Vì sao và từ bao giờ trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lại có các nghi thức người Mường đánh trống đồng và đâm đuống như vậy? Về vấn đề này, một câu trả lời có lẽ được nhiều người biết tới, đó là nghi lễ đâm đuống và đánh trống đồng là hai truyền thống văn hóa của người Mường có từ thời các Vua Hùng. Đặc biệt, tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, xưa là xứ Mường và cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có lễ hội đâm đuống và chàm thau (đánh trống đồng). Chính vì thế, tỉnh Phú Thọ đã cho khôi phục hai nghi thức đó trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Tuy nhiên, ẩn giấu sau các nghi lễ trên có những điều vô cùng lý thú mà ít người biết tới. Một là, vai trò của người Mường và văn hóa Mường trong việc xác định cội nguồn của trống đồng Đông Sơn. Tư liệu dân tộc học cho thấy người Mường là tộc người duy nhất ở Việt Nam cũng như châu Á có sử thi và truyền thuyết gắn nguồn gốc trống đồng với một nhân vật lịch sử có thực. Bản sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của người Mường ở Hòa Bình có một chương mang tên “Đẻ khâu”. Chương này có thể hiểu là “Sự tích trống đồng”. Được biết, chương sử thi này chỉ được cất lên trong tiếng trống đồng tại đám ma của những quý tộc Mường cấp cao, trong nhà có trống đồng.
Một truyền thuyết Mường ở Hòa Bình, thực chất là một phiên bản rút gọn của chương sử thi trên, kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, vua Dịt Dàng trị vì ở kinh đô, nơi ngài có một cung điện lớn và nhiều cung nhỏ. Ngài rất giàu có và quyền thế... Nàng Ngà và nàng Ngân là hai em gái của ngài, một hôm gội đầu, khi chải tóc nhìn về phía Đông bỗng thấy một chiếc trống đồng nổi trên mặt biển và dạt vào bờ cát. Vua Dịt Dàng sai người vớt chiếc trống đồng lên, mang tới chỗ mình rồi lệnh cho gọi thợ khéo bốn phương đến đúc 1.960 chiếc trống tương tự để ban phát cho các nhà lang... Dịt Dàng chính là phiên âm trong tiếng Mường của Việt Vương. Sử thi Mường cũng kể, Dịt Dàng sai người đi tìm chặt “cây chu đồng có bông thau quả thiếc” để lấy gỗ xây cung điện...
Trong tâm thức của giới quý tộc Mường cấp cao ở Hòa Bình, vị vua đã đem quân đi chặt cây chu đồng ở đất Mường Ai, Mường Ống (Thanh Hóa) chính là An Dương Vương. Như vậy, sử thi Mường ghi nhận An Dương Vương chính là vị vua đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng lưng eo đầu tiên. Sau này, dạng trống đồng đó được gọi là trống đồng Đông Sơn.
Điều mà sử thi Mường ghi nhận đã được nhiều bằng chứng khoa học khác ủng hộ và khẳng định. Thực tế, khi đó, An Dương Vương là người duy nhất có các điều kiện vật chất và tinh thần để đúc và ban phát trống đồng như một biểu tượng của vương quyền và thần quyền Âu Lạc. Kinh đô Cổ Loa ở Bắc Bộ, ngôi thành lớn nhất trong vùng có thể là chiếc nôi của trống đồng Đông Sơn. Không ngẫu nhiên, trống đồng Cổ Loa được tìm thấy ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) có nhiều nét gần gũi với các trống đồng Đông Sơn cổ, đẹp nhất là Ngọc Lũ và Hoàng Hạ cũng được tìm thấy ở vùng sông Hồng.
Việc người Mường có sử thi và truyền thuyết kể việc An Dương Vương cho đúc và ban phát trống đồng có liên quan chặt chẽ với một sự kiện lịch sử khác. Đó là việc An Dương Vương và hoàng tộc Âu Lạc, khi sắp mất và sau khi mất thành Cổ Loa, đã chạy về phía Nam, tới vùng Thanh-Nghệ.
Sau này, nhiều quý tộc Âu Lạc đã tới tị nạn ở vùng người Mường, hòa nhập với người Mường, trở thành quý tộc Mường. Điều này lý giải vì sao văn hóa Mường truyền thống chứa nhiều yếu tố của văn hóa Đông Sơn, từ ngôi nhà hình rùa (giờ chỉ có trong sử thi) đến những hoa văn trên chiếc cạp váy của phụ nữ Mường, dàn chiêng và đặc biệt là cách đánh trống đồng theo kiểu giã cối.
|
|
Đánh trống đồng - một nét văn hóa truyền thống trong Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: THUẬN ĐỨC
|
Tư liệu dân tộc học cho thấy có nhiều cách đánh trống đồng, phần lớn đều giống cách đánh trống da. Duy nhất chỉ có người Mường có cách đánh trống đồng theo kiểu giã cối giống như cách đánh thấy trên các trống cổ như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ... Đáng chú ý, người Mường gọi việc đánh trống đồng đó là chàm/đâm thau và gọi tục giã cối là chàm/đâm đuống, tức có sự trùng nhau về động từ chàm/đâm đối với trống đồng và cối. Ngoài ra, trong văn hóa Mường, tục giã cối và tục đánh trống đồng về cơ bản có âm điệu và tiết tấu gần gũi nhau.
Như vậy, người Mường chính là tộc người duy nhất ở Việt Nam và châu Á còn gìn giữ được cách đánh trống đồng nguyên thủy thời Đông Sơn. Và điều này có vai trò quyết định trong việc làm sáng tỏ vấn đề nguyên mẫu của dạng trống đồng đó. Người Mường gọi dạng cối giã gạo hình máng là đuống/luống, từ có liên hệ cội nguồn với từ "klong" chỉ "trống"; có dạng đuống dài cho vài ba người, thậm chí hơn chục người cùng giã một lúc trong hội lễ.
Với người Mường xưa, chiếc đuống đó là một vật thiêng nên luôn được đặt ở gian đầu của ngôi nhà Mường, nơi có bàn thờ tổ tiên. Tục Mường xưa vào nửa đêm ngày mồng 3 Tết, bà chủ nhà lật ngửa đuống, bỏ vào đó vài cụm lúa rồi khẽ đánh thức nữ giới trong nhà. Bà chủ cầm chày cái đứng ở đầu đuống, các con gái, con dâu cầm chày con đứng hai bên. Các nhà cùng lắng nghe, đợi khi tiếng trống cúng động thổ ở nhà lang dứt thì bắt đầu đâm đuống. Nhà nào đâm tiếng đuống đầu tiên thì được làng thưởng. Trong đám cưới, bà chủ nhà cũng là người đâm đuống khi đón nàng dâu mới. Trong lễ gặt mùa, bà lấy 9 bông lúa nếp, 9 bông lúa tẻ treo lên gác bếp rồi đâm đuống để đón hồn lúa.
Có thể thấy các tục đó của người Mường ẩn chứa một quan niệm sâu xa của người Lạc Việt xưa: Trong mỗi chiếc đuống/cối có hồn của Bà Tổ-Mẹ Lúa; vì thế, các lời cầu khấn thần đuống cũng là cầu Bà Tổ-Mẹ Lúa. Quan niệm đó sau cũng được thấy ở nhiều tộc người có trống đồng Đông Sơn.
Nhìn rộng và xa hơn, chúng ta thấy chiếc đuống-cối máng nằm hay cối giã gạo nói chung đều gồm một cặp chày-cối một trên-một dưới, một kín-một hở, một lồi-một lõm, khi lên-xuống, đóng-mở nhịp nhàng. Trong tâm thức nhiều tộc người xưa, chúng được đồng nhất với cặp dương vật-âm vật của người và là một cặp biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Gắn với lúa gạo, với âm thanh ngày mùa, ngày lễ hội, chày cối và tiếng chày cối cũng là biểu tượng của sự sống, cối là một biểu tượng của lòng mẹ, cơ thể người mẹ.
Từ đó, chiếc cối giã gạo được những người Bách Việt trồng lúa xưa dùng trong lễ cầu mưa-cầu mùa-cầu sinh sôi nảy nở của làng và nước. Chiếc cối đó cũng chính là dạng nguyên thủy của trống. Người Bách Việt xưa coi cối là một dạng trống. Họ thường dùng dạng trống đó đệm nhịp cho các bài ca của mình trong các lễ hội. Người Việt miền Trung xưa có tục “hát hố”, bản chất là một dạng hát giao duyên trai-gái cùng âm thanh trống cối. Người Lạc Việt xưa cũng coi trống cối là một công cụ giao tiếp giữa người với thần linh. Vì thế, họ chỉ đánh trống cối khi có hội lễ. Họ tin tiếng trống có thể vang tới trời cao, tới tai các vị tổ tiên, thần linh. Họ coi việc thờ một chiếc trống cối lớn, đẹp là một cách thờ thần. Chiếc trống cối thiêng đó cũng trở thành một biểu tượng của sự thịnh vượng, thế lực của một làng và được trao truyền từ đời này qua đời khác.
Nguyên mẫu của trống đồng Đông Sơn hay dạng trống đồng lưng eo là gì? Các học giả đã đưa ra nhiều câu trả lời. Cho đến nay, nhiều học giả vẫn cho đó là nồi đồng. Tuy nhiên, những tương đồng cả về biểu tượng, chức năng lẫn cách đánh, từ ngữ, nhịp điệu giữa trống cối và trống đồng cho thấy: Trống cối hay cụ thể hơn, dạng cối lưng eo chính là nguyên mẫu đầu tiên của trống đồng Đông Sơn.
Giờ đây, mỗi lần tới dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thấy hai tục đâm đuống và đánh trống đồng của người Mường (sẽ thật ý nghĩa nếu được thực hiện bởi các bà mẹ và cô gái Mường Thanh Sơn thực sự), chúng ta lại có dịp suy ngẫm về vai trò của người Mường trong việc xác minh nguồn gốc trống đồng Đông Sơn-dạng trống dù ra đời thời An Dương Vương nhưng đã kế thừa nhiều yếu tố văn hóa từ thời Hùng Vương. Để từ đó, chúng ta lại có dịp suy tư về cây cột đá trên núi Nghĩa Lĩnh, được coi là cây cột của An Dương Vương dựng lên trong lễ thề giữ đất nước do các Vua Hùng truyền lại...
TẠ ĐỨC