Năm 2022, nhiều nhà tiếc hùi hụi vì con em đi làm ăn ở phương xa không về được dịp dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần và khai hội Đền Trần. Có câu “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. “Mẹ” là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn “cha” là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông mất ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300); là nhà quân sự thiên tài, có công lớn đánh đuổi giặc Nguyên Mông, sau khi mất được nhân dân suy tôn Đức Thánh Trần.

leftcenterrightdel
Xin sớ ở Đền Trần để cầu mong sức khỏe, thi cử tốt trong năm Quỹ Mão. 

Lễ dâng hương và lễ hội truyền thống Đền Trần hằng năm là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị vua nhà Trần nói chung và Đức Thánh Trần nói riêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đền Trần tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định là nơi thờ các vua Trần cùng các quan có công phù tá nhà Trần, bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Hằng năm, tại đây tổ chức Lễ hội Đền Trần và lễ hội khai ấn đầu năm là những lễ hội lớn tại Nam Định, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, dâng hương tưởng nhớ công đức các vị vua nhà Trần và danh tướng Trần Hưng Đạo.

leftcenterrightdel
Du xuân ngắm cảnh Đền Trần dịp Tết mong bình an đến gia đình, quê nhà. 

Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục của triều đại nhà Trần-triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông.

Là người con quê hương, bố tôi từng có lần xếp hàng cả đêm xin ấn Đền Trần, khi bố mang ấn về nhà, bà nội mừng lắm. Mọi người treo ấn ở vị trí trang trọng trong nhà. Ông nội mất từ khi còn trẻ, bà ngoài việc thủ tiết thờ chồng luôn căn dặn con cháu phải sống tốt, tích đức làm thiện, để lại phúc đức cho đời sau. Tôi nhớ có lần con cháu về ăn rằm tháng Giêng, bà dạy bảo: “Bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là mong cho con cháu phúc dày; dạy con cháu, trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì mới được hưởng lộc đời đời”.

Đi đền, phủ những ngày đầu năm mới, nếu để ý, du khách sẽ nhận ra các ấn mang tính chất hộ mệnh và ấn Đền Trần cũng có ý nghĩa như trên, để mong con cháu hậu bối ăn ở biết trước biết sau, biết thờ cúng tổ tiên, biết gia đạo, chứ không thể hiểu đơn giản chữ “phúc” là phúc lộc.

Nghi lễ khai ấn Đền Trần với ý nghĩa nhân văn cầu mong quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, nước nhà thịnh trị, mọi nhà chung vui hưởng lộc. Qua nhiều năm, Lễ hội khai ấn Đền Trần vẫn được người dân và chính quyền địa phương duy trì, phát triển trở thành một trong những nét văn hóa đẹp những ngày đầu năm mới. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, tinh thần, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh và TP Nam Định.

Với nhiều người, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện mà đó còn là khoảnh khắc con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi mọi lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, cửa Thánh, đình, đền; khi hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời. Mùi khói nhang, hương thơm của hoa quả cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng nói chung, Đền Trần nói riêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Bài và ảnh: LÊ DƯƠNG