Ở làng tôi, hầu như trước ngõ nhà ai cũng trồng cau, ít thì đôi ba cây, nhiều thì hai hàng cau thẳng tắp chạy dài từ ngoài ngõ vào đến sân nhà. Cây cau cao vút, vươn mình ngạo nghễ lên trời xanh, chẳng dựa dẫm vào một thứ gì, “một mình một chợ” với khoảng đất vài gang tay. Dưới gốc cây cau thường trồng trầu, dây trầu vấn vít leo bám sum sê. Đến độ cuối xuân vào hạ, hoa cau bắt đầu trổ bông. Những chùm hoa cau trắng vàng ươm, tinh khôi như làn da, hơi thở của người con gái lứa tuổi xuân xanh. Chùm hoa cau nở, sắc vàng ngà chói lọi trên tít trời cao xanh mây trắng, nổi bật một sắc màu quê hương mỗi khi ngước mắt nhìn lên.

Hoa cau rụng xuống trắng sân, tiếng cái chổi cùn loẹt quẹt của bà tôi lại cất lên, chổi quét đi những hoa cau rơi rụng trên sân nhà xi măng sần sùi. Đôi khi, hoa cau rụng xuống nguyên chùm còn non, chị tôi ở độ tuổi đương thì con gái chẳng biết sao mà cứ mê nó lắm, ngồi tựa lưng vào góc cau, mân mê, vuốt ve như đang nâng niu thứ gì cao đẹp. Chùm hoa cau nõn nà, mềm mại, non tơ với cái mùi thanh khiết, trong trẻo như mái tóc mây bồng bềnh bay trong gió chiều của chị nồng mùi bồ kết, hương vỏ bưởi.

Từ nhỏ, chúng tôi ở cùng nội trong ngôi nhà ba gian hai chái xập xệ cuối làng, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa, trước nhà là bến nước. Đêm nay, bà lại hát ru cho em tôi. Tiếng ầu ơ của bà vắt vẻo trong đêm khuya, bên ánh đèn vàng lu mờ, chập choạng, cái nôi tre treo lên đòn tay mái nhà, cót két nỉ non. Giọng bà run run khi cất lời ru. “Sao hôm nay giọng bà run vậy, bà lạnh ạ?”. Hỏi mới biết, thì ra bà nhớ bác tôi, đứa con đầu lòng đã nằm lại chiến trường ở "tuổi hai mươi thành sóng nước” trên sông Thạch Hãn. Bà kể, năm ấy, cũng độ này, hoa cau bung nở, thơm ngát cả sân nhà, một cô gái đưa thư trên chiếc xe đạp cà tàng, tiến vào sân nhà đưa giấy báo tử. Cầm tờ giấy cũng vàng như màu hoa cau non rụng trên tay, đọc tên con mà bà như đứt ruột, đứt gan, quỵ xuống bên gốc cau già. Dẫu đã xác định tinh thần, biết ngày tiễn con ra chiến trường là ngày chia ly nhưng sao vẫn đau lòng quá.

leftcenterrightdel
Hàng cau chạy dài theo lối con ngõ nhỏ vào nhà. Ảnh: ĐỨC ANH 

Mấy mươi năm, đất nước đã hòa bình nhưng với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hay bà tôi, nỗi đau mất con chẳng thể nào nguôi ngoai, chẳng thể nào quên được. Kể lại chuyện xưa nhưng giọng bà vẫn nghẹn ngào. Đêm nay, bên câu hát ru của bà, quạt mo cau trên tay bà phe phẩy cho em tôi, phảng phất là hương cau trong sương khuya, gió ngoài bến sông thổi qua tàu lá cau vào nhà mát rượi. Em tôi đã ngủ từ lúc nào.

Bà tôi vẫn giữ thói quen ăn cau trầu, vôi trắng đắng là vậy, mà ăn rồi thành quen, thành ghiền chẳng bỏ được. Ở cùng bà từ ngày bé, tôi cũng nắm lòng thành thạo têm miếng trầu cánh phượng, bổ cau ba, cau sáu. Bà ngồi têm trầu, miệng nhóp nhép trong bộ áo quần nâu sòng, khăn mỏ quạ bên cơi trầu trên chõng tre, nhìn ra ngõ thấy tôi về, bà quệt vết đỏ au trên khóe miệng, niềm nở: “Cháu mới về à, vào đây mà hít hương cau với bà, tới mùa rồi, thơm lắm!”.

Tản văn của NGUYỄN VĂN ĐỨC ANH