Nhiều nguyên thủ quốc gia dự các hội nghị quốc tế với trang phục dân tộc giàu bản sắc. Nhiều hội nghị quốc tế mà chủ nhà mời các vị khách mặc trang phục của mình với lòng hiếu khách và các vị khách mặc trang phục của chủ nhà để tỏ lòng thân thiện không chỉ là hình thức mà còn thể hiện ngay trong không khí của hội nghị. Đã có nhiều vị khách quý của Việt Nam vui vẻ, hào hứng và rất gần gũi khi mặc áo dài Việt Nam. Lễ phục nữ Việt Nam có vẻ đã tìm ra được câu trả lời. Trên thực tế cũng không hoàn toàn như thế. Chẳng hạn, nữ tiếp viên hàng không ăn vận áo dài có được coi là lễ phục không? Áo dài nữ hiện nay cũng có rất nhiều kiểu, nhiều màu sắc, vậy kiểu nào, màu sắc nào được coi là lễ phục? Áo dài có đi với khăn xếp không?... Và đã là lễ phục thì có được dùng hằng ngày như quần áo chuyên dụng trong các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, hàng không... hay không?
|
|
Lễ phục Việt Nam. Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng, lễ, tết... đến ứng dụng hằng ngày. Ảnh: THANH HẢI
|
Với lễ phục nam còn khó chọn hơn nhiều. Tại một số lễ hội lớn, đã có những chính khách Việt Nam “dũng cảm” thử nghiệm lễ phục áo the, khăn xếp thăm dò dư luận. Vì lẽ cảm mến tinh thần thể nghiệm mà dư luận trái chiều không nhiều, nhưng đa phần vẫn cảm thấy chưa ổn. Khó đến vậy nên lễ phục Việt Nam dù được đề cập nhiều lần đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nhưng chẳng lẽ một dân tộc vốn tự hào có truyền thống văn hóa lâu đời lại không tìm ra cho mình bản sắc riêng trong lễ phục? Chính điều đó thôi thúc các cơ quan hữu trách và những người tâm huyết với văn hóa dân tộc nhiều lần tổ chức hội thảo về vấn đề này. Nhưng đến nay vẫn chưa chọn được lễ phục. Tôi cho rằng, muốn chọn phải có tiêu chí. Vậy mạnh dạn nêu một số tiêu chí để cùng nhau bàn thảo.
Thứ nhất, lễ phục phải có dấu ấn đặc trưng. Nói nôm na, lễ phục phải khác thường phục. Chẳng hạn, áo dài nữ tưởng đã là lễ phục nhưng lại chưa thể là lễ phục vẹn nghĩa bởi nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là nó được sử dụng khá phổ biến, gần như thường phục. Với bộ comple nam phục, ngoài việc là trang phục ngoại nhập, nó còn được dùng khá phổ biến đối với nam công chức, viên chức, nam cư dân thị thành... nên nó khó có thể được chấp nhận là lễ phục Việt Nam, mặc dù trong các ngày lễ trọng, nam nhân thường sử dụng nó. Vậy muốn áo dài nữ và comple nam là lễ phục thì phải “cấm” sử dụng hằng ngày chăng? Việc đó là không thể. Dấu ấn đặc trưng của lễ phục phải tạo ra vẻ đẹp trang trọng và đặc hữu của nó. Cái đặc hữu đến mức làm cho người mặc nó trong ngày thường hay sử dụng nó không đúng lễ phải ngượng ngùng, e ngại bởi nó kệch cỡm, buồn cười như sự lệch chuẩn văn hóa vậy. Việc tạo dấu ấn đặc trưng bằng màu sắc, kiểu dáng... thế nào phải bàn kỹ trong hội thảo chuyên gia trang phục, chứ không nói qua loa, đại khái được.
Thứ hai, lễ phục phải là bộ comple đối với cả nam và nữ. Điều này dễ hiểu bởi lễ phục là trang phục không chỉ có quần áo mà còn là mũ, khăn, giày, dép và các phụ kiện đi kèm khác. Bởi lễ nghi còn phải quan tâm đến cả màu của đôi tất chân, huy hiệu, phù hiệu đeo trên mũ, trên ngực, trên ve áo... Sự đồng bộ chi tiết còn là “đất tốt” cho việc tìm tòi và thể hiện cái đặc hữu cho từng lễ phục, không chỉ khu biệt lễ phục và thường phục mà còn phân biệt rõ quốc lễ hay lễ thường; lễ vui (quốc khánh chẳng hạn) hay lễ buồn (quốc tang); mùa đông hay mùa hè; ngoài trời hay trong nhà...
Thứ ba, lễ phục phải kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại. Tiêu chí này đòi hỏi có sự thống nhất trong nhận thức để những người thực hiện có đất sáng tạo, tìm tòi ngõ hầu thoát ra khỏi cái “bí” như đi vào ngõ cụt đã gặp lâu nay. Đó là việc chọn mấy bộ truyền thống có sẵn kiểu áo the, khăn xếp những năm gần đây trong các hội làng và cả trong Quốc giỗ Hùng Vương. Tuy nhiên, có vẻ nó chưa đủ sức thuyết phục để thành lễ phục Việt Nam hiện nay. Lý do có nhiều, nhưng có lẽ điểm chính khiến nó không thuyết phục bởi không phù hợp với cuộc sống hiện đại, đồng thời cũng không có gì bảo đảm là đặc sắc truyền thống Việt Nam. Văn hóa Việt Nam giao thoa với văn hóa khu vực Đông Bắc Á hàng ngàn năm tạo nên nét tương đồng đặc biệt trong trang phục. Qua phim ảnh, ta có thể dễ dàng nhận ra áo mũ của vua quan Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam có rất nhiều nét giống nhau. Mũ cánh chuồn chỉ khác nhau bởi cái “cánh” có nơi dài hơn, có nơi ngắn hơn, “mập” hơn. Mũ bình thiên của Vua Lý Thái Tổ (tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội, Bắc Ninh) không khác là mấy so với mũ bình thiên của các vị vua bên Trung Quốc.
Phải chăng, yếu tố lịch sử đã tạo nên nhiều nét tương đồng văn hóa trong trang phục vua, quan khu vực rất giống nhau? Có khác chỉ là khác về tiểu tiết mà những người am hiểu sâu sắc mới phân biệt được, còn công chúng đông đảo cảm nhận sự giống nhau nhiều hơn. Có thể nói, sự kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại mới mở ra con đường tạo dựng lễ phục Việt Nam thời đại mới. Chúng tôi nhấn mạnh tính thời đại bởi vì ngay trong chế độ phong kiến Việt Nam, về văn hóa nói chung và trang phục nói riêng không có nhiều khác biệt, nhưng mỗi thời cũng có dấu ấn riêng của mình. Diễn tiến lịch sử trang phục Việt Nam qua các triều đại phong kiến chắc chắn được các chuyên gia nghiên cứu về trang phục chỉ rõ. Chỉ có điều, sự kết hợp không hề đơn giản mà đòi hỏi sự hợp tác nghiên cứu, thể nghiệm, tạo mẫu nghiêm cẩn của các chuyên gia về lịch sử trang phục với những nhà thiết kế thời trang hiện đại trên tinh thần cầu thị và kiên trì trong nhiều năm, trong nhiều nghi lễ khác nhau từ đối ngoại đến đối nội, từ hội hè đến hội nghị... Muốn làm được như thế cần có con người và cơ quan chủ trì tâm huyết theo đuổi đến cùng một dự án bài bản, chứ không phải làm theo “nhiệm kỳ” của các nhà quản lý!
Thứ tư, lễ phục phải tôn vinh vẻ đẹp trang trọng về hình thể và nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Ông cha ta có câu: "Người đẹp vì lụa” để khẳng định vai trò rất quan trọng của trang phục trong việc làm đẹp cho con người, và còn có câu: Người ta hơn nhau tấm áo, manh quần... Viện dẫn những điều trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh tiêu chí đẹp của lễ phục. Lễ phục mà không đẹp thể hiện qua kiểu dáng, chất liệu, màu sắc... thì khó có thể được chấp nhận. Đương nhiên, cái đẹp ở đây là cái đẹp trang trọng của lễ phục chứ không phải cái đẹp theo mốt thời trang (kể cả mốt thời trang được cộng đồng thừa nhận chính danh là đẹp)!
Ngoài các tiêu chí chung có lẽ cũng cần bàn những tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí dành cho nam phục, nữ phục trong những ngày lễ trọng, lễ thường, trong hội làng; trong lễ buồn (quốc tang), lễ mừng (quốc khánh...); trong hội nghị quốc gia, quốc tế... Những tiêu chí cụ thể về quần, áo, mũ, khăn, giày, dép và các trang sức khác với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu... phải được bàn thảo kỹ lưỡng để có thể thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
Chúng tôi cho rằng, để có các tiêu chí cụ thể như vậy phải được thảo luận sâu trong nhóm chuyên gia trang phục với tinh thần hợp tác, cầu thị, thẳng thắn, cởi mở, không định kiến và tâm huyết.
NGUYỄN ĐÔNG VĂN