QĐCT - Thứ Sáu, 04/10/2017, 20:55 (GMT+7)
Cây xanh Hà Nội - hội tụ tinh hoa
QĐND - Từ xa xưa, Hà Nội là thành phố của sông, hồ-mặt nước mà gắn với nó luôn là những triền xanh cây cối ven bờ. Cây xanh cứ thế-tự nhiên mà trở thành một phần không tách rời khi nói đến Thủ đô của chúng ta. Người dân Hà Nội bao đời nay đã quen với hình ảnh dịu mát của những con đường phủ rợp bóng cây xanh. Không chỉ đóng vai trò như lá phổi xanh của đô thị giúp cho nhịp sống dễ chịu hơn ở miền nhiệt đới nắng gắt gao, cây xanh còn đi vào hội họa, nhiếp ảnh và thi ca như một nét văn hóa của Hà Nội.
Thời kỳ thuộc địa, diện tích công viên, vườn hoa của Hà Nội chỉ có 38ha, khá nhỏ bé và khiêm tốn. Ngoài vườn Bách Thảo và khu vực xung quanh Hồ Gươm, người Pháp chỉ tận dụng những mảnh đất nhỏ tại những ngả giao nhau của các tuyến đường để làm vườn trong đô thị. Tuy vậy, họ lại duy trì được một hệ thống cây xanh đường phố và trong khuôn viên các công trình xây dựng đậm dày và liền mạch, làm nên những dải xanh liên kết với nhau. Hà Nội như một thành phố trong vườn. Có thể nói, đây là một trong những thủ pháp quy hoạch kế thừa được nghệ thuật kiến tạo cảnh quan đô thị theo mô hình phương Tây thích hợp với môi trường bản địa. Một bài học quý giá về sự giao hòa Đông-Tây.
Hà Nội phố và cây. Ảnh: NGUYỄN XUÂN CHÍNH
Cách đây 57 năm, Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết Trồng cây và để lại cho chúng ta một bài học đúc rút trong câu nói bất hủ “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Hình ảnh Người trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất ngày 11-1-1960 đã đánh dấu thời kỳ Hà Nội chuyển mình trong việc phát triển hệ thống cây xanh theo hướng tập trung thành những công viên lớn, khác hẳn với những mảnh vườn nhỏ bé thời kỳ trước. Tính đến năm 1980, diện tích cây xanh Hà Nội đã đạt đến 117ha. Cần phải nói về những điểm rất đặc biệt trong phát triển cây xanh-công viên của thời kỳ này mà sau này không dễ gì có được. Thứ nhất, hầu hết các công viên đều được xây dựng bằng tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, mọi thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân Hà Nội đều hồ hởi nạo vét hồ, trồng cây để tạo nên những công trình có giá trị cho cộng đồng như: Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ, đường Thanh Niên hay những hàng cây trên cung đường Giảng Võ, Thành Công… Thứ hai, hầu hết công viên đều được xây dựng trên những khu vực ven đô, nhằm tạo vành đai xanh cho đô thị lúc bấy giờ. Và hầu hết gắn với hồ hiện có; những bãi rác của thời kỳ trước được biến thành công viên khang trang sạch sẽ. Điểm đặc biệt nữa, đó là tính chuyên đề của hệ thống công viên cây xanh rất rõ rệt và để lại dấu ấn. Công viên Thống Nhất nằm trên đường Nam Bộ gắn liền với khát vọng về một đất nước liền một dải, hàng dừa soi bóng xuống hồ Bảy Mẫu thể hiện nỗi nhớ, mong của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt. Đường Thanh Niên với Vườn hoa Lý Tự Trọng, Vạn Xuân biểu tượng cho sức trẻ, lòng nhiệt huyết và vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, Công viên Thủ Lệ dành cho vườn thú gắn với đền Voi Phục… những triết lý mang tính dân tộc được gửi vào đất, vào cây.
Mạng lưới cây xanh được các thế hệ người Hà Nội trồng trên những tuyến phố xưa cũ giờ đã khoác trên mình màu thời gian. Cành lá rêu phong, rễ đâm dày như nét văn hóa của một Thủ đô cổ kính, thanh tao, sâu sắc mà bền bỉ. Khéo thay những tuyến đường, tuyến phố được người xưa lựa chọn từng loại cây theo chuyên đề: Sấu ở Phan Đình Phùng; xà cừ ở Hoàng Diệu, Kim Mã, Giảng Võ; hoa sữa ở Nguyễn Du; sao đen ở Lò Đúc...
Phố Hoàng Diệu - tuyến phố đẹp của Thủ đô với những hàng xà cừ cổ thụ. Ảnh: NGUYỄN HUY
Thủ đô giờ có hơn 365ha đất cho 67 công viên, vườn hoa, sân thể dục thể thao. Diện tích này giờ đã lớn gấp gần 10 lần so với ngày giải phóng. Nhưng Hà Nội giờ đã lớn gấp gần 22 lần so với ngày ấy. Tỷ lệ 1,7-1,8m2 đất cây xanh/người ở Hà Nội thuộc loại nhỏ bé so với các đô thị trên thế giới. Chủ yếu chỉ tập trung ở các quận nội thành trước đây. Phải chăng chúng ta đã có thời mải lo xây những khu đô thị, phát triển những công trình bề thế mà quên mất việc duy trì và phát triển cây xanh-một đặc trưng của Thủ đô.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa tiêu chí “Xanh” trở nên thành tố đầu tiên trong chuỗi khẩu hiệu định hình sự phát triển của thành phố “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”. Hồ Tây với lợi thế về vị trí, cảnh quan, mang trong mình những câu chuyện huyền thoại đã và đang trở thành trọng tâm phát triển cảnh quan cây xanh-hồ nước chủ đạo của khu vực trung tâm lịch sử. Những nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đang trở nên thông thái hơn khi coi cây xanh, vườn hoa-hồ nước là những yếu tố sống còn mang đến giá trị cho cộng đồng, trong đó có lợi ích của chính họ.
Hành lang hai bên sông Hồng, sông Đuống và vành đai xanh ven sông Nhuệ hay khu vực đầm Vân Trì sẽ là những hạt ngọc xanh được các dòng chảy liên kết thành những chuỗi cườm tuyệt đẹp. Đây sẽ là những không gian cảnh quan cốt lõi, bền vững tạo động lực vừa thu hút dân cư cho vùng đô thị mới, vừa giảm tải áp lực về dân số cho khu vực lõi nội đô lịch sử.
Thách thức còn rất lớn, bởi cây xanh, công viên-hồ nước dễ nói, dễ bình, dễ phê phán bởi đó đã trở thành tiềm thức của người Hà Nội. Nhưng có mấy người hiểu sâu sắc rằng nó lại rất dễ bị tổn thương. Người ta sẵn sàng đổ dầu, đẽo gọt-bức tử cây xanh chỉ vì nó án ngữ cửa hàng cửa hiệu của họ. Những khu vực dự kiến làm công viên là những vùng, mà ở đó, hiện tượng lấn chiếm đất công diễn ra phổ biến nhất. Phải chăng trách nhiệm thật sự được minh chứng bằng hành động với cộng đồng thông qua cách hành xử của chúng ta với cây xanh đang bị coi nhẹ.
Một chiến lược phát triển hạ tầng xanh cho Thủ đô Hà Nội với quan điểm là thành phố hội tụ của những loài hoa, loài cây điển hình, đại diện cho mọi miền của đất nước. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh-bước đi ban đầu là nhỏ bé, nhưng cụ thể và thiết thực. Hà Nội rất cần không chỉ là nguồn lực, những cách làm năng động, sự đồng tâm-sẻ chia trách nhiệm của xã hội. Tất cả vì tình yêu với Thủ đô “xanh, xanh thắm…” của chúng ta.
KTS VŨ HOÀI ĐỨC
-->