Nghề thủ công mỹ nghệ-kho báu di sản

Từ xa xưa, Thăng Long là nơi hội tụ nhiều nghề thủ công như dệt vải, làm gạch sứ, đúc tượng đồng, chạm vàng bạc, trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa cây cảnh... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, bách nghệ kinh đô đa số có gốc gác tứ trấn Đông, Nam, Đoài, Bắc nhưng đã tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất và cũng khó nhất là Thăng Long-Hà Nội.

Cùng với các nghề có từ trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của nước ta, những người thợ thủ công ở nơi khác kéo về góp thêm sự phong phú cho nghề thủ công truyền thống đất Thăng Long. Ở các vùng ngoại ô, nhiều làng xóm được họ lập nên để hành nghề (gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã...). Trong vùng nội đô, đặc biệt là khu phố cổ, thợ thủ công các vùng miền cũng mang theo những đặc sắc của quê hương mình, vừa sản xuất vừa bán sản phẩm tại phố hình thành nên phường nghề, phố nghề nội đô đặc trưng (Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đồng, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Đào, Hàng Điếu, Hàng Lọng, Hàng Khay...).

Kể từ khi Hà Tây-nơi được ví von là “đất trăm nghề” sáp nhập về Hà Nội năm 2008 thì kho báu di sản làng nghề truyền thống của Thủ đô càng trở nên phong phú. Theo số liệu thống kê, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề lớn nhỏ, trong đó có tới 300 làng nghề chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã, một số sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý, nhiều làng nghề của Hà Nội được du khách lựa chọn là điểm đến trong hành trình du lịch của mình như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên), dệt tơ tằm Phùng Xá (Mỹ Đức)...

leftcenterrightdel

 Tinh xảo nghề mây tre đan. Ảnh: PHẠM ĐÌNH THÀNH 

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, mỗi sản phẩm thủ công cho thấy dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó đã trở thành một kênh lưu giữ ký ức, là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa.
Nhiều tiềm năng chưa được khơi dậy
Cũng như bao làng nghề thủ công trên cả nước, làng nghề thủ công Thủ đô đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp; thiếu nguồn nhân lực kế thừa rồi các vấn đề về nguyên liệu, marketing, thị trường tiêu thụ...

Tại khu phố cổ Hà Nội, các phố nghề thủ công mỹ nghệ, các cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ ngày càng có xu hướng thu hẹp. Theo thông tin do ông Đoàn Quang Cường, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cung cấp, quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố. Đơn cử như phố Hàng Bạc, số cửa hàng kinh doanh kim hoàn giảm từ 90 xuống còn 40; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống còn 35 và 91 cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai đã giảm xuống còn 40.

leftcenterrightdel

Nghề làm quạt giấy. Ảnh: TRẦN BÁ VIỆT DŨNG 

Ông Bùi Công Thản, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cũng cho biết, tại huyện này, số lượng doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn nhỏ lẻ; quy mô sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình. Tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bị thu hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất, lao động trẻ hạn chế, thu nhập thấp so với các lĩnh vực khác gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống của huyện.

Tại huyện Phú Xuyên, việc phát triển nghề thủ công truyền thống cũng được địa phương rất chú trọng thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã tổ chức thành công 7 kỳ lễ hội vinh danh làng nghề, thu hút hàng vạn khách đến tham quan, mua sắm. Huyện cũng xây dựng trang thông tin điện tử làng nghề để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề; trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại 3 xã là: Vân Từ, Tân Dân và Sơn Hà.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên thì vẫn còn nhiều tiềm năng làng nghề mà huyện chưa đánh thức, khơi dậy để phát huy được. Nguyên nhân là do tiến độ triển khai, xây dựng và thu hút đầu tư vào phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch còn chậm; cơ sở hạ tầng ở một số làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chưa có khu thương mại, dịch vụ của huyện để trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề môi trường, khí thải, rác thải rắn, tiếng ồn... ở một số làng nghề chưa được xử lý dứt điểm. Chưa xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm kết hợp với triển khai chương trình OCOP.

Đây cũng là thực trạng chung mà nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố đang đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ.

Cần sự kết nối và tiếp sức

leftcenterrightdel
S

Sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.  Ảnh do nhân vật cung cấp 

Để nghề thủ công mỹ nghệ có thể tạo bước đệm cho công nghiệp văn hóa Thủ đô, nhiều giải pháp cũng đã được giới chuyên môn đề xuất, trong đó tập trung vào các vấn đề: Quy hoạch, bảo tồn làng nghề; có chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề về vốn, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường; chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề; nâng tầm cho sản phẩm thủ công bằng việc chú trọng thiết kế mẫu mã, truyền thông marketing...

Tại cuộc tọa đàm về “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội-Sáng tạo để phát triển” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức mới đây, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ chia sẻ những nỗ lực trong việc nâng tầm thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng việc tạo sự hòa quyện giữa tinh hoa truyền thống với hơi thở nghệ thuật đương đại. Trong đó, họa sĩ Nam Chi dồn tâm sức tìm tòi, sáng tạo thể hiện trong những mẫu tranh mới dựa trên các họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (làng nghề tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) nỗ lực để mang tới "sức sống mới cho các sản phẩm tò he" bằng việc không ngừng tìm tòi nguyên liệu, mẫu mã mới... Cũng theo ông Phạm Tuấn Long thì nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. “Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà được du khách ưa chuộng, việc sáng tạo sản phẩm mới cần dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Ngoài ra, chúng ta phải chú trọng giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, ông Long nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý đề cập tới vấn đề tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống. Theo bà, để có thể sáng tạo từ di sản, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học. Hệ thống dữ liệu này sẽ giúp những nghệ sĩ phát huy kế thừa giá trị di sản của cha ông, tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật, từ đó các sản phẩm mang bản sắc riêng của dân tộc.

KHÁNH THƯ