Ông tổ nghề thêu

Theo nhiều cứ liệu lịch sử ghi lại thì nghề thêu tay có ở nước ta từ rất sớm-từ đầu công nguyên, gắn với nền văn minh nông nghiệp. Thời đó, dân ta đã biết dệt vải, thêu chữ và hoa trên khăn. Thời nhà Lý, nhà vua đã ra chiếu chỉ dùng lụa thêu để may trang phục cho quan lại trong triều đình. Đến thế kỷ 15, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, nghề thêu ở Đại Việt mới chính thức có sự phát triển mạnh mẽ và trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Người có công đem nghề thêu về phổ biến ở nước ta là ông Lê Công Hành, quê tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Theo nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Phu trong sách “Những công nghệ gia đình ở Hà Đông” (tiếng Pháp), xuất bản năm 1932 thì ông vốn họ Bùi, vì có nhiều công lao nên được ban quốc tính họ Lê, nên tên ông được gọi là Lê Công Hành.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo huyện Thường Tín tặng sách các nhà khoa học và đại biểu dự Hội thảo khoa học "Danh nhân- ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành thân thế, cuộc đời và sự nghiệp" diễn ra vào ngày 10-3-2024 tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ảnh: BÍCH NGỌC

Sử sách ghi lại rằng, năm 1646, Lê Công Hành được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ phương Bắc. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ thần nhà Lê bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Khi ông đã lên lầu, chúng bèn rút thang để ông không thể leo xuống. Trên lầu cao, ông đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy hai pho tượng phật sơn son thiếp vàng và một chum nước cùng hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi 3 chữ “Phật tại tâm”. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua, chỉ có một mình trên lầu vắng, cơm không có ăn. Ông nghĩ bụng: Có chum nước để uống tất phải có cái ăn. Ông quay ra ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm: Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng.

Ông gật đầu mỉm cười rồi bẻ tay pho tượng ăn thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Có thức ăn, nước uống, hằng ngày ông quan sát kỹ cách làm lọng. Nhập tâm cách làm lọng rồi ông lại hạ bức nghi môn xuống tháo ra xem cách thêu nổi và đã học được cách làm lọng, thêu nổi. Sau đó ông mạnh dạn dùng lọng làm dù nhảy xuống đất an toàn. Trước cách ứng xử thông minh ấy, vua quan nhà Minh rất khâm phục, mở tiệc chiêu đãi ông và đoàn sứ thần.

Khi về nước, dù làm quan trong triều, Lê Công Hành vẫn tranh thủ về dạy dân làng trong vùng cách làm lọng và cách làm hàng thêu. Vua Lê phong ông làm Kim tử Vinh lộc Đại phu, sung chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu và ban cho họ vua, đổi thành Lê Công Hành. Khi mất, ông được truy tặng Thượng thư thái bảo Lương quận công. Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành được các triều nhà Lê và Nguyễn phong 9 đạo sắc. Sau khi mất, người dân trong làng lập đền thờ, tôn làm ông tổ nghề thêu.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống (trong đó có làng Quất Động) dần bị mai một. Những bí kíp thêu cổ truyền dần mất đi cùng với sự ra đi của nhiều nghệ nhân lớn tuổi (nghệ nhân Bùi Đình Hán, nghệ nhân Phạm Viết Tương, nghệ nhân Phạm Viết Đinh...). Kinh tế thị trường cũng làm cho nghề thêu tay mất vị trí, bởi số lượng người học nghề ngày một ít do thu nhập thấp, trong khi xu hướng tiêu dùng của xã hội đối với sản phẩm thêu truyền thống thu hẹp.

Trước kia, mặt hàng thêu tay chủ yếu của Quất Động là áo mão, cân đai, khăn chầu, cờ lọng... dùng trong triều đình và những mặt hàng trang trí trong các đình chùa, đền miếu như đồ tế tự, y môn, liễn trướng, tán, lọng, hoành phi, câu đối... cho đến trang phục cho sân khấu tuồng, chèo, kịch, cải lương. Hiện nay, nhu cầu về những sản phẩm truyền thống đó giảm rất nhiều, các nghệ nhân làng Quất Động phải tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu như chăn mền, ga trải giường, áo dài, tranh thêu... 

leftcenterrightdel
 Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam và Đoàn chủ tịch tại Hội thảo khoa học "Danh nhân- ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành thân thế, cuộc đời và sự nghiệp" diễn ra vào ngày 10-3-2024 tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Có thể thấy, trước sự phát triển mạnh mẽ của các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là sự lên ngôi của công nghiệp thời trang dần chiếm lĩnh thị trường với mô hình sản xuất hàng loạt có mức giá phải chăng, chủng loại phong phú và thường xuyên thay đổi xu hướng. Các sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống mang tính ứng dụng cao ngày càng phát triển thì nghề thêu tay truyền thống chịu nhiều áp lực cạnh tranh và có nguy cơ thất truyền. Các sản phẩm của thêu máy có độ chính xác cao, các thành phẩm đều giống nhau, giá thành rẻ hơn nhiều so với thêu tay. Đặc biệt, thêu máy rất bền, có thể thêu trên nhiều chất liệu, nhiều chủng loại sản phẩm, lại không cần giặt tay. Nhược điểm của phương pháp thêu máy là không thể thêu được những hình ảnh quá chi tiết, quá nhiều màu, độ nét của hình thêu không sắc xảo, không thấy rõ “cái hồn” của bức vẽ giống như thêu tay.

Đây cũng là cơ hội cho thêu tay truyền thống ở làng Quất Động nói riêng và nhiều làng nghề thêu tay trong cả nước như: Làng nghề thêu ren Quất Lâm, làng nghề thêu ren Lưu Xá, làng nghề thêu ren Đô Quan... có cơ hội tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại. Thêu tay thủ công có thể tồn tại được, bởi nó có những ưu điểm mà thêu bằng máy không thể có được. Sản phẩm của thêu tay có độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện. Lợi thế của thêu tay thủ công chính là độ phức tạp, biến tấu mũi thêu, pha phối được nhiều màu sắc khác nhau, độ bóng, mịn của bề mặt thêu là tuyệt hảo.

Khác biệt lớn nhất để tạo đẳng cấp đó là sản phẩm thêu tay rất có cảm xúc, rất có “hồn”. Người thợ thêu tay thường gắn bó với một sản phẩm rất lâu, có khi tới hàng tháng, hàng năm, thậm chí có những người cả đời chỉ thêu chuyên sâu một số hình ảnh, cảnh vật... nhất định nên đạt đến tầm nghệ thuật. Mỗi sản phẩm thêu không đơn thuần chỉ để trang trí mà trong từng đường kim mũi chỉ, từng gam màu còn chứa đựng những nét đẹp huyền diệu, ẩn chứa triết lý nhân sinh... và ở đó, người thợ thêu đã dồn hết cảm xúc, tâm huyết của mình khi thực hiện. Hơn nữa, thêu tay có những mũi thêu mà máy không làm thay được như quấn chỉ con bọ, xe hạt, bọc vành, thêu ruban... Vì vậy, thêu tay luôn là mang tính độc đáo, khác biệt.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân thêu làng nghề Quất Động, Thường Tín, Hà Nội.

Hướng đi trong xã hội hiện đại

Hiện nay, nghề thêu làng Quất Động được chia thành 3 loại hình chính: Thêu tranh phong cảnh, hoa, động vật, địa danh nổi tiếng..; thêu chân dung vua chúa, nhân vật lịch sử, nguyên thủ quốc gia; thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục, nhóm hàng truyền thống. Ngoài thêu, nhiều hộ còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách... trên sản phẩm thêu. Cho tới thời điểm hiện tại, sản phẩm thêu Quất Động đã có mặt tại hơn 20 nước, với những thị trường nổi tiếng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ...

Nghề thêu tay có thu nhập thấp so với mặt bằng chung của nhiều nghề trong xã hội, nhưng lại đòi hỏi người lao động phải khéo léo, bền bỉ, siêng năng. Mà để đạt được độ khéo léo tinh xảo trong các sản phẩm thì người thợ phải được những nghệ nhân đào tạo, phải có nhiều năm kinh nghiệm, phải thực sự yêu và tâm huyết với nghề, phải trở thành những người nghệ sĩ sáng tạo trong từng tác phẩm. Do đó, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, để làng nghề thêu truyền thống phát triển được là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch làng nghề, trước tiên là việc trùng tu, tôn tạo di tích đền Ngũ Xá cũng như duy trì và khôi phục các hoạt động văn hóa liên quan đến di tích để tăng cường giáo dục niềm tự hào, trách nhiệm lớn lao của chính quyền và nhân dân địa phương đối với việc gìn giữ, phát huy làng nghề. Gắn phát triển làng nghề Quất Động với bảo vệ môi trường sinh thái. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Đối với mỗi hộ gia đình, cần hướng tới liên kết, hợp tác giữa các hộ và các tổ chức kinh doanh khác nhằm giúp đỡ nhau về vốn, công nghệ, đào tạo nghề, kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm; hướng hộ gia đình vào các tổ hợp tác để phát huy ưu thế của mô hình này ở các làng nghề thêu truyền thống. Về lâu dài, cần khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác xã thêu ren kiểu mới (tuân thủ đúng Luật Hợp tác xã) trên cơ sở nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi. Hợp tác xã chủ yếu đảm nhận khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra, còn khâu sản xuất nên giao cho các hộ xã viên thực hiện, làm việc tại nhà với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ. Kết hợp phát triển kinh tế làng nghề với du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Đây là nhiệm vụ quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tâm nguyện của các làng nghề Thường Tín hôm nay.

Bài và ảnh: Tiến sĩ PHÙNG QUANG PHÁT