Qua từng mùa, nước không dâng cao mà lại xuống thấp, để lại bao nỗi thất vọng trong lòng người háo hức ngóng trông.
Mùa nước nổi được hình thành từ 3 “túi” trữ nước khổng lồ là Biển Hồ (Campuchia) và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên (Việt Nam). Theo các nhà nghiên cứu, vào mùa mưa, nước sông Mê Công dâng cao, chảy vào Biển Hồ làm diện tích của nó tăng lên gấp 5 lần (từ 300.000ha lên 1,5 triệu héc-ta); về tới ĐBSCL, nước tràn vào Đồng Tháp Mười (700.000ha) và Tứ giác Long Xuyên (600.000ha) làm ngập sâu có nơi đến 3 mét. Nhờ các khối nước khổng lồ mà dòng chảy của sông Mê Công hiền hòa, nước dâng từ từ nên ĐBSCL không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi. Đến mùa khô, ba khối nước lại bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu, giúp đẩy mặn, tháo phèn, đưa nguồn phù sa cùng các loài thủy sản dồi dào xuống phía hạ nguồn và vùng ven biển.
|
|
Ở Đồng bằng sông Cửu Long trước đây, mùa nước nổi cũng là mùa len trâu (đưa trâu đến khu vực không bị ảnh hưởng bởi nước ngập). Ảnh: HỒNG ĐĂNG |
Như vậy có thể thấy, không gian mùa nước nổi gần như bao trùm, lan tỏa khắp vùng ĐBSCL. Không gian hiện hữu đó, xét cho cùng, cũng là “không gian văn hóa”, góp phần tạo nên cốt cách của người miền Tây Nam Bộ.
Đối với người dân ĐBSCL và cả những “lưu dân” thời hiện đại bén duyên với vùng đất này, khi mùa nước nổi ngày càng xa vắng, nó bỗng dưng trở thành niềm nhớ thương, luyến tiếc khó lý giải.
Đi qua mùa nước nổi năm nay, lòng ai cũng cảm thấy chạnh buồn mà bật lên câu hỏi: Khi mùa nước không còn thì liệu cái không gian văn hóa ấy có còn không? Hỏi để rồi ước mong ngay từ bây giờ, “không gian văn hóa mùa nước nổi” cần được ghi nhận xứng đáng, bởi đó là nguồn tài nguyên bản địa độc đáo của ĐBSCL và của cả nước, ít nơi nào có được.
HỒNG BỈNH HIẾU