Chơi hoa, chơi cây cảnh là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Ban đầu, thú chơi này chỉ dành cho những gia đình quyền quý, giàu có. Ngày nay, thú chơi trên đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên, thích cỏ cây hoa lá, hướng tới cái đẹp. Đang trong không khí xuân mới, xin chia sẻ tới mọi người câu chuyện về một nghệ nhân tôi quen ở làng Vị Khê.

leftcenterrightdel

Lễ hội hoa, cây cảnh hằng năm tại làng nghề Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lê Dương 


Làng cây cảnh Vị Khê nằm trên dải đất ven sông. Qua lời giới thiệu từ một người bạn và cũng có sở thích về cây cảnh, tôi tìm gặp bác Nguyễn Mậu Hằng để biết thêm đôi chút về nghề làm đẹp cho cây. Bác Hằng sinh năm 1963, tính đến nay có kinh nghiệm làm cây cảnh gần 50 năm. Theo lời bác kể thì cậu học sinh Nguyễn Mậu Hằng năm xưa có tiếng học giỏi trong vùng. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn và quê hương cũng nổi tiếng về nghề truyền thống hoa cây cảnh nên đến lớp 7, Nguyễn Mậu Hằng dừng việc học và gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh đến bây giờ. Đối với nhiều người, đi làm việc mà mình không thích để kiếm tiền nuôi gia đình là chuyện thường tình. Nhưng được làm công việc mình thích, mà còn kiếm được kha khá tiền từ công việc đó thì thật ý nghĩa.

Trong cơn mưa phùn lâm thâm, bác Hằng tâm sự với tôi: “Trồng hoa, cây cảnh ở Vị Khê không chỉ là một công việc mà với người dân làng nghề này, đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ qua hàng trăm thế hệ". Ánh mắt đầy niềm tự hào, bác Hằng kể về chuyện làm cây cảnh: “Tôi chăm chút, tự tay uốn nắn nuôi trồng những mầm xanh khi cây còn nhỏ cho đến khi gốc cây có tuổi đời hơn cả cậu đấy”. Rồi bác Hằng giới thiệu với tôi về cây sanh có tuổi đời hơn 44 năm. Quả thật, nhìn cây sanh, giá trị vật chất không khó để định được, nhưng giá trị tinh thần thì là vô giá. Hơn 44 năm qua, cây sanh gắn với bao kỷ niệm từ khi bác Hằng mới vào nghề. Nhiều khách đến trả giá cây sanh rất cao nhưng đều nhận lại cái lắc đầu từ bác. Với bác, bán nó đi là mất hết bao kỷ niệm”. Với lại, có cây đẹp, người chơi, bạn hàng, khách quý mới sang nhà thưởng trà ngắm cây; chứ mất cây rồi, nhà cũng neo khách mà vườn cây cũng tan mất hồn vía.

“Nếu có khách trả giá cây sanh này thật cao thì sao, giả dụ là một tỷ đồng chẳng hạn”, tôi hỏi bác. Ngắm cây sanh, bác Hằng bảo: “Tôi đặt cái tâm của mình vào trong cây này cậu à. Chăm sóc nó hơn 44 năm, cảm xúc khó tả lắm”. Lời tâm sự mộc mạc nhưng giúp người trẻ như tôi hiểu được vì sao những nghệ nhân như bác Hằng dù đã có tuổi nhưng vẫn luôn giữ lửa, giữ được nghề truyền thống hơn 800 năm của làng Vị Khê.

Kinh tế đi lên, cuộc sống của người dân cải thiện nhiều mặt, giờ không chỉ là ăn no, mặc ấm mà là ăn ngon, mặc đẹp, chú trọng tới những thú chơi tao nhã. Ngày càng có nhiều giống hoa, cây cảnh du nhập vào Việt Nam (đợt này có nhiều tùng Nhật) nhưng những làng nghề như Vị Khê và người làm cây có kinh nghiệm lâu năm như bác Hằng lại ngày càng ít đi.

Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, Lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê được tổ chức tại đình làng để tri ân công đức Tổ làng nghề và là dịp để các nghệ nhân giao lưu học hỏi, trưng bày những tác phẩm đẹp, tìm kiếm cơ hội hợp tác, buôn bán, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống đến du khách thập phương.


LÊ DƯƠNG