Câu chuyện bỏ ra 10 năm miệt mài tìm lối đi riêng của nhà thiết kế Vũ Thảo có thể coi là một điển hình của đội ngũ các nhà thiết kế trong nước nhằm định vị thiết kế thời trang Việt trên bản đồ thế giới.

leftcenterrightdel

Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân với thiết kế sử dụng chất liệu thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh. Ảnh: Bazaar

Suốt 10 năm trời, nhà thiết kế Vũ Thảo đã đồng hành với cộng đồng người Mông (Lào Cai, Hòa Bình), người Thái (Hòa Bình), người Khmer (An Giang)... Với mỗi cộng đồng, Vũ Thảo đều có cách làm riêng để khơi dậy và bảo tồn những kỹ năng nghề truyền thống, như: Dệt, nhuộm chàm, mài đá, vẽ sáp ong... Gần đây nhất, hành trình phục hồi chất liệu vải tơ chuối của chị đã truyền cảm hứng cho cộng đồng thời trang Việt.

Vũ Thảo kể, cái duyên đưa chị đến với hành trình này bắt đầu từ... truyền thống. Chị đã tìm được thông tin trong tài liệu về một loại vải được người Giao Chỉ dệt từ tơ cây chuối có tên gọi là Tiêu Cát. Ám ảnh với một sản phẩm truyền thống của dân tộc, năm 2019, Vũ Thảo bắt đầu hành trình đi tìm giống cây chuối rừng Musa. Ròng rã nhiều ngày tại vùng núi Cao Bằng, cuối cùng chị đã tìm thấy lãnh địa của loài chuối hoang Musa. Với sự giúp đỡ của nghệ nhân tơ chuối Fukushima đến từ Okinawa, Nhật Bản, Vũ Thảo đã phục dựng thành công vải tơ chuối.

leftcenterrightdel

Mẫu thiết kế sử dụng lãnh Mỹ A của nhà thiết kế Võ Việt Chung. Ảnh: Bazaar

Không chỉ Vũ Thảo miệt mài với hành trình tìm về truyền thống, nhiều nhà thiết kế thời trang Việt cũng gặt hái được những thành tựu với các chất liệu xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Nhà thiết kế Võ Việt Chung từng chia sẻ về câu chuyện phục hồi chất liệu lãnh Mỹ A và khẳng định: “Chính chất liệu lãnh Mỹ A đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Bởi với việc khôi phục được chất liệu này, năm 2007, tôi đã trở thành nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là “Người có công khôi phục và phát triển chất liệu truyền thống lãnh Mỹ A”.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đến với những sàn diễn thời trang lớn trên thế giới bằng chất liệu thổ cẩm. Thậm chí, bà luôn nhấn mạnh yếu tố bản sắc dân tộc chính là “gươm báu” để chinh phục thế giới. 

leftcenterrightdel

Mẫu thiết kế bằng vải tơ chuối của nhà thiết kế Vũ Việt Hà. Ảnh: Bazaar 

Cùng với Minh Hạnh, Võ Việt Chung, Vũ Thảo, còn rất nhiều nhà thiết kế Việt đã khẳng định tên tuổi bằng các chất liệu truyền thống. Đó là Lê Thanh Hòa với lụa Mã Châu (Quảng Nam), Phương Thanh nhiều năm gắn bó với lụa, Thanh Thúy khéo léo kết hợp với kỹ thuật thêu tay thủ công của người Việt...

Các nhà thiết kế, người yêu thời trang Việt luôn có ý thức tìm về cội nguồn giá trị văn hóa dân tộc. Xu hướng truyền thống, ý thức tôn vinh văn hóa dân tộc ở thời trang Việt không chỉ thể hiện trên yếu tố chất liệu mà còn trên các họa tiết, hoa văn. Từ lâu, những hình ảnh dân dã, những biểu tượng trong đời sống tinh thần của người Việt được các nhà thiết kế sáng tạo đưa vào trang phục vô cùng sinh động, đẹp mắt, như: Hứng dừa, lợn ỉ có xoáy âm dương, đám cưới chuột, cá chép, rồng, phượng, hổ... trong tranh dân gian Đông Hồ.

leftcenterrightdel
 Cảm hứng tranh dân gian Đông Hồ trong mẫu thiết kế của nhà thiết kế Tiệm Thơ. Ảnh: Bazaar

Trong bối cảnh thế giới càng phẳng, yếu tố bản sắc dân tộc càng được đề cao. Thực tế cho thấy, những sản phẩm thời trang từ chất liệu truyền thống đang góp phần khẳng định là bản sắc, là đỉnh cao. “Nếu như chúng ta tận dụng được tinh hoa từ cộng đồng các dân tộc thì giá trị và hàm lượng văn hóa Việt trong các thiết kế sẽ rất cao. Hàm lượng văn hóa Việt trong thiết kế là cách duy nhất để chúng ta tồn tại và chứng minh mình với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay,” nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết. 

NGỌC MỸ