Quả thực, vào năm 1990, năm phát hiện ra trống, trống đồng Đền Hùng với đường kính mặt 93cm là chiếc trống đồng loại I Heger, hay trống đồng Đông Sơn lớn nhất được thấy ở Việt Nam khi đó. Nhưng đến năm 2001, danh hiệu đó đã phải nhường cho trống đồng Hòa Bình-Nam Định có đường kính mặt 110cm. Và tới năm 2006, danh hiệu đó lại thuộc về trống đồng Sao Vàng có đường kính mặt 116cm. Lại có người cho rằng, trống ra đời vào thời văn hóa Đông Sơn, thời các Vua Hùng, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.300 năm.

Tuy nhiên, một công trình mới nhất về trống đồng Đông Sơn, dựa trên sử thi Mường và nhiều bằng chứng khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học khác thì chứng minh Thục Phán-An Dương Vương là vị vua đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng lưng eo đầu tiên như những biểu tượng của vương quyền và thần quyền Âu Lạc. Sau này, dạng trống đó được gọi là trống đồng Heger I hay trống đồng Đông Sơn.

Mặt khác, các nhà khảo cổ học xếp trống đồng Đền Hùng vào nhóm C loại Heger I, tức thuộc dạng trống đồng Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng thế kỷ 1 TCN, tức cách ngày nay hơn 2000 năm. Nói rõ hơn, đây là dạng trống đồng Đông Sơn muộn có cỡ lớn và có tượng ếch, ra đời ở vùng núi Thanh-Nghệ, vùng đất vào thời Đông Sơn chủ yếu là của người Mường.

Vậy một câu hỏi đặt ra là: Dạng trống này đã ra đời thế nào và vì sao một chiếc trống dạng đó lại được phát hiện ở vùng đất Tổ?

Năm 179 TCN, An Dương Vương và triều đình Âu Lạc, khi sắp mất và sau khi mất thành Cổ Loa đã chạy về phía Nam tới vùng Thanh-Nghệ. Tại đây, họ đã duy trì và phát triển văn hóa Âu Lạc thành nền văn hóa Đông Sơn. Di chỉ khảo cổ đầu tiên của nền văn hóa này là ở Thanh Hóa và đó cũng là nơi có nhiều di tích Đông Sơn nhất. Sau này, chối bỏ sự thống trị của nhà Hán, nhiều quý tộc Âu Lạc, Điền, Dạ Lang đã tới tị nạn ở vùng núi Thanh-Nghệ, một số hòa nhập, đồng hóa với người Mường, trở thành quý tộc Mường. Vào cuối thế kỷ 1 TCN, họ đã tạo ra một dạng trống đồng mới, trên mặt có tượng ếch để phân biệt với dạng trống đồng sớm trước đó như Ngọc Lũ không có tượng ếch. Trống có cỡ lớn, đa số có đường kính mặt trên 80cm để có chỗ đặt tượng ếch.

Việc đúc thêm tượng ếch trên mặt trống gắn với chức năng ma thuật cầu mưa ở vùng đồi núi, nơi con người sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Tượng ếch trên mặt trống là biểu tượng cho thần mưa, thần của sự sinh sôi nảy nở. Đặt tượng ếch trên trống sẽ làm tăng hiệu quả của việc đánh trống đồng trong lễ cầu mưa vốn chỉ mô phỏng tiếng sấm. Việc có thêm tượng ếch cũng phản ánh những tiến bộ trong kỹ thuật đúc trống cỡ cực lớn và đúc tượng nổi vào thời cuối Đông Sơn. 

Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng, hình con vật trên mặt trống đồng phải gọi cho đúng là ếch. Đó là cách gọi có lý của đa số các học giả nước ngoài khi nghiên cứu trống đồng Đông Sơn. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, một số học giả ở Việt Nam gọi đó là “cóc” và cách gọi đó trở thành phổ biến riêng ở Việt Nam cho đến nay.

Cổ tích Việt kể rằng ông Trời dặn cóc cứ nghiến răng ken két thì trời sẽ làm mưa, từ đó có câu “Con cóc là cậu ông Trời”. Tục ngữ Việt lại có câu “Cóc nghiến răng, đang nắng thì mưa”. Tuy nhiên, theo các nhà sinh vật học, cóc hoàn toàn không có răng và chỉ một số loài ếch mới có răng. Có thể, dân gian Việt đã có nhầm lẫn và kéo theo sự nhầm lẫn của nhiều nhà khoa học. Nguyên nhân của điều đó có lẽ do người Việt thời xa xưa đã dùng một từ chung để chỉ cả cóc và ếch. Dần dần, quan sát kỹ hơn, họ mới thấy ếch khác cóc và dùng hai từ khác nhau cho hai con vật này. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa ếch và mưa lại chuyển cho cóc.

Ở mọi thời, nước luôn là nguồn sống quan trọng nhất của cả người và lúa. Và ruộng lúa nước là nơi sống tốt nhất của loài ếch-loài sống cả dưới nước và trên cạn. Vào mùa xuân, khi ếch đực cất tiếng gọi ve vãn ếch cái cũng là lúc mùa mưa tới nên người Việt có câu “ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”. Nước đây chính là nước mưa. Điều đó có nghĩa tiếng ếch đực kêu báo trời mưa. Từ đó, người trồng lúa nghe tiếng ếch kêu sớm hay muộn, ít hay nhiều để đoán mưa nắng và chọn thời điểm tốt nhất cho việc gieo hạt.

Dễ hiểu vì sao trong tâm thức của nhiều tộc người gốc Bách Việt, ếch đực trở thành một biểu tượng của Thần Sấm-Thần Mưa, một hiện thân của Thần Nước và Ông Tổ Rồng. Với một số tộc người, tượng ếch còn là biểu tượng cho Thần Trống Đồng.

leftcenterrightdel

Trống đồng Đền Hùng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: KHÁNH TRANG 

Từ đầu thế kỷ 1 SCN, gắn với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dạng trống đồng Đông Sơn muộn có tượng ếch này bắt đầu lan tỏa từ vùng Thanh-Nghệ ra Bắc và xa hơn tới Quảng Tây. Năm 40, Hai Bà phát động khởi nghĩa. Trong vòng 3 năm, quân Hai Bà đã chiếm được nhiều thành ở vùng Lĩnh Nam thuộc nước Nam Việt, tương ứng với miền Bắc Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

Theo một phong tục truyền thống của người Lạc Việt, Hai Bà đã tiến hành nghi lễ thành Khun Chương, tức trở thành Vua Thần hay Bà Trời với niềm tin sẽ “đuổi sạch bóng thù và nối nghiệp xưa Vua Hùng”. Điều này lý giải vì sao Toàn thư viết: “Hai Bà gốc họ Lạc, khi tự xưng làm vua mới có họ Trưng”. Trưng chính là một phiên âm của Chương. Hai tên gọi Trưng Trắc và Trưng Nhị là phiên âm của Chương Nhất và Chương Nhị, tức Vua Thần thứ Nhất và Vua Thần thứ Nhì, phù hợp với thế thứ chị em của Hai Bà.

Chương có gốc Yang là từ chỉ Thần, Trời trong tiếng Việt xưa, trong tiếng Mông, Ê Đê nay, chuyển thành Giàng trong tiếng Việt. Chương sau này đã thành một danh hiệu thiêng gắn với nhiều vị vua, thủ lĩnh, anh hùng chống áp bức và xâm lược trong sử thi và truyền thuyết của người Thái, Lava...

Chương đã trở thành họ của Trương Hống và Trương Hát, hai vị Thần Sông-Thần Rắn Nước được phong là Thành Hoàng của 372 làng thuộc 5 tỉnh ven sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương, từ đó được gọi là Thánh Tam Giang. Theo truyền thuyết, hai ông vốn là hai vị tướng của Triệu Quang Phục. Khi Triệu Việt Vương mất, hai ông không làm quan cho Lý Phật Tử mà tự vẫn, trở thành thần thánh hiển linh báo mộng âm phù cho vua Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán, cho Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh bại giặc Tống, từ đó được phong là “Vua Thần hộ quốc”. Bài thơ "Thần”-Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam-được tin là đã vang lên từ đền của hai Ngài.

Năm 1129, Thái úy Lê Bá Ngọc, người được Lý Nhân Tông khi hấp hối mời đến giao cho việc trấn giữ cung điện đề phòng bạo loạn và khi Thần Tông lên ngôi là người truyền chỉ dụ của vua, được phong chức Thái sư và được đổi sang họ Trương. Theo thần tích đền thờ ông tại xã Gia Trung (Gia Viễn, Ninh Bình), họ Trương là “Thiên tính” (họ Trời), là họ của Ngọc Hoàng Thượng đế.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Hai Bà phất cờ, nhiều nghĩa quân từ Thanh Hóa đã tiến ra Bắc. Từ thời An Dương Vương, dạng trống đồng cỡ vừa đã được dùng làm trống trận để kích thích tinh thần quân sĩ. Trong chiến tranh, Thần Trống Đồng trở thành Thần Chiến tranh-Thần Bảo hộ đất nước. Vì thế, các nghĩa quân từ Thanh Hóa, nơi có ngôi đền thờ Thần Trống Đồng đầu tiên của người Lạc Việt ở huyện Yên Định, đã rước Thần Trống Đồng ra Bắc bằng cách mang theo trống đồng và lập các đền thờ Thần Trống Đồng tại một số nơi. Hiện dấu tích của các đền thờ đó chỉ còn thấy ở Nguyên Xá (Hà Nội) và núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Theo trào lưu trên, một chiếc trống đồng cỡ lớn có tượng ếch đã được đưa tới Đền Hùng, nơi thờ Bà Tổ Âu Cơ-Ông Tổ Rồng Lạc Long và các Vua Hùng. Được biết, đó là chiếc trống đồng duy nhất loại này được tìm thấy ở vùng đất Tổ nói riêng và khắp vùng từ Lào Cai về đến Việt Trì nói chung cho đến nay. Có lẽ, đó là vùng không có những cuộc chiến lớn giữa quân tướng Hai Bà với quân Đông Hán. Các trống đồng loại đó cũng được đưa tới Quảng Tây, Trung Quốc-nơi chúng được dùng trước hết như một biểu tượng cho Hai Bà Trưng, lúc này đã trở thành Vua Thần của nước Nam Việt, tiếp đó được dùng để tập hợp quân tướng hay cho các lễ cầu chiến thắng, cầu mưa, cầu mùa.

Sau này, từ dạng trống đó, quý tộc Mường lại tạo ra một dạng trống đồng mới cũng có mặt lớn và tượng ếch, nhưng mặt trống chườm khỏi tang và hơi cong xuống; dáng trống tưởng như chỉ có hai phần tang và thân. Dạng trống này cũng được phổ biến tới nhiều nơi ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ học thường gọi nó là trống đồng Heger II, riêng một số nhà khảo cổ Việt Nam gọi nó là “trống Mường”.

TẠ ĐỨC