị đã phát triển nổi trội cả về số lượng và chất lượng, hướng tới đô thị bền vững, thông minh, sáng tạo. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, đời sống người dân nông thôn được nâng cấp rõ rệt. Tiềm năng văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ được chú trọng đã tạo động lực cho phát triển thành phố. An ninh, quốc phòng được bảo đảm là kết quả quan trọng, là điểm nhấn để tạo nên sức hấp dẫn không chỉ với trong nước mà cả nước ngoài...

Khó mà diễn đạt hết kết quả minh chứng cho những ngợi ca, vinh danh, song chỉ tính diện mạo Thủ đô từ quy hoạch xây dựng cũng đủ để nhận thấy, Hà Nội xứng đáng với những vinh danh: "Thành phố anh hùng", "Thành phố vì hòa bình" và gần đây là "Thành phố sáng tạo".

Trước năm 1954, Hà Nội có cơ sở hạ tầng yếu kém, cấu trúc phân biệt rõ cho người giàu và các khu xóm "ổ chuột" của người lao động, thì ngay những năm sau đó đã cải thiện điều kiện sống cho gần 200 khu lao động (như: An Dương, Phúc Tân...) và sau đó là xây dựng các khu nhà ở theo mô hình khu nhà ở xã hội chủ nghĩa (như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ...), xây dựng một số trường đại học (Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp...); cải tạo, nâng cấp nhiều bệnh viện (như: Việt Nam-Cuba, Y học dân tộc...).

Sau khi thống nhất đất nước, nhất là sau thời kỳ đổi mới, Hà Nội cùng với vượt qua khủng hoảng tăng trưởng kinh tế là xây dựng các khu công nghiệp lớn tập trung, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các công trình thương mại, dịch vụ cấp quốc gia, các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông cửa ngõ vào trung tâm (như: Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Láng-Hòa Lạc, Pháp Vân-Cầu Giẽ...). Một số khu đô thị mới hiện đại, xây dựng đồng bộ, tạo chất lượng sống khá cao, như: Linh Đàm, Trung Yên, Mỹ Đình, Trung Hòa-Nhân Chính, Ciputra. Và gần đây, Hà Nội xây dựng thêm các khu đô thị hiện đại, sinh thái. Điểm mốc dễ thấy là từ sau năm 1998, nội đô Hà Nội không chỉ phát triển ở phía nam sông Hồng mà đã vượt sang phía bắc sông Hồng (khu vực Long Biên, Đông Anh...). Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội đã xây dựng, phát triển mô hình chùm đô thị để tạo lập Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại với gần 200 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, như: Royal City, Gamuda, Times City...

leftcenterrightdel
        Diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay.  Ảnh: NGUYỄN HÀ 

Bên cạnh các khu đô thị là một số công trình công cộng tầm vóc quốc gia đã được xây dựng, như: Bảo tàng Hà Nội (năm 2010), tòa nhà Quốc hội (năm 2014), tòa nhà Keangnam 72 tầng (năm 2010); các khách sạn: Daewoo, Grand Plaza, tòa nhà Lotte Center 65 tầng (năm 2015)... Các không gian xanh công cộng cũng được quan tâm phát triển ở Thủ đô. Cùng với việc cải tạo hàng loạt công viên cũ, như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Đống Đa, Nghĩa Đô, Bách Thảo, Hà Nội xây dựng các công viên mới tầm vóc quốc gia, như: Công viên Hòa Bình, Công viên Cầu Giấy, Công viên Yên Sở... tạo lập các vành đai xanh công viên khu vực, sân chơi trong các khu dân cư.

Về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, đã có những đột phá làm thay đổi diện mạo Thủ đô. Hà Nội đang từng bước hoàn thiện 3 tuyến đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, cao tốc Hòa Lạc, sân bay quốc tế Nội Bài, các cầu vượt nhẹ, cầu đi bộ, hầm đi bộ...

Điểm nổi bật nữa cần nhận diện đúng là Hà Nội không chỉ phát triển mới mà còn quan tâm đến tái thiết, cải tạo các khu đô thị hiện hữu và nhất là tạo được sự hài hòa giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới, Hà Nội dẫn đầu cả nước.

Nhìn lại chặng đường 67 năm qua cho thấy, tuy còn một số tồn tại, như: Cải tạo chung cư cũ còn chậm, cải tạo đường và mở đường mới chưa gắn với tạo lập không gian kiến trúc hai bên đường... nhưng không thể phủ nhận diện mạo, tầm vóc Thủ đô luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, thử thách nào, Hà Nội vẫn vững vàng, linh hoạt để làm tốt chức năng, nhiệm vụ là thủ đô.

Những kết quả đã đạt được trong giai đoạn sau giải phóng đến nay là đáng tự hào, song trong giai đoạn tới, với mục tiêu đã đề ra, Hà Nội còn nhiều thách thức, rất cần quyết tâm mới trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.

Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu quy hoạch tổng thể thành phố theo Luật Quy hoạch (năm 2017) là rà soát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011) để khẳng định những định hướng thực hiện, có xem xét đến đề xuất điều chỉnh cụ thể. Trước hết, cần hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu để cụ thể hóa các quy hoạch vệ tinh, khu đặc thù, như: Đồ án phân khu sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, nhất là quy hoạch không gian ngầm, một số quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc...

Trong tổ chức thực hiện rất cần khẳng định phát triển Thủ đô theo mô hình cấu trúc chùm đô thị. Đây là mô hình kế thừa kinh nghiệm từ các nước phát triển, song lại có sáng tạo khi áp dụng vào Hà Nội với tính độc lập tương đối. Thực hiện được mô hình này sẽ đạt được mục tiêu kép trong phát triển, tạo thuận lợi để phân bổ dân cư hợp lý (5 đô thị vệ tinh có khả năng quy nạp 1,4 triệu dân) và quản lý thực hiện đang quá tải trong nội đô lịch sử.

Tạo quỹ đất lớn (khoảng 25.000ha) để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư và nhất là tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, cho Hà Nội phát triển xanh và phát huy các khu cảnh quan thiên nhiên đặc thù của thành phố, như: Ba Vì, Sóc Sơn. Trong phát triển rất cần những đột phá mới để đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, như: Giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh phát triển mới, hiện đại là thách thức về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị (các khu vực đặc thù, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc) hình thành từ quá trình Thăng Long-Hà Nội.

Bài học về chủ động, năng động, sáng tạo, bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết sức mạnh địa phương với sức mạnh lợi thế từ Trung ương, sức mạnh hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, sức mạnh từ phát huy dân chủ đi liền với kỷ luật, kỷ cương luôn là động lực, là niềm tin để trong giai đoạn tới, Hà Nội là thành phố "xanh-thông minh-hiện đại", phát triển năng động, hiệu quả, có chất lượng cuộc sống cao, phát triển bền vững, kết nối toàn cầu.

Hà Nội, tháng 10-2021

TS, KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM