Tên khoa học của cây phong ba là Heliotropium foertherianum. Cây phong ba hiên ngang thế, nhưng lại có dáng uyển chuyển, mềm mại với những đường lượn rất ngoạn mục theo hướng gió. Cánh lính đảo so sánh phong ba với cây tre trong đất liền. Tuy nhiên, phong ba còn bền bỉ và dẻo dai hơn cả tre. Cây trưởng thành cao gần chục mét, cành vươn ngang, tỏa bóng mát xuống bề mặt đảo giúp người lính nơi đây vượt qua những ngày nắng nóng. Dấu ấn thời gian hiện hữu trên thân cành của phong ba. Vỏ cây sần sùi như chứng tích của bao khắc nghiệt, dãi dầu giữa đảo Trường Sa đầy nắng-cái nắng “cháy hai vai” cùng với cái mặn mòi của gió biển.
Nhìn những chiếc lá cây phong ba to và dày, mặt trên mịn, loáng ướt dưới ánh trăng mênh mông nơi biển khơi, tâm hồn tôi bỗng cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm hẳn. Sự tồn tại của loài cây này góp phần làm nên thi vị trong cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Những chùm hoa trắng nhỏ li ti như hoa sữa ở Hà Nội có mùi hương dìu dịu. Có chàng lính trẻ từng thẫn thờ trước vẻ đẹp lạ lùng của loài hoa phong ba sau ca gác mà thốt lên thành những lời thơ có cánh: “Cũng hoa trắng gọi ong về/ Lá đong đưa giữa bốn bề đại dương”.
Và lạ lùng thay, bên những chùm hoa trắng xinh xinh ấy, chẳng hiểu sao có những chú ong mật đang hút nhụy? Trên đảo chẳng hề có tổ ong nào, hơn nữa giữa trùng khơi xa đất liền hàng mấy trăm cây số, vậy mà ong vẫn xuất hiện? Có cách nào lý giải được hiện tượng này? Bởi, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, loài ong chỉ có thể bay xa cách tổ khoảng 3km. Vậy mà... Phải chăng, mọi tính toán của các nhà khoa học đã trở nên vô nghĩa trước mãnh lực của những đóa hoa phong ba với năm cánh trắng, nhụy vàng mang mùi hương dìu dịu rất đặc trưng. Loài hoa được chắt lọc tinh túy từ cái mặn mòi của biển, của san hô phong hóa đã tiếp thêm sức mạnh khiến các chú ong thợ cần mẫn sẵn sàng băng qua đại dương bằng chuyến hải trình đằng đẵng để đến với Trường Sa và đến với loài cây phong ba diệu kỳ này?
Tháng 6 đang là mùa hoa nên không thể chiêm ngưỡng nhành quả của nó. Tuy nhiên, dưới các gốc phong ba già nua sần sùi, sứt sẹo và hầu như dọc các giao thông hào trên đảo đã có những cây phong ba non đang vươn mình đứng dậy. Dù nhỏ bé, song các cây non này có thể bứng trồng ngay trên nền cát san hô cằn cỗi. Phong ba đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của người lính Trường Sa. Nó thân thương, gắn bó với người chiến sĩ hải quân đến không ngờ! Phong ba tạo bóng mát, đưa màu xanh bình yên làm dịu cái nắng nóng đến nhức mắt của đảo. Phong ba góp phần chắn gió bão, chắn cát, chắn sóng. Phong ba còn cung cấp gỗ, củi cho đảo khi nó đã hoàn thành sự sống... Dưới gốc phong ba là nơi cán bộ, chiến sĩ quây quần sinh hoạt và đọc báo, nghe đài, trao đổi cho nhau từng lá thư nhà. Thi vị hơn, bộ đội có thể mắc võng dưới gốc phong ba rồi đung đưa như đang cảm nhận những con sóng biển khơi và nhìn những giọt nắng nhảy nhót qua từng kẽ lá.
Nhiều khi, hạt phong ba mọc chậm, anh em bẻ cành rồi ươm thành cây. Lạ lùng thay, những cành thân gỗ ấy cũng mọc rễ đâm chồi. Sự kỳ diệu của cây như minh chứng cho mọi người hiểu được sức sống mạnh mẽ, khả năng chịu đựng gian khổ, hy sinh của người lính đang canh giữ Trường Sa nói riêng, của con người Việt Nam nói chung. Phong ba đã thành biểu tượng của người lính hải quân, thành vẻ đẹp trong câu hát mênh mang nỗi nhớ: “Đời anh như cây phong ba, vững vàng giữa đảo ngàn xa...”.
Phong ba-hai tiếng thiêng liêng mà gần gũi, thân thương biết mấy. Phong ba đã, đang và sẽ mãi mãi là người bạn thủy chung gắn bó với người lính đảo bảo vệ sự bình yên và chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc: Trường Sa!
Tản văn của DUY DƯƠNG