Dòng họ có nhiều trí thức yêu nước
Tiếp chuyện tôi trong khu nhà ngang 5 gian 2 chái với những nét đặc thù của kiến trúc triều đình Huế, được Vua Duy Tân ban cho dòng họ Hoàng từ năm 1915, ông Hoàng Trung Kiên, người đại diện trông nom Nhà thờ tổ Chi 3 họ Hoàng ngành trưởng làng Đông Ngạc (số 6, ngách 26, ngõ 39, Đông Ngạc) nâng niu cuốn “Mộc bản triều Nguyễn-Chiếu dời đô và một số kiệt tác” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010, ấn hành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Lật giở theo trang in về dòng họ Hoàng được đánh dấu cẩn thận, ông Hoàng Trung Kiên giới thiệu trong niềm tự hào: Mộc bản triều Nguyễn đã khắc ghi về dòng họ Hoàng chúng tôi là “nhiều đời liên tiếp đăng khoa”, với những tên tuổi: Hoàng Nguyễn Thự-đỗ tam giáp đời Lê; Hoàng Tế Mỹ-đỗ Tiến sĩ xuất thân năm 1826; Hoàng Tướng Hiệp-đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1865; Hoàng Hy Ước-đỗ khoa thi hương năm 1897; Hoàng Huân Trung-đỗ khoa thi hương năm 1903; Hoàng Tăng Bí-đỗ khoa thi hương năm 1906, đỗ Phó bảng năm 1910...
Ngày nay, con cháu của Tiến sĩ xuất thân Hoàng Tế Mỹ kế thừa và tiếp nối truyền thống ông cha, rất thành đạt về học vấn và đóng góp nhiều công sức cho đất nước. Đó là: Giáo sư (GS) Hoàng Minh Giám (con trai Phó bảng Hoàng Tăng Bí), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa; GS Hoàng Tích Trý, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; GS Hoàng Tích Mịnh, Thầy thuốc Nhân dân (TTND), được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (y dược)... và không thể không kể đến những trí thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như: GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên, TTND, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (y dược); GS, TS Hoàng Thủy Long, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS, TS Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao TP Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, “chiến lược gia” hàng đầu của thể thao Việt Nam...
Ngoài ra, dòng tộc họ Hoàng còn nhiều người thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau như: Hoàng Vĩnh Thành, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia; nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm...
Cẩn trọng cất cuốn sách quý vào tủ trưng bày các tài liệu lưu trữ, các bài viết, tác phẩm, tư liệu về dòng họ Hoàng, những nhân vật của dòng họ, ông Hoàng Trung Kiên chia sẻ: “Không chỉ lưu trữ các tư liệu bằng hiện vật, dòng họ Hoàng làng Đông Ngạc chúng tôi còn tạo các group, fanpage, thường xuyên thông tin, trao đổi, đồng thời từng bước “số hóa” tài liệu lưu trữ. Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi luôn ý thức rõ nhiệm vụ tìm hiểu, vun đắp, gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ”.
|
|
Con cháu họ Hoàng làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngày nay tiếp tục kế thừa và tiếp nối truyền thống ông cha.
|
Bảo tồn các di sản quý giá
Thành kính dâng lễ thắp hương tại Nhà thờ tổ Chi 3 ngành trưởng họ Hoàng làng Đông Ngạc, được xây dựng từ năm 1886, bà Phạm Minh Tâm, vợ ông Hoàng Trung Kiên cho biết: “Nhà thờ tổ hầu như giữ được nguyên trạng kết cấu kiến trúc và các di vật. Các cột đỡ khu nhà đều là các cột lim được đặt trên những trụ đế bằng đá (16 cột). Trước nhà thờ có vườn hoa, bức tường có cuốn thư. Tiếc nhất là sắc phong của cụ Hoàng Tướng Hiệp làm án sát Lạng Sơn tuy còn tên, chức danh, dấu triện nhưng do tác động của thời gian nên không còn nguyên vẹn”.
Bà Phạm Minh Tâm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), làm dâu họ Hoàng làng Đông Ngạc đã hơn 40 năm. Bà chia sẻ: “Là con gái của họ Phạm, cũng là một dòng họ lớn giàu truyền thống ở làng “khoa bảng” Đông Ngạc, tôi tự hào được góp sức cùng gia đình chồng bảo tồn các di sản quý giá làm nên truyền thống hiển vinh của dòng tộc. Đó là nền nếp giáo dục truyền thống, trong đó, người lớn luôn phải nêu gương, phát huy tinh thần hiếu học; là nhiệm vụ truyền tải câu chuyện về những cống hiến với đất nước của các bậc tiên tổ trong dòng họ tới con cháu.
Từ đó, các thế hệ tiếp nối luôn vun đắp, tự hào về truyền thống dòng họ; ý thức về việc trao truyền các giá trị văn hóa gia đình theo quan niệm “phúc đức tại mẫu”, trong đó không thể không kể đến vai trò của các cụ bà họ Đỗ, họ Phạm, họ Cao, họ Nguyễn... trong hành trình làm dâu dòng họ Hoàng các thế hệ trước đây. Đơn cử như cụ Nguyễn Thị Chinh, vợ của cụ Hoàng Hy Thuần, là con gái của quan đại thần triều Nguyễn là Nguyễn Trọng Hợp.
Hay cụ Cao Thị Thuyên, vợ của cụ Hoàng Tăng Bí (con trai cụ Hoàng Hy Thuần), vốn là con gái cụ Cao Xuân Dục, một nhà văn hóa, quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn, từng là tổng đốc, thượng thư, đông các đại học sĩ, tổng tài Quốc sử quán. Chúng tôi luôn đề cao các giá trị, đức tính tốt đẹp, phong cách ứng xử, dặn dò con cháu luôn phải biết ơn phúc lộc tổ tiên, tăng cường phấn đấu tự thân, cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài. Các con, các cháu trong dòng họ Hoàng, dù đi học ở Anh, Mỹ, Pháp, Australia hay bất cứ đâu, hễ về đến nhà là sắp lễ thắp hương báo cáo các bậc tiên tổ. Các cháu luôn hướng về gia đình, ngay từ trong tiềm thức”.
Không chỉ phát huy nền nếp truyền thống gia đình, vợ chồng ông Kiên, bà Tâm còn nỗ lực chung sức cùng dòng họ bảo tồn di sản nhà ngang nằm cạnh nhà thờ do Vua Duy Tân ban tặng từ năm 1915. Trong đó, khó có thể kể hết sự vất vả, quyết tâm, kiên trì trong hành trình trùng tu nhà vua ban. Bà Tâm kể: “Đạt được sự đồng thuận trong dòng họ về việc trùng tu, phương pháp trùng tu là thành công lớn nhất. Nhưng đang triển khai thì dịch Covid-19 xảy đến. Vậy là công trình dự kiến hơn hai tháng hoàn thành, rốt cuộc phải kéo dài hơn 5 tháng mới xong. Thợ trùng tu hầu hết là các nghệ nhân giàu kinh nghiệm ở Chương Mỹ, Hà Nội, trong đó có nhiều bác đã trên dưới 70 tuổi mới có thể thao tác kết cấu gỗ đạt chuẩn, không hề dùng đinh mà tất cả chỉ là những cái ngàm khít vào nhau và dựng lên. Trong 30 cái cột nhà, cột cũ chỉ còn sử dụng được 7 cái, may là trong 4 cột chính vẫn còn giữ được 3 cái. Kết cấu gỗ hỏng nhiều, chúng tôi phải mua thêm 15 khối gỗ lim Nam Phi, xẻ ra làm cột rồi làm nhà. Với hệ thống 18 cánh cửa, chúng tôi tu sửa, tôn tạo, giữ lại được 12 cửa, còn lại làm mới với điều kiện phải phù hợp tối đa với kết cấu truyền thống”.
Trùng tu theo hướng giữ gìn tối đa các họa tiết, hoa văn, kết cấu kiến trúc đặc trưng nên thực sự tốn công, nhưng bù lại là sự hài lòng của tất cả khi về với nhà thờ tổ, có khu nhà ngang là nhà vua ban. Nó không đơn thuần là một ngôi nhà bình thường, mà là niềm tự hào của dòng họ Hoàng, ghi nhận công lao đóng góp của các bậc tiên tổ họ Hoàng với đất nước.
Bài và ảnh: DƯƠNG QUANG