Trống đồng Ngọc Lũ ở Thanh Hóa. Ảnh tư liệu

Trống-một nhạc cụ thuộc bộ gõ, đã xuất hiện từ lâu đời và phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Nói đến trống, người ta nghĩ ngay đến vật liệu chính làm trống là da. Song, cách đây gần 3.000 năm (thời Đông Sơn), với việc chế ra trống đồng, người Việt Nam đã làm thay đổi khái niệm về trống, không chỉ là ở khía cạnh vật liệu làm trống mà còn ở nhiều khía cạnh khác, rộng hơn khái niệm một nhạc cụ. Mặc dù trống đồng đúc bằng hợp kim đồng thau, cả thân lẫn mặt, mà chỉ có một mặt, song vẫn có tác dụng là một màng rung phát ra âm thanh trầm hùng. Với tính năng đó, trống đồng được sử dụng là một loại nhạc cụ. Song, công năng và mục đích đúc trống đồng của người Việt không chỉ có thế. Trống đồng còn là một vật thiêng. Trống đồng được thờ làm minh chủ cho vương triều, được thờ trong nhiều đình, miếu ở nước ta.

Dấu vết thờ trống đồng-Đồng Cổ-ở Việt Nam còn rất nhiều. Nơi thờ trống đồng đầu tiên là đền Đồng Cổ sơn thần-đền thờ thần núi Đồng Cổ (còn có tên là núi Khả Lao) ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền thờ thần trống đồng đầu tiên ở Thăng Long là đền Đồng Cổ ở thôn Nam, phường Yên Thái, huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), xây dựng năm 1028, sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long được 18 năm. Chính sử ghi về việc xây đền này như sau: Trước khi Lý Thái Tổ mất một ngày, Thái tử Phật Mã chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ báo cho Thái tử biết trước là ba hoàng tử (Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh) sẽ làm loạn, gây biến để tranh ngôi báu với Phật Mã. Tin lời, Phật Mã đã phòng bị, được các vệ sĩ Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu bảo vệ. Sau đó, sự việc quả nhiên diễn ra đúng như vậy. Nhờ có sự phòng bị trước, Phật Mã đã dẹp được loạn và lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái Tông. Sau khi lên ngôi, nhớ ơn thần, Lý Thái Tông xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đền thờ thần Trống Đồng ở phía sau chùa Thánh Thọ, phong tước cho thần làm Thiên hạ minh chủ để chủ trì hội thề quốc gia. Ngày 25 tháng Ba năm ấy (1028), vua cho dựng đàn thề ở đền Đồng Cổ, cắm cờ xí, treo gươm giáo hằng năm, lấy làm lệ thường. Sau đó, vì tháng Ba có ngày quốc kỵ, nên chuyển sang ngày 4 tháng Tư. Văn võ bá quan, ai thiếu mặt bị phạt 5 quan tiền. Ngày hội thề, dân chúng kinh thành nô nức đi xem rất đông.

Sau khi lên thay nhà Lý, nhà Trần vẫn duy trì hội thề đền Đồng Cổ ở Thăng Long và mùa xuân hằng năm cũng như những lúc xuất quân đánh giặc ngoại xâm, tướng sĩ tập hợp đội ngũ trước đền làm lễ thề, bày tỏ lòng trung thành với vua. Theo các tư liệu cổ, vào các dịp chiến thắng quân Nguyên, nhà Trần đều bao phong cho thần linh cũng như ông bà, cha mẹ; trong đó có thần trống đồng. Năm 1285, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, thần Đồng Cổ đã được sắc phong là Linh ứng đại vương; năm 1288, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai, thần Đồng Cổ lại được gia phong hai chữ Chiêu cảm. Đến niên hiệu Hưng Long thứ 21 (năm 1313), thần Đồng Cổ lại được gia phong thêm hai chữ Bảo Hựu. Thật ít có vị trung thần nào được tôn vinh cao đến như vậy!

Đến đời Lê, nhà Lê vẫn duy trì hội thề như thời Trần, thời Lý, nhưng tổ chức ở bờ sông, còn đền Đồng Cổ thì sai quân đến tế.

Trải qua mấy trăm năm, thời gian và biết bao cuộc binh lửa đã hủy hoại ngôi đền Đồng Cổ. Đền đổ nát, chiếc trống đồng-vị minh chủ từng chứng kiến bao cuộc thề bồi của mấy triều đại cũng không còn. Gần đây, đền được tu sửa cùng với phục chế chiếc trống đồng để thờ. Đền Đồng Cổ đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia (năm 1992).

Ở kinh thành Thăng Long, ngoài đền Đồng Cổ ở phường Bưởi nói trên, còn có một số đền và miếu thờ thần trống đồng nữa ở phía tây huyện Từ Liêm. Đó là miếu Nguyên Xá, đình Văn Trì, đình Ngọa Long (ba làng này thuộc xã Minh Khai); trong đó miếu Đồng Cổ Nguyên Xá (xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) là cổ kính hơn cả, hiện còn giữ được nhiều di vật quý. Miếu đã được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia năm 1989.

Thần Đồng Cổ được thờ ở kinh thành Thăng Long và hội thề đền Đồng Cổ dưới thời Lý, Trần, Lê thể hiện rõ các vương triều đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa vương quyền và thần quyền; dùng thần quyền để phục vụ vương quyền. Với những vị vua anh minh, hết lòng vì nước vì dân, đại diện cho quyền lợi dân tộc thì việc kết hợp này mang lại lợi ích lớn, củng cố tinh thần đoàn kết quân và dân để chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Và, trên thực tế lịch sử thời Lý-Trần-Lê, việc kết hợp này đã mang lại hiệu quả. “Âm phù, dương trợ”, quân và dân ta đã chiến thắng nhiều kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của dân tộc.

Những di sản văn hóa vật thể thờ tự trống đồng và những chiến công của thần trống đồng trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ trống đồng là vũ khí tinh thần mang lại chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Có được điều này là xuất phát từ giá trị thực của âm thanh phát ra từ nhạc cụ trống đồng. Âm thanh trống đồng gây sự hãi hùng, làm bạc tóc quân thù; trái lại, là lời hiệu triệu dân tộc tập hợp lực lượng, cổ vũ thôi thúc quân đội xông lên đánh thắng quân thù. Có lẽ, chính giá trị không một nhạc cụ nào có được ấy nên trống đồng không chỉ có giá trị tượng trưng cho nền văn minh lúa nước thời Đông Sơn, mà đã trở thành vật thiêng liêng gắn với công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Trống đồng đã được suy tôn là vị thần bảo hộ quốc gia, biểu tượng quyền uy của đất nước. Thực tế này như một bằng chứng khẳng định truyền thuyết về Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40-43 đã ra lệnh cho quân lính tìm mọi cách truy tìm, thu gom trống đồng Lạc Việt mang về nước rồi cho đúc thành ngựa, thành cột đồng trụ… nhằm làm cho quốc gia Lạc Việt không còn vị thần bảo trợ quốc gia. Song, Mã Viện cũng như các thế lực ngoại xâm đã thất bại.

Trống đồng không chỉ được thờ trong những ngôi đền thiêng ở Việt Nam, mà giờ đây, đại diện cho đại gia đình trống đồng Việt Nam là phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, đã là biểu tượng của Việt Nam ngự tại trung tâm của thế giới: Tòa nhà Văn phòng Liên hợp quốc ở Mỹ.

Tiến sĩ NGUYỄN MINH SAN