Bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể

Năm công trình vừa được xếp hạng cấp thành phố, bao gồm: Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS Võ Trường Toản và Lăng Võ Tánh. Nổi bật trong các công trình đó là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1). Theo lời giới thiệu của thầy Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng nhà trường: Năm 1874, linh mục Henri De Kerlan-Cha Sở coi Thánh đường Sài Gòn tự xuất tiền riêng sáng lập Trường Lasan Taberd đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời vua Tự Đức. Trường được xây năm 1875 và hoàn thiện năm 1887. Sau ngày miền Nam giải phóng, theo thông cáo chung của Sở Giáo dục và Ủy ban liên lạc Công giáo-Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, Trường Lasan Taberd được chính thức bàn giao cho Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh và được sửa chữa, thành lập Trường Trung học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2000, Trường Trung học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chuyển thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa… Với nét kiến trúc cổ điển, xây dựng theo phong cách Pháp đan xen lối trang trí mang hơi hướng truyền thống Á Đông, Trường THPT Trần Đại Nghĩa mang vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng và thanh thoát, trở thành một công trình lịch sử có giá trị nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, các di tích: Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận), công trình kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ; Nhà thờ Thủ Thiêm mang đậm nét kiến trúc đô thị những năm đầu thế kỷ 20… góp phần làm nên dấu ấn di sản văn hóa ở đô thị ven sông. Theo KTS Trần Quốc Ngọc (Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh): Mặc dù các công trình được tu sửa, tôn tạo trong khoảng thời gian khác nhau nhưng nhìn chung vẫn bảo đảm hài hòa trong tổng thể kiến trúc, gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có ban đầu. Kiến trúc của các công trình góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Những di tích lịch sử-văn hóa-kiến trúc này cùng với hàng trăm di tích đã được xếp hạng là tài sản, bản sắc văn hóa, nguồn lực trong quá trình phát triển thành phố.

Các giá trị văn hóa vật thể đang được thành phố nỗ lực bảo tồn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa trong năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bảo tồn và phát huy vai trò của các di tích văn hóa vật thể gắn liền với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, phải được thực hiện sao cho hợp lý để các di tích, địa danh lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật thực sự có ý nghĩa trong sự phát triển chung trên địa bàn. Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo ngành chức năng rà soát, nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích để lưu giữ, bảo vệ, phát huy giá trị. Đây cũng là vấn đề ưu tiên trong năm văn hóa 2020, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học đánh giá các di vật, cổ vật, di tích, công trình để có hướng bảo tồn tốt nhất.

leftcenterrightdel
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, công trình lịch sử văn hóa cấp thành phố vừa được xếp hạng.

Tính đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 177 di tích đã xếp hạng; trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 119 di tích cấp thành phố và 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2016-2020. Các di tích khá đa dạng về loại hình, như: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học, di tích tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, văn hóa… Thời gian qua, thành phố đã thực hiện toàn diện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích làm động lực phát triển thành phố; kết hợp các chính sách văn hóa và bảo tồn với định hướng nghệ thuật và xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn minh đô thị. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ văn hóa-thông tin ở cơ sở còn thiếu, hầu hết kiêm nhiệm, chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu… nên hiệu quả bảo tồn chưa như mong đợi. Bởi vậy, với chủ đề năm văn hóa, TP Hồ Chí Minh tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các giải pháp để văn hóa thực sự là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích vào thực tiễn đời sống xã hội phải làm chu đáo, đúng trình tự nguyên tắc, tuân thủ pháp luật. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa mà còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời thể hiện tình cảm, trách nhiệm lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau.

Giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết và lễ hội truyền thống

leftcenterrightdel
Thầy, trò Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đến thăm, chúc Tết phu nhân cố GS.VS Trần Đại Nghĩa.

TP Hồ Chí Minh có 53 dân tộc thiểu số với gần 470.000 nhân khẩu. Mỗi dân tộc có đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng riêng; trong đó ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội truyền thống luôn được cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa địa phương quan tâm bảo tồn để giữ gìn bản sắc các dân tộc. Nhờ vậy, nhiều lớp học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số cùng các lễ hội văn hóa đã và đang được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng. Điển hình như, chùa Candaransĩ (quận 3, TP Hồ Chí Minh) từ lâu đã trở thành nơi hội tụ, lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Các chương trình nghệ thuật, lễ hội, giao lưu truyền thống… của cộng đồng người Khmer trên địa bàn đều được tổ chức tại chùa. Cùng với đó, nhà chùa còn duy trì đều đặn lớp dạy tiếng Khmer nhằm giữ gìn chữ viết, ngôn ngữ và những giá trị văn hóa lâu đời cho thế hệ trẻ cộng đồng Khmer. Người có công lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Khmer ở TP Hồ Chí Minh là Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trụ trì chùa Candaransĩ. Ngoài các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại chùa, hòa thượng còn phối hợp với nhiều trường đại học tổ chức các khóa học ngoài giờ tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ và Phật giáo Khmer Nam Tông… Hòa thượng Danh Lung, chia sẻ: Văn hóa là một phạm trù rộng, bao hàm cả giá trị vật chất và tinh thần. Trong tiến trình hội nhập, giao tiếp hiện nay, chỉ riêng việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc đã rất khó khăn. Tuy nhiên, nhà chùa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giáo dục, bảo tồn và phát triển những nét đặc trưng văn hóa của người Khmer Nam Bộ; đồng thời tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó các dân tộc, góp phần cùng chính quyền xây dựng địa bàn dân cư văn hóa.

Thực tế cho thấy, nhiều người trẻ trong cộng đồng dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh không biết nói tiếng dân tộc mình, không biết viết tên mình bằng tiếng dân tộc. Không ít gia đình dùng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để trao đổi, trò chuyện với các em nhỏ và trao đổi thông tin hằng ngày. Theo phân tích của Tiến sĩ Trần Thanh Pôn (tên Khmer là Chan Pôn), một chuyên gia về giáo dục học: Việc tiếp xúc, trao đổi thường xuyên bằng tiếng phổ thông có lợi là các em tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn khi bước vào tiểu học. Tuy nhiên, cũng vì thế mà các em sẽ mai một vốn tiếng dân tộc bản địa. Cho nên, cùng với giáo dục tiếng phổ thông cũng cần kết hợp giảng dạy ngôn ngữ, chữ viết cho đồng bào dân tộc nói chung và trẻ em dân tộc nói riêng để bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng và vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, các lễ hội văn hóa: Đèn hoa, Katê, Rija Nagar, tháng Ramadan, Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om bok… được các địa phương tổ chức khá đều đặn nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và phát huy phù hợp với xu thế hội nhập, nhưng vẫn mang đậm nét đặc trưng. Các trung tâm văn hóa quận, huyện phối hợp tổ chức liên hoan lân-sư-rồng, liên hoan hát ru-hò-lý; hội thi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc… Mục đích của các hoạt động này nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết hợp khơi dậy tiềm năng của chính cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng. Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể sẽ được ngành văn hóa thành phố đẩy mạnh trong năm 2020. Hiện nay, ngành văn hóa đang tiếp tục thực hiện quy trình công nhận các di tích, công trình, địa điểm có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật để xếp hạng, nhất là di tích có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, như: Từ đường Triều Châu, khu phố Hải Thượng Lãn Ông, Thánh đường Hồi giáo Nguyễn Trãi...; đồng thời ưu tiên đầu tư giữ gìn và phát huy các lễ hội, loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số, để tạo nền tảng vững chắc xây dựng đô thị văn hóa, văn minh.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH