Bảo tàng sống lưu giữ văn hóa dân tộc
Lễ hội truyền thống thường diễn ra “xuân thu nhị kỳ” gắn với các mốc mở đầu và kết thúc của một chu trình sản xuất nông nghiệp. Đây là dịp để người dân hưởng thụ các thành quả lao động, thăng hoa trong đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, tiếp thêm sức lực cho một chặng đường mới cùng với chu kỳ vận hành của vũ trụ.
Trong các lễ hội truyền thống Việt Nam có những lễ hội chi phối hầu hết các gia đình trên mọi miền Tổ quốc như: Tết Nguyên đán, Lễ Vu lan, Tết Trung thu... Một số lễ hội có quy mô vùng, liên vùng như: Lễ hội Chùa Hương; Lễ hội Yên Tử; Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc; Lễ hội Phủ Dầy; Lễ hội núi Bà Đen; Hội Gióng; Hội Lim,... Nhiều lễ hội dân gian trong thời gian dài không được tổ chức, nay dần dần được khôi phục như: Lễ hội Tịch điền; Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; Lễ hội Nghinh Ông và các lễ hội làng...
Việt Nam có hệ thống lễ hội của các dân tộc thiểu số rất phong phú, như: Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của các dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; Lễ hội hoa ban của dân tộc Thái; lễ mừng lúa mới, mừng nước giọt, lễ lập làng của các dân tộc Tây Nguyên; Lễ hội Chol Chnăm Thmây của người Khmer... Mỗi lễ hội đều gắn với các địa danh, di tích, sự kiện lịch sử, truyền thuyết, thần tích, nghi lễ, lễ vật, diễn xướng liên quan, tạo nên một bức tranh lễ hội độc đáo, nhiều màu sắc của dân tộc.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng, vừa hướng về nguồn cội để giữ gìn, trao truyền các giá trị tốt đẹp từ quá khứ, vừa là nơi diễn ra những sáng tạo văn hóa mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người thời đại. Lễ hội hiện nay chính là một bảo tàng sống lưu giữ chiều sâu văn hóa, chiều dày văn hiến của dân tộc.
Mặc dù có thể có nhiều biểu hiện đa dạng, phong phú tùy thuộc vào phong tục, tập quán dân tộc, vùng, miền, nhưng về cơ bản các lễ hội truyền thống thường có hai phần: Phần lễ và phần hội.
Lễ là hệ thống các nghi lễ, nghi thức nhằm thể hiện sự tôn kính, thờ phụng đối với thần thánh, các nhân thần và nhiên thần theo những quy trình, nội dung chặt chẽ với những quan niệm triết lý sâu xa nhằm tỏ bày mong muốn của con người được ban cho cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Hội là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, thường đi liền sau phần lễ nhằm mục đích vui chơi, giải trí, thụ hưởng văn hóa với các trò chơi, trò diễn dân gian, các cuộc thi tài như: Hát đối đáp, hát giao duyên, đấu vật, chơi cờ người, vật cầu, pháo đất, nấu cơm, gói bánh, đi cà kheo, đua thuyền, chọi trâu, đập niêu đất, thưởng thức ẩm thực...
|
|
Hội thi đua thuyền trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: MINH CHIẾN
|
Quanh năm vất vả với công cuộc mưu sinh, lễ hội là dịp để mọi người gặp gỡ, vui chơi, giao lưu, thư giãn nhằm phục hồi sức lao động, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa trước khi bước vào một chu kỳ làm ăn mới. Với tư cách là một di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, lễ hội ẩn chứa nhiều giá trị tốt đẹp.
Trước hết là giá trị giáo dục, lễ hội nhắc nhở cộng đồng về những bài học đạo lý, về truyền thống của cha ông, về lịch sử làng xã, lịch sử dân tộc. Người Việt Nam vốn thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là dịp mọi người cùng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, các thế hệ tiền nhân, các anh hùng dân tộc, người có công với dân, với nước, chẳng hạn như: Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội Cổ Loa; Lễ hội Hoa Lư; Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng... Lễ hội làng tôn vinh các vị thành hoàng làng là những người có công khai đất lập làng, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân. Thực hành lễ hội giúp nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình đối với các thế hệ đi trước, giáo dục đạo đức và truyền thống lịch sử của làng bản, quê hương, đất nước.
Lễ hội có giá trị cố kết cộng đồng. Dù là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử hay lễ hội mới thì đều của một cộng đồng, biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng trên mọi phương diện. Quá trình tham gia tổ chức, thực hành nghi lễ hoặc tham dự lễ hội tạo nên tinh thần cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh, trở thành chất keo dính gia tăng tính cố kết cộng đồng.
Lễ hội còn có giá trị tâm linh, nơi con người bày tỏ những mong ước, nguyện cầu tới các vị thần linh, tới các thế lực siêu nhiên để được che chở, phù hộ, độ trì. Trong cuộc sống còn nhiều bất trắc, rủi ro khó lường ngày nay, con người vẫn cần có một điểm tựa tinh thần để cân bằng tâm lý. Tư tưởng từ-bi-hỷ-xả, yêu thương con người trong các tôn giáo, tinh thần “khuyến thiện trừng ác” trong các tín ngưỡng cũng khuyến khích mọi người phải tu nhân tích đức, tránh làm điều ác, ở hiền gặp lành, trau dồi bản thân để hoàn thiện mình, từ đó góp phần lành mạnh hóa lối sống, bình ổn trật tự xã hội.
Lễ hội cũng có giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Khi tham gia lễ hội, mỗi người bằng cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều đều có thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Khi các cá nhân tham gia tổ chức, thực hành, tái hiện các sinh hoạt văn hóa thì đồng thời cũng sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới và hưởng thụ các giá trị văn hóa đó. Đây cũng chính là quá trình trao truyền và làm giàu các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó, lễ hội có giá trị bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Lễ hội là môi trường sống động để lưu giữ, củng cố, bảo tồn các giá trị truyền thống, các nét đẹp văn hóa lâu đời như: Các nghi lễ, trò diễn, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn tế; các di tích lịch sử-văn hóa, văn bia, cổ vật, di vật có liên quan.
Trong bối cảnh đương đại, lễ hội mang lại giá trị kinh tế. Lễ hội hiện nay đã trở thành một sự kiện văn hóa, một sản phẩm du lịch có thể thu hút du khách, tạo việc làm cho người dân, giới thiệu sản vật của địa phương. Lễ hội giúp tạo nguồn thu để quay lại tu bổ, tôn tạo di tích, cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất, thúc đẩy các nghề truyền thống phát triển, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và văn hóa địa phương.
Chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong lễ hội
Những năm qua, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay, các lễ hội ở Việt Nam được quan tâm bảo tồn và phát huy, góp phần củng cố và lan tỏa giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không tránh khỏi còn tồn tại những mặt trái, biểu hiện tiêu cực như thương mại hóa, trần tục hóa, sân khấu hóa lễ hội.
Xu hướng thương mại hóa thể hiện ở việc các địa phương đua nhau mở rộng quy mô lễ hội, “hoành tráng hóa”, “lạ hóa”, lập các "kỷ lục" để thu hút du khách nhằm thu lợi từ các dịch vụ ăn theo. Hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để trục lợi, “chặt chém” người đi trẩy hội; tạo đền, chùa giả, đặt các hòm công đức tràn lan để thu tiền,... Xu hướng sân khấu hóa, trần tục hóa thể hiện ở việc các nghi lễ thiêng bị biến thành các trình diễn sân khấu không phù hợp, “giải thiêng” di sản, làm sai lệch bản chất của lễ hội như: Trình diễn hầu đồng trên sân khấu, đưa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế ra ngoài quán xá... Một số hủ tục và tệ nạn xã hội có điều kiện trỗi dậy tại các lễ hội như: Nạn cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan,... làm vẩn đục bầu không khí linh thiêng và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của cộng đồng. Những mặt tiêu cực này rất cần được các cơ quan quản lý, báo chí, truyền thông, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh nhằm thay đổi, chấn chỉnh tình hình, trả lại cho lễ hội những giá trị tốt đẹp vốn có của nó.
Có thể nói, lễ hội góp phần tạo nên ký ức văn hóa của dân tộc, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng quá khứ, tạo cho họ bệ đỡ và hành trang để hướng tới tương lai.
GS, TS TỪ THỊ LOAN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long