Trạng nguyên là học vị cao nhất trong nền giáo dục Nho học và cũng là người tài nhất nước theo quan niệm của xã hội phong kiến nước ta trước đây. Vì thế, người đỗ Trạng nguyên không chỉ là niềm vinh dự, đem lại thanh danh, sự giàu sang (“vinh thân, phì gia”) cho bản thân, gia đình, dòng họ… mà còn là niềm vinh hạnh cho cả làng, cả tổng; thậm chí là cả huyện, cả tỉnh. Nước ta có nhiều “đất học” nổi tiếng, trong đó Hà Nội (hiện nay) là một trong những địa phương có nhiều người đỗ đạt cao nhất, trong đó có 8 vị là Trạng nguyên. Trong lịch sử gần một nghìn năm Nho học, cả nước ta chỉ có 47 người đỗ Trạng nguyên. Vậy mà chỉ riêng Hà Nội đã chiếm 8 người. Quả là một mảnh đất khoa bảng hiếm có. Xin giới thiệu sơ lược về 8 vị Trạng nguyên của Hà Nội:
Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474) nguyên quán ở xã Bối Khê, huyện Thanh Oai; nay là thôn Bái Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ). Năm 26 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo, đời Lê Thái Tông; Làm quan đến chức Thư trung lệnh, Tri tam quán sự, Đặc thụ Hàn lâm, Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám; từng đi sứ sang Nhà Minh. Ông là văn thần được vua Lê Thánh Tông (Tao đàn nguyên súy) rất kính trọng, thường đưa thơ văn của mình sáng tác cho Nguyễn Trực nhận xét, bình luận. Tác phẩm của ông có Bối Khê thi tập; nay chỉ còn 6 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.
|
Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Internet |
Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (sinh năm 1426, chưa rõ năm mất), người phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, nay là thôn Nhật Tân, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 50 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại.
Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng (sinh năm 1465, chưa rõ năm mất, người làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), là con của tiến sĩ Nguyễn Bá Kỳ (đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thị lang). Nguyễn Bá Kỳ là em của Hoàng giáp Nguyễn Bá Ký (đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời Lê Nhân Tông; từng làm Phó sứ sang Nhà Minh năm 1452; làm quan đến chức Thượng thư, tước Quận công, Quốc Tử Giám Tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ). Nguyễn Đức Lượng đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1574) đời Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ. Con trai của Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng là Nguyễn Khuông Lễ, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (năm 1535), đời Mạc Đăng Doanh. Tiến sĩ Nguyễn Khuông Lễ làm quan đến chức Hữu Thị lang; từng được cử đi sứ Nhà Minh.
Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (sinh năm 1480, chưa rõ năm mất) người xã Mạc Xá, huyện Chương Đức; nay thuộc huyện Chương Mỹ-Hà Nội. Ông là con của Tiến sĩ Trần Khắc Minh và là cha của Tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận 3, đời Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Tham tri chính sự kiêm Đô ngự sử.
Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-1557), người thôn Tảo Dương, huyện Thanh Oai; đỗ Hội nguyên năm 38 tuổi, được ban Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập nội kinh diên... Ông nội của Nguyễn Thiến là Nguyễn Doãn Địch đỗ Thám hoa khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (năm 1481) đời Lê Thánh Tông; làm quan đến chức Hữu Thị Lang.
Trạng nguyên Đặng Công Chất (1622-1683), người xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ông là dòng dõi nhiều đời đại khoa. Năm 40 tuổi, ông thi đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời Lê Thần Tông. Năm 1682, ông được giao đi sứ Nhà Thanh; làm quan đến chức Tham tụng, Hình bộ Thượng Thư…
Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (1625-1674), người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì. Năm 35 tuổi, Nguyễn Quốc Trinh thi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, rồi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ (1659) đời Lê Thần Tông. Ông từng làm Chánh sứ sang Nhà Thanh (1667) lãnh trách nhiệm tạ ơn về việc Nhà Thanh phong vương cho Lê Huyền Tông. Khi thành công trở về, ông được phong chức Tả thị lang Bộ Lại. Ông là người cương trực khẳng khái, dám nói điều phải trái. Sau khi ông mất được triều đình phong làm Phúc thần.
Trạng nguyên Lưu Công Danh (1644-1675); người xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì; nay thuộc phường Phương Liệt, quận Đống Đa. Ông đỗ Trạng nguyên năm 27 tuổi, khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời Lê Huyền Tông; làm quan đến chức Hàn lâm Thị độc.
Minh San