Anh Dương Đức Tiến, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Chèo truyền thống thôn Tằng My, năm nay gần 50 tuổi nhưng đã gắn bó với chèo ngót 45 năm. Năm 1950, đội chèo thôn Tằng My được thành lập. Cụ thân sinh ra anh Tiến là ông Dương Đức Đạt-một nhạc công có tiếng của đội chèo thôn Tằng My thường xuyên tổ chức lưu diễn ở nhiều địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Bởi thế, mới 5 tuổi nhưng anh Tiến đã được cụ Đạt cho ngồi trong lòng để xem biểu diễn chèo. Từ đó, chèo thấm vào anh như một lẽ tự nhiên. Không chỉ có gia đình anh Tiến, hầu hết các gia đình tại thôn Tằng My đều được phổ cập về nghệ thuật hát chèo.

leftcenterrightdel

 Câu lạc bộ Chèo truyền thống thôn Tằng My.

Hát chèo đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Tằng My. Dân làng đi cày ruộng hát chèo, trên lớp học cũng hát chèo, những lúc sinh hoạt thôn làng cũng say sưa với chèo. Vào mỗi dịp lễ, tết, hát chèo luôn là tiết mục được mong chờ nhất của người dân Tằng My. Khi ấy, dù chỉ là nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng đội chèo thôn Tằng My đã dựng được những vở chèo lớn như: Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình-Dương Lễ... Và họ luôn giữ gìn những giai điệu, ca từ của chèo cổ. 

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào hát chèo ở thôn Tằng My phát triển rất mạnh mẽ, đến khoảng thập niên 1980 lại trầm lắng hơn do đời sống kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 1990, làng tổ chức nhiều lớp đào tạo, gìn giữ chèo, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Anh Tiến chia sẻ: "Tôi rất tiếc khi hát chèo ngày càng mai một. Nhiều khi nhớ chèo, tôi lại ngồi một mình ở nhà đàn ca. Tôi và các anh chị em khác trong làng còn theo chèo cũng rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc để có cơ hội được hát, được đàn cho thỏa niềm đam mê...".

Trăn trở suốt nhiều năm, đến năm 2022, anh Dương Đức Tiến cùng những người yêu chèo quyết định thành lập CLB Chèo truyền thống thôn Tằng My để khôi phục lại nét đẹp văn hóa của ông cha đang dần bị mai một. Anh Tiến tâm sự, đây là quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời mình. Khi mới phát động phong trào, anh được bà con dân làng hết lòng ủng hộ. Chỉ một thời gian ngắn, CLB chèo đã tập hợp được hơn 40 người tham gia, với nhiều gương mặt còn rất trẻ.

Ngày đầu mới thành lập CLB, anh Tiến mở lớp vào buổi tối thứ tư và chủ nhật hằng tuần để dạy người học hát chèo và chơi đàn. Với kinh nghiệm hát chèo 45 năm và chơi được 20 loại nhạc cụ, anh Tiến đã thu hút được đông đảo người dân tham gia học hát chèo. Những buổi tối học hát chèo tại đình thôn Tằng My lại rộn ràng bởi tiếng đàn, tiếng hát. Bây giờ, bà Ngô Hồng Hạnh, Chủ nhiệm CLB Chèo truyền thống thôn Tằng My cảm thấy rất hạnh phúc khi đã gây dựng lại phong trào hát chèo tại quê mình. 

Ngày nay, nghệ thuật chèo có nhiều đổi mới, sân khấu cũng hiện đại cho phù hợp với nhu cầu của khán giả, nhưng đội chèo Tằng My vẫn giữ được bản sắc với sự gần gũi, đơn giản của chiếu chèo truyền thống. Khi ấy, nơi sân đình, những chiếc chiếu cói được trải ra, thế là những nghệ sĩ chèo nghiệp dư và bà con lại được đắm mình với giai điệu chèo. Tết Nguyên đán cận kề, CLB Chèo truyền thống thôn Tằng My đang hăng say luyện tập để phục vụ bà con trong những ngày đầu xuân năm mới...

Bài và ảnh: HẠ ANH