Các gánh chèo ngày xưa cũng giống như các đoàn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp bây giờ. Cứ độ gần Tết, ông trùm sẽ tập hợp thành viên trong các gánh hát, sau đó chuẩn bị đạo cụ, phân công vai diễn và tập dượt các tích diễn. Xong xuôi rồi ai về nhà nấy, an tâm chuẩn bị lễ, tết cho gia đình. Sau mồng Hai Tết, các phường chèo, gánh hát bắt đầu lưu diễn. 

Đối với nếp văn hóa làng xưa, trước Tết, các hương hào lý mục sẽ họp bàn xem có mở hội làng không. Có mở là phải đón được một gánh hát hay phường chèo về biểu diễn, nếu thiếu thì lễ hội sẽ không trọn vẹn. Khi đã quyết định mời phường chèo là phải lựa chọn phường ấy diễn được tích gì, diễn mấy đêm, diễn mấy tiếng. Sau đó là giao người đi đón, đại khái như hợp đồng ngày nay.

leftcenterrightdel
            

Hát chèo truyền thống vẫn được người dân thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội gìn giữ hàng trăm năm. Ảnh: HẠ ANH 

Trời vừa sẩm tối là già trẻ, gái trai đã tập hợp đông đủ nơi sân đình làng. Các hương hào lý mục, chức sắc được sắp xếp ngồi phía trước, dân làng ngồi xung quanh ba mặt, dành một lối đi cho phường chèo. Trong không khí hồi hộp mong đợi của biết bao người dân, buổi biểu diễn mở đầu bằng tiếng trống cái vang vọng, tiếng thanh la, não bạt cũng ngân theo làm náo động cả một vùng non nước mây trời.

Khi ánh đèn đuốc thắp sáng, người dân thấy rõ “sân khấu” giản dị vốn là những chiếc chiếu trải giữa sân đình. Hòa quyện vào không gian nhộn nhịp, tiếng xuýt xoa hào hứng của dân làng là tiếng trống, mõ, thanh la, não bạt rộn ràng mà ngày nay người làm chèo gọi là “thi nhịp”, là màn hát “vỡ nước”. Hát "vỡ nước" được xem như hát khai trò, hát “vỡ giọng”. Nội dung bài hát bao giờ cũng là những lời chúc tốt đẹp, mong cho dân làng mạnh khỏe, bình an, “nhân khang vật thịnh”, mùa màng tươi tốt, khoai lúa bội thu. Sau màn "vỡ nước" là bắt đầu tích trò với màn giáo đầu, người diễn viên ra tóm tắt tích truyện hôm nay sẽ diễn.

Trong buổi biểu diễn, đôi lúc dân làng hoặc hương hào lý mục sẽ tham gia vào các tiết mục bằng tiếng đế hay hỏi xen vào giữa lớp diễn. Mặc dù đã thuộc nằm lòng nhưng buổi biểu diễn vẫn khiến khán giả say mê bởi sức cuốn hút lạ kỳ mà thân thuộc của người diễn và nhạc công.

Đêm diễn kéo dài hay rút ngắn phụ thuộc vào sự hứng thú của dân làng. Người nghệ sĩ trong gánh hát được “thổ tận can tràng” mà hát, mà diễn. Từ những tích truyện quen thuộc, họ phải dịch thêm rất nhiều trò để phù hợp với lễ hội của làng, phù hợp với phong tục tập quán và lối sống của địa phương. Để dịch nên trò diễn đòi hỏi người nghệ sĩ xưa không chỉ giỏi diễn mà còn phải giỏi cả “phịa lời” và linh hoạt, ứng diễn trong mỗi tình huống. Vậy nên cùng một tích diễn nhưng mỗi chiếng chèo lại có một cách, một lối diễn, nét riêng.

Mùa xuân hôm nay không còn những gánh hát xưa, thay vào đó là hàng chục nhà hát, các đoàn nghệ thuật chèo, các nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng dù thế nào thì bà con cũng có thể được đắm mình trong lời ca tiếng hát ngân nga, trầm bổng luyện năm cung, đào liễu, lới lơ... mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Soạn giả MAI VĂN LẠNG