Hình ảnh giới trẻ Hà thành ăn mặc thời thượng, tóc nhuộm đủ màu như những diễn viên Kpop, sử dụng điện thoại thông minh, đi xe máy đắt tiền mà miệng không ngớt nói tục, chửi thề không còn là hiện tượng hiếm gặp. Hiện tượng giới trẻ đua nhau “bắt trend”, say sưa thích, theo dõi, bình luận theo các idol, chạy đua trào lưu mạng xã hội, phô bày chuyện riêng tư khiến không ít người đỏ mặt, lắc đầu. Lo ngại nhất là lối sống thực dụng, mê sảng tín ngưỡng tâm linh và trào lưu kiếm tiền bằng mọi giá như thỏi nam châm hút hết tâm lực, hồn cốt giới trẻ Hà thành. Những màn đấu khẩu, những cuộc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của tóc xanh tóc đỏ, xăm trổ vì đánh ghen ngay trên phố hay va chạm giao thông của thanh niên Hà thành như nhát dao chém ngang văn hóa thanh lịch của người Tràng An. Có lần, khi nhìn cảnh thanh niên đua xe, bốc đầu trên đường Cổ Ngư, một nhà văn là bạn thân của tôi cảm thán rằng, "bụi phủ quá dày" trên chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội.

Hà Nội, đất Thăng Long-Đông Đô, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “nghìn năm văn hiến” là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi lưu kết tinh hoa của mọi miền đất nước để làm nên giá trị văn hóa tinh túy người Kẻ Chợ đất trăm nghề.

Lịch sử đã cho người Hà Nội những phẩm chất riêng không lẫn với bất cứ người dân ở địa phương nào. Đó là phong thái nho nhã trong lời nói, đi lại khoan thai, nhẹ nhàng ý tứ và ứng xử, giao tiếp nhã nhặn. Đó là nét tài hoa, sáng tạo trong lao động. Đó là sự tinh tế, phóng khoáng, tao nhã trong thưởng thức ẩm thực và trong các thú chơi đầy chất sáng tạo, mang đậm giá trị nghệ thuật. Sự tao nhã, lịch thiệp và hào hoa của người Hà Nội đã được “ông ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ khái quát trong bài thơ nổi tiếng “Thành Thăng Long” với hai câu mở đầu trở thành niềm tự hào của đất Kinh kỳ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Chất hào hoa, thanh lịch của người Hà thành không chỉ được thể hiện trong ứng xử mà còn nằm sâu trong những tầng vỉa văn hóa. Nó có ở từng con người cụ thể và được thể hiện trong đời thường, trong phong thái quảng giao hằng ngày. Nó đã thổi hồn để lòng tự tôn, tự hào dân tộc và lòng tự trọng phát triển đến cao độ. Nó giúp người Hà Nội nhạy bén, thích ứng nhanh với cái mới và càng không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù, không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm đã khái quát và cam đoan rằng, những phẩm chất đó đã kích hoạt lòng yêu nước, yêu tự do, yêu hòa bình của người Hà Nội với sự hào hùng, đậm chất sử thi, lãng mạn.

leftcenterrightdel

Cô gái Hà Nội tại làng hoa Nhật Tân, Tết Quý Mão 1963. Ảnh tư liệu 

Nghiên cứu về văn hóa, chất hào hoa và đặc biệt là lòng yêu nước của người Hà Nội, tôi thấy thật phong phú. Gần đây, khi đọc Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, một học giả nổi tiếng người Hà Nội ở thế kỷ 20 vốn là cựu học sinh Trường Bưởi, tôi thấy ông khẳng định học trò người Việt ở Trường Bưởi thời ông học siêng năng và giỏi hơn học trò người Việt ở trường Tây: “Chính vì sinh trong các gia đình có Nho học, nhà nghèo, nên học sinh Trường Bưởi siêng hơn trường Albert Sarraut”. Nguyễn Hiến Lê còn so sánh giữa họ về lòng yêu nước: “Cũng vì là con cháu nhà Nho, nên tinh thần ái quốc xét chung cũng cao hơn học sinh trường Tây, và chỉ ở trường Việt mới có những cuộc bãi khóa như cuộc bãi khóa năm 1925 về vụ truy điệu nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Trong vụ đó nhiều học sinh Trường Bưởi bị đuổi”. Rồi nhà văn hóa đất Kinh kỳ, cha đẻ của 100 cuốn sách nhiều thể loại được các thế hệ độc giả người Việt mến mộ nhấn mạnh: “Nếu làm thống kê thì tôi chắc số nhà cách mạng và số học giả, thi sĩ, nghệ sĩ, khoa học gia, chính trị gia nổi danh xuất thân từ Trường Bưởi đông hơn hết thảy các trường trung học khác ở Bắc nhập lại”. Điều này chứng tỏ, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ đất Kinh đô giống như một dòng thác bị ngăn chặn bởi con đập vô hình nay được cách mạng phá bỏ và khơi dòng rồi cuồn cuộn chảy trong trái tim nóng của mỗi kẻ sĩ.

Khi nhắc đến chất yêu nước hào hoa của người Thăng Long, tôi nhớ tới Đại tá tình báo Hà Mai, một học sinh Trường Bưởi hiện đã mất. Trong buổi trò chuyện tại nhà ở phố Thi Sách vào năm 2016, ông đã kể về khí thế hừng hực của những chàng trai, cô gái Hà thành trong ngày đầu tham gia lực lượng bảo vệ lễ Quốc khánh ngày 2-9-1945. Tại đây, cô nữ sinh Trường Trưng Vương đã bỏ nhà theo chàng Hà Mai hào hoa, thông minh, nhiều tài lẻ. Và họ đã có mối tình đẹp như trong tiểu thuyết. Thế rồi, khi đường phố Hà Nội trở thành chiến lũy, thiếu nữ Hà thành thướt tha ấy đã cùng chàng Hà Mai lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc. Tuy xa Hà Nội, tuy phải xa những hàng me, hàng sấu thâm trầm thân thương, xa nơi từng lưu giữ những kỷ niệm đẹp và sống giữa núi rừng trùng điệp thiếu thốn, làm bạn với bom đạn, song Hà Mai vẫn mang theo chiếc đàn vỹ cầm. Mỗi lần đôi trẻ gặp nhau họ lại đàn, lại hát thật lãng mạn cho đến ngày toàn thắng trở về Thủ đô và họ kết hôn, sống hạnh phúc đến cuối đời. Sau câu chuyện tình thơ mộng, vị Đại tá già bảo vợ lấy cây đàn vĩ cầm. Ông đàn và bà ngồi xa lặng ngắm giống như thời son trẻ.

Chất hào hoa, tinh thần yêu nước của người Hà Nội thể hiện ở tính cách giàu nghĩa khí và tính kẻ sĩ mà biểu hiện cao độ của tính cách ấy là lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Thủ đô yêu dấu của người Hà Thành. Mùa đông năm 1946, khi “Thăng Long phi chiến địa” biến thành chiến trường khốc liệt thì đã có bao chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa, thanh lịch trở thành những chiến sĩ quả cảm. Họ thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ném bom xăng, ôm bom ba càng lao vào xe tăng quân Pháp. Họ đã kìm chân quân đội nhà nghề thực dân tại 36 phố phường Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa, vượt kế hoạch so với dự kiến, tạo điều kiện để Trung ương và lực lượng kháng chiến rút lên Việt Bắc. Cuộc đọ sức quyết liệt của tự vệ Hà Nội trong điều kiện thiếu vũ khí, đạn dược trước lính lê dương thiện chiến, đầy đủ vũ khí tối tân là hiện thân cao độ của hào khí Đông A thời quân dân nhà Trần, quyết đánh giặc Nguyên ở thế kỷ 13.

Tiếp nối truyền thống cha ông, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết bao thế hệ thanh niên Hà Nội “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, nối gót cha anh vào chảo lửa của chiến tranh với chất hào hoa, lãng mạn, mà điển hình là Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thùy Trâm; liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với những dòng nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" như có lửa.

Không thể kể hết, viết hết chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội trong từng việc, trong từng con người cụ thể. Qua bài viết này, tôi chỉ mong mỗi thanh niên Hà thành hiện nay tìm hiểu kỹ hơn, thấu hiểu chất hào hoa, thanh lịch của người Tràng An để xây dựng niềm tự hào, qua đó điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử, phát huy văn hóa đất Kinh kỳ lên tầm cao mới.

Chất hào hoa của văn hóa Hà Nội cũng chính là một phần tinh túy trong văn hóa Việt Nam. Nó là cái đẹp cần phải được lưu giữ và phát triển để tạo ra động lực sáng tạo trong đổi mới. Đó chính là cách thiết thực để làm rực rỡ, tỏa sáng chất hào hoa, thanh lịch, sản phẩm văn hóa phi vật thể của Hà Nội. Gìn giữ và phát huy nó trong cuộc sống hiện đại hôm nay phải có cái tâm và sự tự giác từ mỗi người, nhất là sự giáo dục trong gia đình, nhà trường và từ sự gương mẫu của người lớn tuổi. Người già, người trung tuổi mẫu mực trong lời nói, thái độ, hành vi ứng xử thì lớp trẻ sẽ học tập, noi theo...

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG