Ra mắt trong Chương trình nghệ thuật "Nơi tôi sinh ra" tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Tuần lễ thời trang áo dài Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, bộ sưu tập áo dài với chủ đề tranh Kim Hoàng của Ngọc Hân đã tạo dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng. Sự sáng tạo trong việc kết hợp hài hòa giữa nét đẹp tà áo dài truyền thống với nét văn hóa độc đáo của dòng tranh Kim Hoàng nổi tiếng đất kinh kỳ xưa thể hiện một tầng sâu về văn hóa và ý thức gìn giữ, phát huy nét đẹp cổ truyền vốn có của dân tộc.

leftcenterrightdel
 

Giới thiệu tranh Kim Hoàng cùng bộ sưu tập áo dài Kim Hoàng. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Là người yêu cái đẹp, khi cầm trên tay những sản phẩm áo dài được đầu tư thiết kế công phu, tỉ mỉ, in những bức tranh nổi tiếng mang hồn cốt đất và người xứ kinh kỳ xưa thật khó tránh khỏi bị cuốn hút, mê mẩn. Ngọc Hân chia sẻ về cảm hứng sáng tạo cho bộ sưu tập mới, đó là một lần tình cờ đến thăm đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội), cô đã chạm mặt và "phải lòng" dòng tranh Kim Hoàng. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, cô đã có ấn tượng đặc biệt với những hình vẽ rất gần gũi với đời thường, cụ thể là tranh lợn, gà, nông thôn Bắc Bộ... của dòng tranh này. Như một cái duyên, Ngọc Hân tìm đến nghệ nhân Đào Đình Chung, hiện là người duy nhất của làng Kim Hoàng kế thừa dòng tranh dân gian này. Tương truyền, tranh Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, xuất xứ từ làng Kim Hoàng (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), từng là một làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh, sánh ngang Đông Hồ, Hàng Trống.

leftcenterrightdel
 Hoa hậu, nhà thiết kế Ngọc Hân và nghệ nhân Đào Đình Chung. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Nhận thấy tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới. Tranh Kim Hoàng ra đời với sự kết hợp kỹ, mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng sử dụng giấy dó pha thêm sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ pháo, tạo nên một vẻ tươi thắm riêng biệt. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được biết đến với tên gọi khác là tranh đỏ. 

leftcenterrightdel
Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài Kim Hoàng được các người mẫu trình diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) khiến nhiều bản khắc gỗ của tranh bị cuốn trôi. Tranh Kim Hoàng rơi vào thất truyền liên tiếp hơn 7 thập kỷ. Đến năm 2015, dòng tranh đỏ được khôi phục lại nhờ tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu về tranh dân gian.

leftcenterrightdel
Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài Kim Hoàng được các người mẫu trình diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Tiếp nhận những dòng thông tin quý trên, Ngọc Hân ấp ủ ý định sẽ góp một chút công sức của mình vào việc gìn giữ và quảng bá dòng tranh quý này đến công chúng. Và việc kết hợp tranh Kim Hoàng với tà áo dài truyền thống đã được Ngọc Hân bắt tay ngay vào thực hiện.

leftcenterrightdel
 Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài Kim Hoàng được các người mẫu trình diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là một hành trình dài, vất vả và khó khăn. Ngọc Hân tâm sự, ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó để chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, cũng là tranh in nhưng tranh làng Kim Hoàng mỗi bức mang một diện mạo riêng. Ví như chú gà trống trong tranh Kim Hoàng (bức “Thần kê”) không xanh đỏ dung dị mà khoác tấm áo rực rỡ với đuôi dài như đuôi chim phượng hoàng. Hay bức tranh lợn với chú lợn ỉ đen no đủ tròn đầy nhưng chiếc mũi được biến tấu như một đám mây trong tranh cổ. Việc đưa tranh lên áo trong khi vẫn giữ được cái thần, cái hồn của tranh thực sự là một thách thức. Bên cạnh đó, việc in tranh lên áo dài cũng đòi hỏi nhiều bước kiểm tra trên các chất liệu vải khác nhau mới không bị lỗi.

Sau những trăn trở và nhiều lần thực nghiệm, nhờ đến sự tư vấn của các nghệ nhân, Ngọc Hân đã thành công đưa vẻ đẹp của tranh Kim Hoàng lên tà áo dài. Trên các chất liệu quen thuộc như lụa, tafta, đũi... Ngọc Hân sáng tạo các phom áo truyền thống thắt eo hay dáng suông... sao cho phù hợp với nhịp sống hiện đại và nhu cầu thẩm mỹ của phái đẹp. Nhờ kỹ thuật in 3D, dập nhăn cùng các tông màu rực rỡ từ tranh Kim Hoàng, mỗi thiết kế đều giúp người mặc trở nên duyên dáng và nổi bật khi dạo phố.

leftcenterrightdel
 Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài Kim Hoàng được các người mẫu trình diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sau 7 thập kỷ thất truyền, tranh đỏ Kim Hoàng đang dần hồi sinh. Phục dựng tranh không đơn thuần là tạo ra một sản phẩm giống với bản gốc, bảo đảm cả những yếu tố đi kèm để phản ánh được đầy đủ, chân thực nhất sự tinh xảo, tính thẩm mỹ, kỹ thuật điêu luyện tích lũy trong tác phẩm, giúp người xem cảm nhận được chiều sâu văn hóa của đất nghề mà còn phải thổi hồn để dòng tranh có thêm sức sống mãnh liệt, lan tỏa trong cộng đồng dân tộc, vươn ra quốc tế. Bằng việc kết hợp áo dài với tranh Kim Hoàng, Ngọc Hân đang góp phần khiến dòng tranh này trở nên gần gũi hơn với hoạt động hằng ngày trong cuộc sống, để mọi người nhận ra vẻ đẹp của áo dài và tranh dân gian ẩn giấu trong đó là cả một nền văn hóa dân tộc.

HOA TIÊN