Danh gia vọng tộc Nguyễn Khắc
Tôi biết GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục và gia đình ông khá lâu. Thế nhưng gần đây, tôi mới được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp khi được giáo sư nhận lời viết bài cộng tác trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Hiện nay, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn không ngừng làm việc, viết sách báo, tham gia các hội thảo, hội đồng chấm luận văn, luận án…
|
|
Bốn anh em trai của GS Nguyễn Khắc Phi (từ phải sang): Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Phê (năm 1996). |
GS Nguyễn Khắc Phi được mệnh danh là “Người thầy tài hoa”. Từng đoạt học sinh giỏi Toán khu vực Bắc Trung Bộ năm 1950 nhưng ông lại gắn bó sự nghiệp với văn học, là chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam. Ông từng là giảng viên, Phó chủ nhiệm Khoa Văn tại các trường: Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội, thông thạo rất nhiều ngoại ngữ đến mức có thể đọc nguyên tác các tác phẩm tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Ông hát rất hay, đam mê bóng bàn, sáng tác thơ, nhạc, câu đối, dịch lời Việt cho nhiều bản nhạc Nga... Đúng như PGS, TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận xét, ông quả là “một người tài hoa đa diện, một nhà văn hóa vừa uyên bác, vừa thâm sâu”.
Gia đình ông thuộc bậc danh gia vọng tộc của dòng họ Nguyễn Khắc ở xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh-vùng đất có nhiều dòng họ nổi tiếng hiếu học, khuyến học như: Đinh Nho, Nguyễn Khắc, Hà Học, Hà Huy, Lê Khánh... Bố ông là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), một vị quan nổi tiếng thanh liêm trong triều đình nhà Nguyễn. 4 câu, 16 chữ vàng đóng góp kế sách phục hưng quốc gia của cụ Nguyễn Khắc Niêm dâng vua Thành Thái đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại suy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy, nghĩa là: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong (Trần Đại Vinh tạm dịch). Cụ được liệt vào bậc hiền tài quốc gia, họ tên được ghi bảng vàng, hiện vẫn lưu danh trên bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu (Huế).
Anh chị em của GS Nguyễn Khắc Phi đều thành đạt, trong đó có nhiều người nổi tiếng như: Bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Ủy viên Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới); học giả Nguyễn Khắc Dương, nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn-Triết học, Trường Đại học Đà Lạt, những năm 1965-1975; nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế, Giải thưởng văn học-nghệ thuật Nhà nước năm 2012; dược sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh, tác giả bài thơ “Chiếc nón Huế” nổi tiếng trong sách giáo khoa văn thời kháng chiến chống thực dân Pháp; kỹ sư Nguyễn Thị Nhuần, Xa trưởng hành khách nữ đầu tiên của ngành đường sắt miền Bắc XHCN; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI... Người con cả của GS Nguyễn Khắc Phi là doanh nhân Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Nhật Linh (LiOA)-doanh nghiệp nổi tiếng với sản phẩm ổn áp, dây, cáp điện…
Điều đáng trân trọng của gia đình là có 14 người con sống chung trong một nhà nhưng giữa anh chị em chưa bao giờ xảy ra tình trạng phân biệt con chánh thất và kế thất. Theo GS Nguyễn Khắc Phi thì có được như vậy là nhờ công tích của mẹ ông luôn tạo dựng không khí gia đình hòa thuận. Mẹ ông là một người phụ nữ “đoan trang mà cởi mở, nghiêm nghị mà tinh tế, tháo vát mà khoan thai, đĩnh đạc”. Đường đường là phu nhân nhất phẩm triều đình, có thể cùng chồng bàn chuyện văn thơ, đánh tổ tôm, bàn cả việc quan, song mẹ GS Nguyễn Khắc Phi rất giản dị, chan hòa với bà con. Sau năm 1945, bà hăng hái tham gia phong trào Mẹ chiến sĩ của xã và nhiều lần được bầu làm Chủ tịch hội. Bố GS Nguyễn Khắc Phi không dùng lý thuyết dạy con mà dùng phương pháp “dĩ thân tác tắc” (tức là lấy thân mình làm gương).
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện lúc sinh thời cũng kể rằng: “Thầy tôi không lấy sách Khổng, Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt. Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng…”.
Có lẽ vì thế mà các con cụ Niêm đã thừa hưởng được rất nhiều từ phong cách ứng xử của người cha. Dù ở trên cương vị công tác nào, họ đều đem hết tri thức, lòng tâm huyết để xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, Nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Khắc Niêm ở thôn Trung Mỹ trở thành địa chỉ văn hóa của xã An Hòa Thịnh. Ở đây có thư viện với hơn 2.000 đầu sách, sân bóng bàn, cầu lông để người dân và trẻ em trên địa bàn đến đọc sách, chơi thể thao, tổ chức các sự kiện... Trường THCS của xã được mang tên Nguyễn Khắc Viện, trạm xá xã cũng được xây dựng từ tiền tài trợ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Có thể nói, đại gia đình GS Nguyễn Khắc Phi đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát huy truyền thống hiếu học, khuyến học của dòng họ và quê hương, đất nước.
|
|
Ông Nguyễn Lân (đứng hàng sau, thứ hai, từ trái sang), bà Nguyễn Thị Tề (ngoài cùng, hàng đầu bên trái) cùng các con. |
Giáo dục con bằng nêu gương
Thật quý hiếm khi cả 8 người con của Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân đều là những nhà khoa học, nhà trí thức nổi tiếng. Văn hóa nêu gương, người trước dìu dắt người đi sau xây đắp nên hình mẫu một gia đình hiếu học, tài hoa xung quanh hai nghề: Thầy giáo và thầy thuốc.
Chúng tôi tìm gặp GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, con thứ ba của NGND Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề. GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, từ nhỏ, 8 anh chị em đã được dạy dỗ theo hướng bố mẹ gương mẫu để con cái noi theo, được hưởng môi trường giáo dục lành mạnh. Vừa kể, ông vừa cho chúng tôi xem lời nhắn nhủ của NGND Nguyễn Lân với các con trong cuốn sách Những trang sử vẻ vang, là tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam dưới dạng tiểu thuyết, sử ký: “Âu yếm mong các con Lân Tuất, Tề Chỉnh, Lân Dũng, Lân Cường tìm thấy trong Những trang sử vẻ vang một nguồn sống mạnh mẽ và xứng đáng”. Để rồi từ đây, những trang sách này, “nguồn sống” từ NGND Nguyễn Lân như cây đèn hải đăng soi rọi, dẫn lối suốt cuộc đời cả 8 anh chị em.
GS Nguyễn Lân Dũng năm nay 82 tuổi, vậy mà khi nhắc đến cha, ông vẫn như một đứa trẻ, đầy phấn khích, tự hào, ngưỡng mộ. “Bố mẹ tôi có ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi, luôn là những tấm gương về đạo đức và tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Bố tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, từ đó mà trưởng thành. Lúc nào ông cũng động viên các con lấy sự học là chính và sống tử tế. Bố rất ghét những chuyện phi đạo đức. Mỗi khi hiện tượng đó xảy ra, bố tôi đều nhắc nhở, phân tích ngọn ngành”.
NGND Nguyễn Lân giáo dục con theo những cách rất riêng. GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại: “Ông Tố Hữu rất quý bố tôi, cứ mỗi lần in tập thơ mới, ông đều đi bộ đến tặng sách. Nói đi bộ bởi ông Tố Hữu rất ý tứ, đi ô tô nhưng gần đến nhà tôi thì ông xuống xe đi bộ vào nhà. Bọn trẻ chúng tôi rất thích ô tô nên thường theo dõi xem ông Tố Hữu “giấu” ô tô ở đâu nhưng đều không thấy. Bố tôi lấy câu chuyện của ông Tố Hữu để giáo dục chúng tôi về sự khiêm tốn từ những hành động rất nhỏ đó”.
Cho chúng tôi xem bức ảnh ông ngoại Nguyễn Hữu Tiệp chụp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (khi đó là Bộ trưởng Tài chính) trong Tuần lễ vàng, GS Nguyễn Lân Dũng kể tiếp: “Mẹ tôi là con nhà rất giàu, có thể nói là giàu nhất, nhì Bắc Bộ. Trong Tuần lễ vàng, ông ngoại tôi đã ủng hộ rất nhiều vàng cho Chính phủ. Từ trong nhung lụa, mẹ tôi theo bố tôi-ông giáo nghèo Nguyễn Lân vào Huế, cùng trải qua hai cuộc kháng chiến. Tại Huế, hai người ở khu học xá, mẹ tôi làm y tá. Hòa bình lập lại, cả nhà trở về Hà Nội và ở nhờ nhà người bạn của bố tôi tại số 23 Yết Kiêu. Mẹ tôi nhận công việc gói đường để bán và tham gia hoạt động cách mạng. Tại đây, mẹ tôi trở thành “hộp thư sống”, tức là người đến đưa và nhận tài liệu dưới vỏ bọc đi mua đường. Cả hai ông bà Nguyễn Lân đã sống tử tế, liêm khiết và giác ngộ cách mạng. Mặc dù bố tôi là người ngoài Đảng nhưng ai nói gì ngược với đường lối là bố tôi phê phán ngay. Mẹ tôi lấy bố tôi vất vả nhưng một người “lá ngọc cành vàng” như mẹ tôi lại chẳng bao giờ than thở một câu. Những điều đó tác động đến chúng tôi vô cùng”.
Kết quả là cả 8 người con của ông bà Nguyễn Lân đều trưởng thành, trở thành những nhà trí thức, nhà khoa học danh tiếng. 7 người con trai thì có 3 người đi bộ đội là Lân Tuất, Lân Tráng và Lân Việt. Riêng Lân Tráng đi 19 năm nhưng sau hòa bình trở về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lân Tráng vẫn kịp trở thành phó giáo sư.
“Chúng tôi không có kinh nghiệm gì đặc biệt mà chỉ dạy con theo nền nếp của hai bên nội, ngoại”-Đại tá, PGS, TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vợ GS Nguyễn Lân Dũng cho biết. Theo bà, sự thành công của một người thì yếu tố gen chỉ là một phần rất nhỏ, phần nhiều do giáo dục mà nên. Người đi trước dìu dắt người đi sau. Người đi trước nghiêm chỉnh thì sẽ là tấm gương cho người đi sau noi theo. Đồng thời, trong cuộc sống không bao giờ để cho các con thấy gia đình mình giàu có, chỉ thấy bố mẹ sống bằng đồng lương, bằng lao động của mình một cách thực thụ, nghiêm túc. Các con từ đó sẽ tự noi theo. Ngoài ra, việc giáo dục không chỉ bằng chính bản thân mà còn giáo dục qua những tấm gương khác. Ngày đó, bà điều trị cho nhiều bệnh nhân là Anh hùng LLVT nhân dân. Khi bình phục, bà đưa các anh về nhà cho các con cháu tiếp xúc, nghe các anh kể chuyện. Các con cháu bà nghe chuyện đều rất cảm động, khâm phục… Truyền thống hiếu học của gia đình cố NGND Nguyễn Lân tiếp tục lan tỏa sang thế hệ thứ ba, thứ tư. Hiện 7 người cháu của cố NGND Nguyễn Lân là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, đảm nhận các chức vụ quan trọng.
|
|
Ba anh em (từ trái sang): Nguyễn Anh Trí, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Thành Hưởng. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhà nghèo kính thầy, trọng chữ
Những năm trước 1975, cái nghèo, đói, chiến tranh khiến cho vùng quê nghèo Lệ Thủy, Quảng Bình đã khó càng thêm cơ cực, cái ăn còn chưa đủ huống chi nói đến việc học hành. Ấy thế mà có gia đình người thương binh nghèo vẫn cố gắng để các con được học hành thành đạt, trong đó có 3 người con trai sau này trở thành những giáo sư, tiến sĩ, có nhiều đóng góp cho nước nhà. Đó là Thiếu tướng, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa XIV; TS Nguyễn Thành Hưởng, hiện là Trưởng ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2.
Trong ký ức của mình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài vẫn nhớ như in những ngày chân đất, khoác áo tơi đi bộ 7, 8 cây số, qua hai chuyến đò ngang để đến lớp học; rồi những ngày học dưới hầm trú tránh máy bay địch, những ngày hè chạy khắp vùng để tìm xin hoặc mượn lại những cuốn sách cũ của các anh chị lớp trước, những bữa cháo trắng rắc muối ớt ăn vội… Năm học lớp 9, vì thấy gia đình quá khó khăn sau trận lụt, Nguyễn Văn Tài đã bỏ học để đi làm phụ bố mẹ nuôi các em. Khi bố phát hiện đã bắt ông phải đi học lại. Dù gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ ông lại rất kính thầy, quan tâm, coi trọng việc học tập của các con. Biết con trai thích cuốn sách “Ruồi trâu”, bố ông đã đi bộ 40km ra Đồng Hới để tìm mua cho con dù số tiền bỏ ra mua cuốn sách không hề nhỏ so với đồng lương công chức để nuôi 5 đứa con.
Thỏa ước nguyện được học tập, nghiên cứu, mấy anh em ông đều tự giác và học giỏi, cống hiến tri thức cho đất nước, quân đội. Nguyễn Văn Tài từng đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh cả môn Văn và Toán, được chọn thi quốc gia. Năm 1972, dù thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng ông gửi lại bố tờ giấy gọi nhập học để nhập ngũ và nghĩ rằng hết chiến tranh nhất định sẽ lại đi học tiếp. Sau này, ông được cấp trên cử đi học chuyên ngành triết học tại Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Ông tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Ông được phong tặng danh hiệu NGND năm 2014. Nguyễn Anh Trí là GS, Tiến sĩ y khoa, bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động và là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông còn sáng tác thơ và nhạc. GS Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực huyết học. Công trình khoa học của ông và các cộng sự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài: Hồi nhỏ, ông thường kèm cặp chuyện học hành của em trai Nguyễn Anh Trí. Năm 1975, Nguyễn Anh Trí đỗ Trường Đại học Sư phạm Vinh nhưng trong một lần đi rừng bị sốt rét ác tính tới suýt mất mạng, ông bị lỡ học, năm sau ông thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Học xong 6 năm đại học, ông tiếp tục học bác sĩ nội trú. Chương trình học dài, gia đình nghèo nên những năm tháng đi học của Nguyễn Anh Trí rất khó khăn. Suốt những năm đại học, ông chỉ có duy nhất chiếc áo khoác là áo ka ki bộ đội 4 túi được anh Tài khi ấy đang là bộ đội cho, nhưng rất ham học và học giỏi. Ông tự học ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh, Pháp, Nga. Ông còn học đại học ngành luật và lý luận chính trị. Em trai út Nguyễn Thành Hưởng thời học ở Trường Đại học Hàng hải thường phải đợi đến 10 giờ đêm, khi những gia đình xung quanh nấu ăn, nấu cám lợn xong thì xin than thừa về nấu cơm tối. Anh cũng tự học ngoại ngữ. Tốt nghiệp đại học, anh thi tuyển vào một công ty dịch vụ dầu khí, vừa lái tàu kiêm phiên dịch rồi học thạc sĩ, tiến sĩ. Anh từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo các dự án trong ngành dầu khí. Hiện anh là Trưởng ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài có hai người con đều đã học thạc sĩ ở Australia. Con trai duy nhất của GS, TS Nguyễn Anh Trí là Thạc sĩ Nguyễn Trí Anh, hiện là Tổng giám đốc Bệnh viện MEDLATEC.
THANH MINH - HOÀNG VIỆT - THU HÒA (thực hiện)