Thời trang-“kẻ thù” của môi trường

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ngành thời trang là một trong những “kẻ thù” lớn nhất của môi trường. Mỗi năm, ngành này tiêu thụ khoảng 93 tỷ mét khối, tương đương 4% tổng lượng nước sạch trên toàn cầu. Năm 2030, lượng nước tiêu thụ của ngành thời trang có thể tăng lên 50%. Cùng với đó, ngành thời trang thải ra khoảng 1,2 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm, bằng tổng lượng khí thải của các ngành vận tải và chiếm 8% tổng lượng khí nhà kính do hoạt động của con người gây ra.

leftcenterrightdel

Vải tuytsi 100% sợi len tự nhiên. Ảnh: ABM Fashion 

Còn theo báo cáo mang tên “Pulse of the Fashion Industry” (tạm dịch: Nhịp đập của công nghiệp thời trang) được thực hiện bởi Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) và Chương trình thời trang toàn cầu (GFA), những năm gần đây, ngành thời trang tạo ra khoảng 100 triệu tấn rác thải mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 148 triệu tấn vào năm 2030. Khối lượng này tương đương 17,5kg rác thải/người/năm.

Ngoài yếu tố gây tổn hại môi trường, ngành thời trang còn tồn tại các vấn đề về xã hội, như việc bóc lột lao động, vi phạm quyền con người hay sử dụng chất độc hại trong quá trình sản xuất.

Trước những hậu quả tiêu cực của ngành thời trang đối với môi trường và xã hội, nhiều người bắt đầu nhận thức và hành động để giảm thiểu ảnh hưởng của việc mua sắm quần áo. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Nielsen, năm 2023, 73% người tiêu dùng toàn cầu đã sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp có cam kết về bền vững. Nhiều người đã bắt đầu quan tâm hơn đến nguồn gốc cũng như quá trình sản xuất quần áo mà mình sẽ mua và yêu cầu các doanh nghiệp thời trang phải có trách nhiệm hơn với môi trường, xã hội.

Khởi động thời trang bền vững tại Việt Nam

Thời trang bền vững là gì? Thời trang bền vững là một phong cách thời trang có ý thức về môi trường và xã hội, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của ngành thời trang đối với hành tinh và con người. Các tiêu chí để đánh giá một sản phẩm thời trang có phải là bền vững hay không bao gồm: Sử dụng các nguyên liệu tái tạo, tái chế hoặc tự nhiên; sử dụng các phương pháp sản xuất ít tiêu thụ năng lượng, nước và chất hóa học; bảo đảm các quyền lợi và điều kiện làm việc cho người lao động trong chuỗi cung ứng; thiết kế sản phẩm có thể sử dụng lâu dài, dễ bảo quản và dễ tái chế; tạo ra giá trị thẩm mỹ và tinh thần cho người sử dụng...

leftcenterrightdel
 Vải linen được dệt từ thân của cây lanh thân thiện với môi trường. Ảnh: ABM Fashion

Tại Việt Nam, xu hướng thời trang bền vững bắt đầu được đón nhận trong khoảng một thập kỷ trở lại đây. Một số nhà thiết kế thời trang đã cho ra mắt những bộ sưu tập mang hơi thở thời trang bền vững, như: Vũ Thảo, Võ Công Khanh, Trần Hùng, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long... Cùng với đó, một loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thời trang bền vững đã ra đời như: Thương hiệu thời trang The 31 với thông điệp “Sống chậm lại để yêu thương bản thân nhiều hơn”; Kilomet109-một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp với mong muốn gìn giữ và sáng tạo những chất liệu tự nhiên, dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống của người Việt; ShoeX với những đôi giày sử dụng nguyên liệu cà phê độc đáo; Boo với mục đích cung cấp cho khách hàng những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; TimTay sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như sợi lanh, tơ tằm nguyên chất, sợi bông... để quá trình phân hủy trong môi trường có thể diễn ra nhanh nhất, cũng như đem tới sự nguyên bản, thân thiện với làn da người mặc...

Thời trang bền vững là một trong những hướng đi mới mẻ và độc đáo trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Hơn thế, thời trang bền vững còn là một xu hướng không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội, mà còn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

PHƯƠNG LIÊN