Trên chuyến xe công tác dài ngày, tôi đến với vùng đất Tri Tôn (An Giang) dịp cuối năm. An Giang được biết đến là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, với sản lượng lúa đứng nhất, nhì cả nước. Dù vậy, Tri Tôn lại không là huyện trọng điểm trong phát triển mô hình này. Tri Tôn mang lại “một điểm nhấn” khác biệt khi duy trì giống “lúa mùa nổi” và chỉ thu hoạch đúng dịp cuối năm.
Giữa bao la sản vật đặc sắc cho người nông dân trong mùa con nước tràn đồng, cây “lúa mùa nổi” gắn liền với Tết xưa-những cái Tết đầm ấm, sum vầy, đầy ắp tiếng nói cười, tràn ngập niềm vui mộc mạc, giản dị... Khi những giống lúa cao sản ngắn ngày trở nên phổ biến thì "lúa mùa nổi" trở nên lép vế và ít người nhớ tới!
Không mang vẻ đẹp "tuyệt phẩm giai nhân", nhưng “lúa mùa nổi” vẫn óng ánh sắc vàng, kiên cường vươn lên trong dòng nước lũ. Trong điều kiện khắc nghiệt, cây lúa hiện lên như người nông dân chân lấm tay bùn, vượt qua bao gian khó, nắng mưa. Đó là điều khiến tôi thật sự ngưỡng mộ. Gạt chân chống xe, tôi vươn vai hít một hơi thật dài như muốn đưa cả khí trời chiều nay vào kín hết khoảng trống trong lồng ngực. Phải, đó là mùi hương lúa chín pha lẫn trong thoáng mùi bùn phảng phất. Mùi hương rất đỗi đồng quê này đã níu chân tôi dừng lại.
Bao lâu rồi nhỉ? Tôi không nhớ rõ nữa! Thời gian rời xa quê nhà đã làm phôi phai hình ảnh những cánh đồng lúa chín, những vụ gặt trên vỏ não thành những thước phim mờ ảo như ở độ phân giải thấp. Giữa mênh mông cánh đồng lúa Tri Tôn, những hình ảnh ấy lại hiện lên rõ mồn một cả trong đầu và trong ánh mắt thực tại. Màu vàng tươi của những cánh đồng lúa chín liền kề nhau kéo dài đến tận chân trời. Màu xanh dương của những chiếc ghe chở lúa đã mang nhiều dấu vết thời gian trở nên nổi bật giữa dải màu vàng lúa chín. Các cô chú gặt lúa xa xa trở nên bé xíu giữa cái bao la, lộng gió chiều nay.
Tôi chậm bước đến gần đám trẻ đang lúi húi gỡ lưới giăng cá gần cánh đồng. Đám trẻ không rụt rè mà dừng tay, tươi cười hớn hở:
- Chú là nhà báo xuống chụp hình hả?
- Ủa, sao mấy đứa nghĩ chú là nhà báo?
- Thì cứ tới mùa cắt lúa là con thấy nhiều chú xuống đây chụp hình nè... Chắc tụi con vô hình đẹp lắm!
Nói xong, cả đám cười giòn tan, vang cả cánh đồng. Rồi chúng lại tiếp tục chèo chiếc ghe bé xíu giăng cẩn thận từng mắc lưới rất thành thạo. Có lẽ, tụi nhỏ này nói đúng. Vì vẻ đẹp bình dị nơi đồng lúa này sẽ làm xao xuyến bất kỳ tâm hồn nào yêu vẻ yên bình thôn quê.
Những sản vật từ cánh đồng quê mà mẹ tôi mang về trong mỗi bữa cơm, bữa cháo thuở còn thơ ấu, đối với tôi, đó là những đặc sản quý hiếm, ngon nhất trên đời này. Năm 10 tuổi, à không, phải là từ năm 6 tuổi, tôi đã lẽo đẽo đòi theo chân ba mỗi lúc ba đi ra đồng: Khi thì đi cấy lúa, khi thì đi cắm câu, khi thì đi cắt lúa mướn... Mẹ rầy dữ lắm, đâu có cho tôi đi. Nắng nôi, mưa gió sợ cái tuổi tôi dễ sanh bệnh. Nhưng ba thì cưng chiều tôi lắm. Đội cái nón lá đã rách vá lỗ chỗ của mẹ lên đầu, che kín đến quá nửa mặt rồi công kênh tôi lên cổ ra đồng. Tôi thích mê, cười khoái chí. Vậy đó, rồi theo năm tháng, tôi lớn dần, cũng đã rành rọt đủ trò ngoài đồng ruộng, giống như lũ trẻ bây giờ. Tôi cũng từng là tay thiện chiến trong bắt rắn, bắt chuột, bẫy chim, cắm câu, giăng lưới mùa nước nổi...
Đắm chìm trong những suy nghĩ miên man, chợt tôi giật mình vì tiếng gọi: “Chú ơi, phụ tui đỡ cái bao!”. Tôi quàng vội máy ảnh vào cổ, xông xáo chạy đến đỡ bao lúa cho ông chú luống tuổi, tóc đã pha màu mây. Thời nay, mùa gặt đã khác biệt khá nhiều so với thời của tôi. Những chiếc xe công nông được đưa vào giải quyết hiệu quả khâu vận chuyển đường dài. Nhọc nhằn của người nông dân từ đó giảm đi phần nào. Dù vậy, tôi vẫn hiểu, cũng còn nhiều cơ cực lắm chứ! Bởi giá lúa gạo thường xuyên bất ổn, rồi thì tiền thuê máy cắt, máy cày, máy phun thuốc này kia thì thu nhập còn lại của người nông dân vẫn ở mức eo hẹp. Đặc biệt, trên vùng đất Bảy Núi, An Giang này lại càng khó khăn hơn khi là vùng sâu, giáp biên giới.
|
|
Quang cảnh bình yên trên cánh đồng mùa gặt. |
Xắn cao ống quần, tôi xin được lên một chiếc ghe vừa cập vào mép đường chuyển lúa lên xe công nông để chèo ra chở lúa giữa đồng. Hai cô chú trên ghe mỉm cười niềm nở, mời tôi lên. Tâm sự với cô chú, tôi được biết gia đình họ đã gắn bó ở nơi đây từ mấy thế hệ trước với vụ "lúa mùa nổi" này. "Lúa mùa nổi" cho năng suất thấp nhưng được lợi là chi phí đầu tư không nhiều, không cần bón phân mà còn thu hoạch được các loại cá đồng vào trú ngụ tự nhiên, đầu ra cũng được giá. Vào mùa khô, một số cây màu trồng trên nền rạ "lúa mùa nổi" cho năng suất, chất lượng rất cao. Đi cùng vài chuyến ghe, cô chú nhiệt tình nhắc tôi: “Có chụp hình gì thì mần sớm, hôm nay là bữa gặt đồng cuối, mọi người sẽ về sớm hơn còn chuẩn bị Tết”. Rồi họ còn nhiệt tình mời tôi ghé nhà ăn cơm chung nếu lỡ đường mà chưa có chỗ qua đêm. Cô chú thương bộ đội dữ lắm! Bấy nhiêu đó thôi mà lòng tôi thấy như được sưởi ấm giữa tiết trời dần lạnh cuối năm.
Thanh bình nơi đây có lẽ không chỉ nằm ở ngoại cảnh mà còn nằm cả trong cách ứng xử thấm đẫm tình người. Trên cánh đồng bạt ngàn này, tôi nghe được thanh âm của sự chân tình trong những câu chuyện giữa các cô, các chú; những câu chuyện đùa cợt không đầu không đuôi của đám trẻ con. Mỗi người một tay cùng "chạy đua" với ánh chiều dần buông. Nhìn từ xa cứ ngỡ mọi người đang cùng trong một đại gia đình ấm áp... Tiếng cười, tiếng nói, tiếng nô đùa, kêu nhau í ới rộn rã cả cánh đồng.
Đang chọn góc chụp ảnh thì gió bỗng nổi mạnh hơn, báo hiệu một cơn mưa sắp ập đến. “Về tụi bây ơi, mẹ tao kêu rồi kìa, gom đồ nghề lẹ lẹ đi...”-một đứa lớn nhất trong đám trẻ giăng lưới gọi. Từ xa xa, các cô chú ngoài kia cũng đang chỉ tay ra hiệu rằng: Sắp mưa rồi, về thôi chú ơi!
Tôi gật gật đầu, mỉm cười rồi thu máy ảnh, máy quay lên trục đường cùng đám trẻ. Đám trẻ cũng không quên quây vòng tròn bên tôi để “selfie” một tấm lưu niệm trước khi chia tay. Vậy đó, tôi đã có một buổi chiều thật tình cờ nhưng thật trọn vẹn tình cảm từ những con người xa lạ trong một khung cảnh thân quen của tâm khảm. Trong ánh nắng chiều vàng dần tắt, đường quê vương vấn, bịn rịn bước chân đi; hương lúa chín, mùi gốc rạ thơm lưu luyến nhắc nhở những người con nơi xa rằng: Đi xa là để trở về. Chắc chắn rồi, cuối tuần này tôi sẽ chạy về nhà thăm ba má, thăm lại cả cánh đồng quê ngày nào... sẽ cùng ba má dọn dẹp lại căn nhà để đón Tết.
Yêu lắm chốn thôn quê-thanh bình và yên ả!
Đại úy VÕ THÀNH NHÂN - Trợ lý Quần chúng, Sư đoàn 330, Quân khu 9