|
|
Khách tham quan tạo dáng bên chiếc xe kéo cùng hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa |
Không chỉ có những người cao tuổi, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử mà còn rất nhiều khán giả trẻ đã vô cùng hào hứng khi đến xem triển lãm. “Hoài niệm Hà Nội phố” gợi lại những ký ức đẹp về Hà Nội cho những ai từng gắn bó lâu đời với mảnh đất này. Đến đây, công chúng được tiếp cận những hình ảnh, bản vẽ về khu phố cổ, khu phố Tây, Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; một số văn bản hành chính cùng đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Phía trước Cửa Bắc thành Hà Nội (hiện vẫn còn một phần di tích trên phố Phan Đình Phùng) năm 1884 có một cây cầu khá dài dẫn vào, bên dưới là hào sâu nước cả. Tòa công sứ Pháp đầu tiên tại Hà Nội ở phố Hàng Gai; Nhà thờ Lớn xây dựng từ những năm 1884-1887 là một khu vực rất rậm rạp cây cối… Cách đây tròn 130 năm, với nghị định của Toàn quyền Đông Dương, TP Hà Nội chính thức được thành lập vào năm 1888. Hay văn bản yết thị của Quan chánh Đốc lý (TP Hà Nội) ngày 2-5-1925 thông báo cho công chúng về việc khảo sát mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước Tây từ ngày 2 đến 22-5-1925...
Bên tấm bản đồ TP Hà Nội được lập năm 1899, GS Thái Trần Bái, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chăm chú đọc từng dòng chú thích về khu vực nội thành, hồ nước, đình, chùa của Hà Nội xưa để so sánh, liên hệ với ngày nay. “Một số hình ảnh, tư liệu tại đây gợi cho tôi muốn tìm hiểu, khám phá tiếp những tên đường, tên phố, tên hồ ở Hà Nội thời kỳ trước đây. Theo bản đồ này thì tên hồ Hoàn Kiếm chính là hồ Hoàn Gươm. Vậy thì việc đổi tên diễn ra trong giai đoạn nào? Lý do gì lại đổi tên gọi Hoàn Gươm thành Hoàn Kiếm? Tôi thực sự xúc động khi được xem những hình ảnh phiên bản từ tư liệu gốc đang được lưu giữ tại đây. Tư liệu này rất quan trọng và có ý nghĩa đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, quy hoạch và kiến trúc...”-GS Thái Trần Bái nói. Chị Đỗ Hoàng Anh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) chia sẻ: Khi xem bản vẽ vị trí mặt trước và mặt cắt Nhà thủy tạ, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn… khiến tôi lại tò mò muốn tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến các công trình, di tích quanh Hồ Gươm như thế nào. Bản vẽ Nhà thủy tạ trên Đại lộ Beauchamp (nay là phố Lê Thái Tổ) bên bờ Hồ Gươm do Lagisquet lập ngày 15-2-1935, thực ra là một công trình tư nhân. Vậy công trình đó xây dựng như thế nào, do ai xây dựng? Quả thực, mỗi tài liệu là một câu chuyện hấp dẫn về các vấn đề chính trị, văn hóa hay đời thường đều đem lại cho tôi cảm xúc khó tả.
|
|
Ga Hà Nội xưa. Ảnh chụp lại từ tư liệu tại triển lãm |
Trải qua hơn một thế kỷ đến nay, Hà Nội với tư cách là một đô thị trung tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Dương, vẫn luôn giữ được những nét văn hóa riêng biệt. So với hiện nay, một số hình ảnh về ga Hà Nội, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chợ Đồng Xuân hay bản vẽ mặt trước dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) do TS, kiến trúc sư Charles Lichenfeder lập năm 1900 dường như không có sự khác biệt nhiều. Còn khu nhượng địa Pháp, khu phố Tây, thành Hà Nội và vùng phụ cận cùng nhiều đường sá, quy hoạch đô thị thì đã thay đổi rất nhiều theo thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, những hình ảnh về phố phường và hoạt động dân sinh ở Hà Nội thời kỳ này đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho người xem về một không gian đô thị xưa trầm mặc và tĩnh lặng. Những công trình công sở được xây dựng rất công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao. Qua đây cũng cho công chúng hiểu thêm về những nét văn hóa thị thành của người Hà Nội xưa, tính kỷ luật xây dựng theo quy hoạch thành phố đã được thiết lập…
Những công trình kiến trúc, văn hóa thời Pháp thuộc hiện vẫn còn trong lòng Thủ đô là những di sản vô cùng quý giá, là quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Các công trình kiến trúc chính là vật chứng lịch sử cho sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp, văn hóa Đông-Tây… Là một nhà nghiên cứu về lịch sử, GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nhiều công trình được người Pháp xây dựng cách đây hơn một thế kỷ nhưng đến bây giờ vẫn còn giá trị. Nếu chúng ta chưa phát huy được giá trị thì cũng phải gìn giữ cho được các di sản đó. Chính vì vậy, triển lãm này có tác động tích cực, vừa nhắc lại quá khứ nhưng đồng thời lại nhắc nhở người dân Thủ đô cùng nhau bảo tồn, gìn giữ di sản cho hôm nay và mai sau”.
Bài và ảnh: MINH THÀNH