Có lẽ trên bãi thả diều không chỉ riêng tôi là người lớn mà vẫn còn thích thú với bộ môn thả diều này! Là một trong số ít những trò chơi tuổi thơ từ thời xưa không bị "hạ gục" bởi các trò chơi trên thiết bị điện tử thông minh ngày nay, thả diều đã "lấy lòng" được mọi thế hệ, không màng tuổi tác. Trẻ nhỏ thích chơi thả diều bởi sắc màu sặc sỡ, bởi sự hiếu kỳ của một tâm hồn trong trẻo, thơ ngây khi thấy một cái nhỏ bé có thể vươn tới cái rộng lớn của bầu trời và có lẽ là vì cảm giác được khám phá, được thử thách, chiến thắng khi cánh diều tung cao căng gió, chao nghiêng cùng đám bạn. Đối với người lớn thì cánh diều lại mang theo những ước mơ, khát vọng lên lưng trời, mọi gánh nặng đời sống thường nhật cũng bay hết, chỉ còn cảm giác thư thái, yên bình.

Chơi diều dù chỉ là giải trí nhưng cũng tốn không ít tâm sức để đạt tới độ mỹ mãn, như câu ca truyền miệng: “Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Bởi khi diều lên thì mỏi cổ để ngắm, lúc diều đổ (rơi) thì mỏi chân đi tìm, thu dây. Tuổi thơ của tôi, lúc kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, eo hẹp, chỉ được biết đến cánh diều từ bộ môn thủ công thời tiểu học. Những cánh diều thô sơ, mộc mạc từ giấy báo, giấy tập cũ, tấm nilon kết hợp với nan tre được vót tỉ mỉ làm khung cố định thân và mớ màu sáp, phấn màu thừa trên lớp học. Dây thả diều là dây xin được trong xóm, có khi là dây gân trong, dây giăng câu cá quấn lon sữa bò đã hết để tiện cầm nắm. Sở hữu một con diều tự tay mình làm là bao nhiêu tự hào, ngạo nghễ với bạn bè. Có những buổi chiều trốn cha, trốn má chạy riết để kịp giờ chiều thả diều chung với mấy đứa bạn. Nắng hè rát chân đứa trẻ tiểu học cũng không còn để ý tới nữa, chỉ biết mải mê chạy thật nhanh, giữ dây thật chặt, ngắm nhìn thật kỹ để điều chỉnh dây cho diều bay lâu và cao nhất. Những lúc xui rủi diều đứt dây là cả đám chạy theo níu dây lại. Chụp hụt coi như mất diều, bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển. Về nhà nhiều khi má đánh không khóc mà lại khóc vì tiếc con diều! Nhiêu đó thôi đã làm nên một phần tuổi thơ của tôi với con diều sặc sỡ, giá trị tinh thần là không sao kể hết.

leftcenterrightdel

Một buổi chiều thả diều ở miền quê Bến Tre. 

Dù những con diều ngày ấy không căng gió cao vút do thân xác "yếu ớt" dễ bị nát tan bởi những cơn gió xoáy nhưng nó cũng đã làm tròn sứ mệnh của một cánh diều, đó là làm bạn đồng hành với trẻ con mang ước mơ gửi vào bầu trời bao la. Mỗi con diều khi no gió bay cao ngút giữa trời như muốn nói rằng, ở đó không gian riêng để mỗi đứa trẻ thể hiện khát vọng tự do và những niềm vui bất tận.

Trẻ con thời nay thì có điều kiện hơn thời của tôi nhiều lần. Chỉ từ mười nghìn đồng trở lên là đã có hàng loạt lựa chọn: Diều cá mập, diều phượng hoàng, máy bay, Tom và Jerry hay gấu dâu đáng yêu... Những con diều đủ màu sắc, kiểu dáng, kích thước, được bày bán ở các tiệm tạp hóa, tiệm đồ chơi hoặc các xe đẩy ven đường. Với vài phút hướng dẫn cho cháu tôi cách thả, cách giữ dây, cách thu diều là nó đã rành rọt và thả diều được ngay lần đầu tiên thử sức. Có lẽ sự đơn giản này đã làm cho thả diều trở thành sở thích của rất nhiều người, nhất là trẻ nhỏ. Nhìn ánh mắt hồn nhiên của đứa cháu dõi theo cánh diều, tôi thấy trong đó ánh lên cả niềm vui sướng, hạnh phúc. Tôi chợt nhận ra nét trẻ con của mình ngày xưa ấy như đang hiện hữu nơi đây.

Vươn tới cao xanh khát vọng của đời
Diều no gió gửi niềm vui về mặt đất
Chỉ là giấy thôi mà trở thành ngọn nguồn hạnh phúc
Khi diều bay tóc trắng cũng thành xanh...

Bài và ảnh: VÕ THÀNH NHÂN