Những năm gần đây, Lễ hội chùa Côn Sơn-được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-luôn thu hút đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. Côn Sơn thuộc chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái mang tư tưởng tự cường dân tộc. Lễ hội chùa Côn Sơn là một trong những lễ hội lớn của vùng châu thổ Bắc Bộ. Việc tham gia lễ hội trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Đến chùa Côn Sơn vào những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi thêm cảm nhận về đời sống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán gắn liền với Khu di tích đặc biệt quan trọng này, nhằm góp phần gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại.

leftcenterrightdel

 Du khách vãn cảnh chùa Côn Sơn.

Trời nổi gió mát mẻ xua tan bầu không khí oi nồm, khiến lòng người thêm thư thái. Những hàng thông già cổ thụ như gợi nhớ về một thời thịnh vượng của Thiền phái Trúc Lâm. Nghe chuyện trong sân chùa, chúng tôi biết rõ thêm Lễ hội chùa Côn Sơn cũng chính là dịp tôn vinh các bậc tiền nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lễ hội được tổ chức mang tính chất như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước.

Từ thời Lê Sơ, Lễ hội chùa Côn Sơn đã được tổ chức rất quy củ. Sách "Đại Nam nhất thống chí" có chép: “Phong tục ở đây, cứ đến đầu mùa xuân, trai gái đến chùa dâng hương hàng tuần mới tan, đó là thắng hội của một phương”.

Du khách về với vùng đất địa linh nhân kiệt nơi đây sẽ có ấn tượng mạnh với quần thể Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, là chùa Côn Sơn, là đền Nguyễn Trãi và đền Kiếp Bạc. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ 14 đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của các anh hùng, danh nhân tiêu biểu của dân tộc như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán, anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây, Nguyễn Trãi đã viết tác phẩm bất hủ “Bình Ngô đại cáo”.

Đặc biệt, ở chùa Côn Sơn có bia Thanh Hư Động, là hiện vật độc bản, lưu giữ ngự bút của vua Trần Duệ Tông, có giá trị rất lớn về lịch sử, thư pháp, mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Hiện bia được đặt trong nhà bia nằm trong sân chùa Côn Sơn, bên phải cổng chùa.

Trước lễ khai hội, Ban tổ chức lễ hội tiến hành Lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ hồ Côn Sơn rước về chùa. Đây là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008 và trở thành nét độc đáo của lễ hội nhiều năm nay.

Về với lễ hội, người dân địa phương và du khách không chỉ hòa mình vào chốn tâm linh Phật pháp, tưởng nhớ các vị anh hùng, danh nhân tiêu biểu của dân tộc mà còn có thể tham dự các hoạt động đặc sắc như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất. Bên cạnh đó, giải vật dân tộc, giải cờ tướng của lễ hội cũng thu hút rất đông và nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ.

Bài và ảnh: THÔNG ĐẠT