Báo Đáp bao đời nay có tiếng với nghề làm đèn lồng Trung thu và hoa lụa. Làng hiện có khoảng 400 hộ sản xuất và kinh doanh hoa lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời. Sản phẩm của mỗi gia đình có mẫu mã riêng, ít khi trùng lặp, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của thị trường.

leftcenterrightdel

 Làng nghề Báo Đáp ngày càng phát triển nhưng môi trường sống cũng đáng báo động.

Trước đây, khi vào mùa lũ, nước sông Ninh Cơ và sông Hồng dâng cao khiến cho cả làng ngập trong nước, nhưng hai con sông này lại là đường giao thương trời phú cho người làng Hóp sớm hình thành nghề buôn bán. Dựa vào sông, dân làng đưa sản vật đi khắp các vùng. Vùng Sơn Nam hạ xưa là trung tâm của Đồng bằng Bắc Bộ, hàng hóa các nơi tập trung về đây, rồi được phân phối đi khắp chốn với đủ loại nhưng phong phú hơn cả là hàng tơ sợi. Gia phả họ Phạm ở làng Báo Đáp ghi rõ vào cuối thế kỷ 19, ông Phạm Văn Dê quyết không nhận chức lý trưởng để đi buôn. Con ông là Phạm Văn Tập lập hiệu buôn bán lớn ở Ninh Giang (Hưng Yên). Còn gia phả họ Nguyễn trong làng cũng ghi, nhiều người lấy nghiệp buôn làm chính. Trong họ có ông Nguyễn Văn Hòe, theo thế tục được làm phó lý, nhưng chỉ sau một thời gian đã xin nghỉ để đi buôn.

Cũng vào cuối thế kỷ 19, khi nghề buôn bán phát triển ở Báo Đáp, thì làng lại xuất hiện nghề làm hoa giấy; sau đó từ nhu cầu của thị trường thì làng nghề đã chuyển sang phát triển sản xuất đèn lồng Trung thu và hoa nhựa, hoa lụa. Các hộ dân trong làng nhập vải về nhuộm, dập khuôn bằng tay, lắp thủ công nhưng theo thời gian, máy công nghiệp đã thay thế gần như những công việc nặng nhọc nhất như dập khuôn, đổ nhựa. Đi dọc con đường làng, đập vào tai là tiếng máy dập, tiếng cười đùa của những người kết hoa, tiếng đục đẽo, tất cả tạo nên một khung cảnh ồn ào không kém gì các con phố nhộn nhịp. Nhờ hoa lụa, đèn lồng, kinh tế của làng phát triển nhanh chóng. Những người chủ ở đây mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, mở xưởng lớn và tuyển dụng nhân công, đáp ứng đơn hàng lớn bé từ khắp mọi miền.

leftcenterrightdel

Các thợ thủ công cần mẫn làm việc ở làng nghề Báo Đáp.  

Những mẫu hoa như lan, hồng, mai... tưởng chừng rất khó làm nhưng nếu khách hàng có nhu cầu thì chỉ cần gửi ảnh và số lượng đơn hàng, sau vài ngày, hoa lụa, hoa giấy đã được gửi tới khách hàng với độ tinh xảo giống hoa thật đến 90%. Nhiều khi những sản phẩm hoa lụa ở đây được các nghệ nhân tỉ mỉ, trau chuốt làm ra khiến nhiều người lầm tưởng hoa thật. Chính vì sản phẩm đạt chất lượng tốt và mẫu mã đa dạng giúp làng nghề Báo Đáp luôn nhận được những đơn đặt hàng lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, mỗi khi xuân về, Tết đến hoặc dịp Trung thu là những thời điểm các hộ dân trong làng nghề ăn nên làm ra.

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm hoa lụa, hoa giấy, đèn lồng ông sao truyền thống, Báo Đáp còn được biết đến là làng yêu nghệ thuật với không ít người dân học và chơi thành thạo các loại nhạc cụ như violon, kèn tây... Tuy nhiên, người làng cũng trăn trở không ít bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước và không khí, do chính mình góp phần gây ra. Đây cũng là chuyện báo động bấy lâu nay cho hầu hết làng nghề. Bởi, muốn làng nghề phát triển bền vững thì cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, cũng như sức khỏe của người dân.

Bài và ảnh: LÊ DƯƠNG