Sự thăng trầm của hát Xoan
Cách trung tâm TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoảng 10km, chúng tôi hướng về phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một trong 4 phường Xoan cổ để tìm hiểu những giai điệu đặc sắc mang đậm dấu ấn cội nguồn. Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Sen-nghệ nhân hát Xoan nổi tiếng của phường Xoan Phù Đức để hiểu thêm nhiều điều thú vị về nghệ thuật hát Xoan.
Theo bà Sen, hát Xoan từ xưa đã gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một trong những nghi thức thờ cúng quan trọng của người Việt. Cho đến nay, trong sâu thẳm tiềm thức mỗi người dân đất Tổ, hát Xoan trở thành loại hình nghệ thuật quan trọng, mang đậm giá trị của lòng yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc. Bởi cộng đồng đã dùng hát Xoan thể hiện niềm tin với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Trải qua bao thăng trầm, đã có lúc hát Xoan tạm lắng xuống do những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội. Bản thân bà Sen khi còn nhỏ cũng phải dừng việc hát Xoan do chiến tranh xảy ra. Đất nước hòa bình, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, hát Xoan dần được khôi phục, số người biết đến và thực hành hát Xoan nhiều hơn. Phường Xoan Phù Đức cũng được phục hồi với số lượng ban đầu là 20 thành viên. Bằng tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật hát Xoan, đến nay, bà Sen trở thành một nghệ nhân hát Xoan ưu tú ở phường Phù Đức. Bà trở thành người truyền dạy cho con cháu nghệ thuật hát Xoan.
|
|
NNƯT Nguyễn Thị Sen hướng dẫn học trò luyện tập hát Xoan. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Từ khi hát Xoan được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ có những nghệ nhân hát Xoan như bà Sen, mà người dân địa phương cũng nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy di sản. Vai trò của cộng đồng trong gìn giữ di sản được phát huy tối đa khi các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được tỉnh Phú Thọ duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn, trao truyền di sản. Từ đây, hát Xoan được phổ biến rộng rãi, dần trở thành loại hình nghệ thuật dân gian được ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước.
Mặc dù là DSVH được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm nhưng việc bảo tồn, phát triển vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật mới khiến giới trẻ sao nhãng và có phần quên nghệ thuật truyền thống như hát Xoan. Thậm chí, có người còn "cải tiến" cách thể hiện trong biểu diễn nghệ thuật hát Xoan. Điều này làm ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của hát Xoan.
Những giải pháp đồng bộ về bảo tồn và phát triển
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp để gìn giữ di sản một cách tối ưu nhất. Trọng tâm là công tác bảo tồn các phường Xoan gốc và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này trong cộng đồng. Đồng thời quan tâm xây dựng cơ chế chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ phù hợp cho các nghệ nhân.
Từ các phường Xoan gốc, hiện nay khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh hiện có 33 câu lạc bộ (CLB) cấp tỉnh với hơn 1.500 người tham gia thực hành hát Xoan và nhiều CLB hát Xoan cấp xã, huyện... Tỉnh Phú Thọ đã mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghệ nhân hát Xoan kế cận và lớp cho cộng đồng. Trước đây, toàn tỉnh chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận. Nghệ thuật hát Xoan cũng được tỉnh Phú Thọ đưa vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh trong các nhà trường.
Ngoài ra, nghệ thuật truyền thống này còn được các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Tại Lữ đoàn 604, Quân khu 2, hát Xoan là tiết mục không thể thiếu trong các buổi liên hoan văn nghệ. Thiếu tá QNCN Ngô Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 604 cho biết: “Chúng tôi là những chiến sĩ đóng quân trên đất Tổ, vì vậy mong muốn chung tay bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xoan của địa phương. Hằng năm, hội phụ nữ của các đơn vị trên địa bàn đều tổ chức những buổi liên hoan văn nghệ, trong đó hát Xoan là một trong những tiết mục không thể thiếu”.
Giờ đây hát Xoan dần được cộng đồng nhiệt tình đón nhận, lứa tuổi tham gia hát Xoan đang dần được trẻ hóa. Nhiều học sinh bày tỏ niềm yêu thích với hát Xoan sau khi tham gia các lớp luyện hát tại các CLB hát Xoan, phường Xoan gốc ở Phú Thọ... Vừa qua, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 15 loại hình DSVH phi vật thể của nước ta có dịp hội tụ, giao lưu, trình diễn tại Phú Thọ. Tại đây, các loại hình DSVH phi vật thể, trong đó có hát Xoan được đông đảo khán giả chào đón, thưởng thức. Có thể nhận thấy, việc quan tâm bảo tồn, phát triển hát Xoan sẽ góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc có từ thời Hùng Vương trong thời kỳ hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ.
HẠ ANH