Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản sao cho xứng với tiềm năng và tạo đà phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Thủ đô vẫn là điều mà giới chuyên môn trăn trở.

Kho di sản văn hóa đặc biệt

Khu phố cổ Hà Nội được coi là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền.

leftcenterrightdel
Phố Hàng Mã. Ảnh: QUANG HUY

Theo số liệu của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể bao gồm 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác (hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am... Các giá trị phi vật thể trong khu phố cổ cũng khá đa dạng, hấp dẫn như: Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm...; những lễ hội truyền thống (Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn...). Những giá trị vật thể và phi vật thể này đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Theo ThS Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP Hà Nội thì khu phố cổ Hà Nội thực sự là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội. Di sản phố cổ Hà Nội là kho báu của du lịch Thủ đô, có sức hút mạnh mẽ với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Điều này được ông minh chứng từ thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực phía Bắc đều đến tham quan phố cổ.

Được biết, 20 năm qua, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế triển khai nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể khu phố cổ Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến dự án bảo tồn, tôn tạo nhà cổ 87 phố Mã Mây (năm 1999), tiếp đó là dự án cải tạo, bảo tồn đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào (năm 2000), rồi dự án cải tạo nhà cổ 51 phố Hàng Bạc, trùng tu theo kiến trúc truyền thống ngôi nhà ở 69 Mã Mây, 19 Hàng Đồng, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm... (năm 2004). Từ năm 2008 đến 2020, bên cạnh việc tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo các công trình có giá trị lịch sử như đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, đình Tú Thị, đình Đông Thành, đền Quan Đế, đền Bạch Mã... quận Hoàn Kiếm cũng đã đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị như: Hoàn thành hạ ngầm đường dây đi nổi trong khu phố cổ, triển khai dự án phát huy giá trị di sản đô thị 131 vòm cầu đường dẫn nam cầu Long Biên... Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm cũng đã thực hiện các dự án phố sách, không gian sáng tạo nghệ thuật công cộng Phùng Hưng gắn với phát triển du lịch, tạo dựng thương hiệu riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Những dự án triển khai trong khu phố cổ Hà Nội về chỉnh trang các phố, trùng tu, tôn tạo các di tích, các dự án xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan, trường học trong thời gian qua đã đem lại một diện mạo mới cho khu phố cổ, góp phần làm đẹp thành phố, cải thiện điều kiện sống cho người dân, góp phần lưu giữ các giá trị vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ cũng được chú trọng thông qua việc khôi phục các lễ hội truyền thống, các triển lãm, trưng bày, biểu diễn và hội thảo, tọa đàm. Công tác tuyên truyền về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, nhân dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị. Tiêu biểu như hoạt động Tết truyền thống, Trung thu, ngày Di sản với những nội dung giới thiệu ẩm thực, giới thiệu văn hóa trà, các nghề tơ lụa, sen tơ, bạc, đồng, mây tre đan... giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Trình diễn áo dài phố cổ. Ảnh: NGUYỄN THẾ HÙNG

Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Sau khi có Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tiềm năng, giá trị của khu phố cổ vẫn cần được tiếp tục quan tâm.

Theo PGS, TS Đỗ Thị Hảo, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, để giữ gìn và phát huy một cách cơ bản, bền vững di sản văn hóa phố cổ (đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cần kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tại khu phố cổ như: Thần tích, sắc phong, văn bia trong đình chùa, nhà thờ tổ, hương ước... tiến hành dịch thuật và công bố rộng rãi để phục vụ khách du lịch và người dân. Trong khu phố cổ xưa kia tập trung nhiều cơ sở giải trí như: Rạp Sán Nhiên Đài, Quảng Lạc, Cải lương hý viện, cơ sở ả đào đầu tiên của Hà Nội ở phố Hàng Giấy, đình Giáo phường thôn Tân Khai phố Hàng Cót,... hiện nay hầu hết đã biến thành nhà dân, không còn dấu tích gì của ngày xưa nữa. Nên chăng cần gắn biển đánh dấu để lưu lại một thời vàng son của nghệ thuật dân gian Thủ đô. Thêm nữa, nếu trong khu phố cổ với biết bao con phố mang tên “Hàng” có một bảo tàng thủ công mỹ nghệ thì thật có ý nghĩa biết bao...

Từ thực tiễn nghiên cứu khoa học và công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa, PGS, TS Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, cần khai thác hết thế mạnh công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể, nên khảo sát và lưu trữ dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, đặc biệt là với những công trình khó có khả năng giới thiệu cho khách du lịch và có thể hỏng hóc, khó khôi phục. Đồng thời, cần thiết lập bản đồ quy hoạch bảo tồn sử dụng công nghệ BIM tích hợp GIS trong công tác quản lý để các thông tin được cập nhật kịp thời, lập bản đồ GIS cho khách tham quan, khách du lịch với các thông tin văn hóa, lịch sử về phố cổ đầy đủ. Việc số hóa dữ liệu di sản không chỉ ở phần kiến trúc vật thể mà còn phải tích hợp các dữ liệu văn hóa khác. Ví dụ, với một ngôi nhà cổ, khi tra thông tin sẽ được giới thiệu về lịch sử ngôi nhà, về chủ nhà, các thế hệ, các đồ đạc, nội thất hay các diễn biến lịch sử của ngôi nhà. Có như vậy mới hấp dẫn khách đến tham quan.

Đặt trong tầm nhìn của Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo về thiết kế”, ThS Trần Trung Hiếu cho rằng, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục quan tâm phát triển các không gian sáng tạo trong và ngoài khu phố cổ; sớm hoàn thành phát triển không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng-Gầm Cầu để tổ chức không gian đi bộ Phùng Hưng-Gầm Cầu; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân-Cấm Chỉ; phát triển tuyến phố Hàng Khay-Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác đoạn phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực... Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm, có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ có chọn lọc các hoạt động văn hóa-du lịch phù hợp diễn ra trong các di sản, làm cho di sản phố cổ luôn có hoạt động sống.

PGS, TS, kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội: Muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ là hết sức quan trọng. Cần tuyên truyền bảo vệ các giá trị văn hóa phố cổ, đặc biệt là kiến trúc của khu phố cổ để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống thì không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ. Cần có cơ chế xã hội hóa cho việc bảo vệ và khai thác các ngôi nhà cổ. Cho phép chủ sở hữu sử dụng vào mục đích du lịch, tham quan, nghiên cứu, để họ có được nguồn thu từ du lịch.

TS, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội: Khu phố cổ Hà Nội có giá trị tổng hòa về kinh tế, văn hóa-xã hội và nhất là về không gian cấu trúc đô thị và công trình kiến trúc. Các giá trị di sản này được tiến triển và nâng tầm cùng với thời gian phát triển tạo được đặc trưng khác với Hội An, Huế, Đường Lâm và một số đô thị cổ của nước ngoài. Chính các đặc trưng này là tiềm năng để nâng giá trị di sản của khu phố cổ lên tầm thế giới.

TS, kiến trúc sư Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm: Để bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ cần phải huy động xã hội hóa nguồn lực không chỉ của khu phố cổ, của quận, mà còn từ cả nước và nước ngoài. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để tạo thêm động lực cho bảo tồn, phát huy giá trị, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

ĐẶNG THỦY