Khôi phục hồn trống cổ

Từ trung tâm TP Thanh Hóa, chúng tôi theo Quốc lộ 45 về làng nghề đúc đồng truyền thống ở thôn 5, xã Thiệu Trung-làng nghề đầu tiên và có thể là duy nhất ở Việt Nam phục chế thành công trống đồng Đông Sơn. Anh Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, đưa chúng tôi đến gặp Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu và giới thiệu: “Nghề đúc đồng ở Thiệu Trung trải qua nhiều thăng trầm và tưởng rằng đã mai một. Nhờ có anh Châu nên xã đã khôi phục nghề đúc đồng truyền thống. Anh Châu cũng là người đầu tiên của Việt Nam đúc thành công trống đồng theo các hoa văn cổ xưa”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu sinh năm 1962 trong một gia đình có truyền thống đúc đồng ở xã Thiệu Trung. Theo anh, ngày trước, Thiệu Trung chỉ đúc những vật dụng sinh hoạt bằng đồng, như: Mâm cơm, bình vôi, khay đựng, thau, nồi... Rồi các sản phẩm đó được làm bằng chất liệu rẻ hơn ra đời nên nghề đúc đồng dần bị mai một. Nghề đúc đồng truyền thống không đủ sức cạnh tranh nên người dân bỏ nghề, bỏ làng đi làm ăn xa. Phần còn lại bám trụ với nông nghiệp. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, anh Châu cũng nằm trong xu hướng đó, bỏ quê đi làm nghề thợ mộc.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu (đứng giữa) giới thiệu nét đặc sắc của trống đồng cho du khách.

Trong thời gian làm thợ mộc, anh thấy làm đồ gỗ mỹ nghệ, chạm khắc tinh xảo thì giá trị cao gấp nhiều lần, từ đó, trong anh lóe lên ý tưởng chế tác những tác phẩm nghệ thuật bằng đồng hay là sản phẩm đồng mỹ nghệ. Có đồng vốn tích cóp được, anh trở về quê hương với tâm nguyện sống chết với nghề. “Năm 1998, tôi bắt đầu dựng xưởng để đúc đồng. Không có tiền mua nguyên liệu, tôi phải đạp xe quanh làng kiếm từng sợi đồng vụn hay mua lại những đồ dùng bằng đồng cũ, hỏng với giá rẻ để về đúc. Ban đầu, đúc những vật dụng nhỏ có hoa văn, như: Đồ thờ cúng, bình hoa, tượng giả cổ... Thành công đã đến ngay từ mẻ đúc đầu tiên, nhiều sản phẩm nhanh chóng được thị trường chấp nhận”-anh Châu nhớ lại.

Khi trống đồng-nét văn hóa truyền thống đặc sắc của miền quê Đông Sơn-là nguồn cảm hứng sáng tạo, anh Châu ngày đêm đi sưu tầm các họa tiết, hoa văn trống đồng ở các bảo tàng và trên đồ cổ. Để tạo nên những nét hoa văn trên khuôn đúc là cả một sự kỳ công. Số lần thất bại cũng phải lên đến hai con số. Mỗi lần thất bại, anh lại thêm một chút kinh nghiệm quý báu. Đến năm 2000, anh đã đúc thành công chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên (giống từ hoa văn đến hình dáng) sau hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền. Chiếc trống đồng cao 12cm, đường kính 15cm-sản phẩm đầu tay đã được anh tặng lại UBND tỉnh Thanh Hóa.

Có những chiếc trống được đúc ra đánh không kêu (hoặc kêu những thanh âm đục), anh Châu lại mày mò nghiên cứu các chiếc trống cổ và cuối cùng đã nắm được tinh túy của âm thanh trống đồng là do độ dày, mỏng của mặt trống và các chất liệu pha thêm để tạo sự đàn hồi. Vậy là chiếc trống đồng đã được hồi sinh với hình hài và hồn cốt, âm thanh như trống cổ. Mạch nguồn văn hóa trống đồng Đông Sơn đã được khôi phục, kế thừa.

Qua hàng chục năm, anh Châu đã gặt hái được nhiều thành công trong nghề đúc đồng, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập ba kỷ lục: Đôi tượng đồng phiên bản “Cây đèn hình người quỳ” lớn nhất Việt Nam; trống đồng đánh ngang hai mặt đúc bằng phương pháp thủ công đầu tiên ở Việt Nam và trống đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 1,65m, chiều rộng 2,4m, nặng 2 tấn. Được sự tin tưởng của Ủy ban Quốc gia APEC, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào năm ngoái.

Góp sức xây quê hương               

Anh Châu mời tôi cầm dùi đánh trống. Tiếng trống trầm hùng, bay bổng, ngân dài, vang xa... Anh Trần Công Lạc phấn khởi nói: “Chiếc trống đồng-một nét văn hóa chung của nền văn hóa Đông Sơn giờ đã trở thành một nét văn hóa riêng trong sự khởi sắc về kinh tế, chính trị, xã hội của làng nghề Thiệu Trung. Khu vực làng nghề này trước kia toàn ruộng tạp, hoang hóa. Nay nhờ nghề đúc đồng mà biệt thự, nhà cao tầng nối đuôi nhau mọc lên san sát. Nghề đúc đồng được khôi phục trở thành mô hình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững của xã. Công lớn nhất để tạo dựng bộ mặt làng quê giàu đẹp đó chính là của anh Châu”.

leftcenterrightdel
Tượng Mẹ Âu Cơ-sản phẩm của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu - được chọn làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Đầu những năm 2000, Thiệu Trung là một xã nghèo nằm ven TP Thanh Hóa. Đa số người tha hương đi làm thuê, số ít bám vào ruộng đất, trồng lúa, trồng màu. Từ khi anh Châu phục dựng làng nghề truyền thống ở huyện Thiệu Hóa nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung, lòng dân phấn chấn như tiếp thêm năng lượng để lao động, cống hiến. Anh Châu phục dựng lại nhà xưởng và thuê thợ là lao động ở địa phương (không biết nghề cũng được nhận vào vừa học, vừa làm). Sau đó, anh tạo điều kiện, hỗ trợ kinh nghiệm cho nhiều người ra mở xưởng riêng.

Khi nghề đúc đồng đã trở nên phổ biến, sản phẩm đa dạng, anh Châu tự bỏ tiền túi đúc những sản phẩm bằng đồng tặng các nơi để quảng bá. Những tác phẩm bằng đồng của Thiệu Trung nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của khách hàng và được thị trường chấp nhận. Các đơn hàng tới tấp bay đến, Thiệu Trung ngày càng nhộn nhịp. Trong làng có đến hàng trăm cơ sở đúc đồng và có tới hàng nghìn thợ đúc đồng lành nghề. Du khách đi đến cổng làng Chè Đông là đã nghe trong làng ngoài xã những âm thanh đặc trưng của làng nghề nơi đây: Tiếng mài giũa, tiếng đánh bóng, tiếng gò và mùi khen khét của các lò đang rót đồng vào khuôn. Ngoài đúc trống đồng, các nghệ nhân còn làm những sản phẩm nghệ thuật mỹ nghệ như: Tranh đồng, tượng chân dung, tượng mỹ nghệ, các đồ thờ tự hoành phi, câu đối, lư-hạc-đỉnh, bát hương, bát bửu, tượng Phật, chuông, khánh... Nghề đúc đồng đã giúp hàng nghìn người dân có công ăn việc làm và làm giàu chính đáng. Tính tới nay, số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 17% (theo tiêu chí cũ) xuống dưới 5% (theo tiêu chí mới), Thiệu Trung đi đầu trong các địa phương của huyện cũng như của tỉnh Thanh Hóa về xóa đói, giảm nghèo.

Anh Châu còn mở lớp dạy nghề đúc đồng để đào tạo và truyền nghề cho những người có tâm huyết, đam mê, ý chí vượt nghèo. Đến nay, nhiều học trò của anh đã trưởng thành, trở thành những nghệ nhân nổi tiếng, làm giàu được từ nghề đúc đồng do thầy Châu truyền dạy. Nghệ nhân Ưu tú Thiều Quang Tùng, xã Đông Tín, huyện Đông Sơn, cho biết: “Tôi đến học nghề thầy Châu từ năm 2000 đến 2006. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy, tôi đã mở được xưởng riêng và làm ăn ngày càng khấm khá”.

Nhấp một ly rượu nồng ấm tình người xứ Thanh, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu chia sẻ: “Giờ nghề đúc đồng đã đứng vững trên đất Thiệu Trung. Con trai tôi sinh năm 1987, vài năm trước đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Con gái, dâu, rể hiện cũng đều theo nghề đúc đồng. Vậy là nghề gia truyền của ông cha ở Thiệu Trung đã và đang được lưu truyền, gìn giữ”.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ