Trong không gian triển lãm, những bức tự họa tuổi 20 đến bức tự họa U.60; những bức tranh của lính, đến những bức tranh phố, tranh quê hôm qua và hôm nay giúp người xem hình dung ra những dấu ấn về lịch sử, văn hóa trong hơn 40 năm qua. Tại đây, người xem có thể thấy nhiều bức tranh giấy đã úa vàng thời gian mà màu vẫn thắm như các tác phẩm: “Bình minh sông Hồng”, “Bình minh sông Tô Lịch”, “Thư của lính”, “Sau cuộc chiến” hay “Đền Trình”... Có những bức tranh họa sĩ Lê Tiến Vượng vẽ phong cảnh ngày xưa giờ đã đổi thay không còn dấu tích như bức “Tre làng” hay “Chợ Tết làng Triều Khúc” và rất nhiều bức vẽ tại các địa danh giờ trở thành nơi lưu giữ dấu tích văn hóa và lịch sử một thời.
|
|
Chợ hoa ngày Tết (sơn Acrilic trên giấy báo, st năm 2022). Tranh của họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG
|
Điều khá đặc biệt là rất nhiều tranh của họa sĩ-nhà báo Lê Tiến Vượng từ lúc tuổi đôi mươi đến nay được anh vẽ trên giấy báo, một chất liệu vừa dai rất bám màu cùng với chữ to nhỏ ẩn hiện dưới các lớp màu tạo nên sắc thái huyền ảo cực kỳ thú vị. Họa sĩ Lê Tiến Vượng tâm sự rằng, là nhà báo nên anh dùng báo làm giấy vẽ để gửi những “thông điệp ngầm” đậm chất đồ họa vang vọng âm thanh chữ nghĩa “trầm tích” sau những màu, sắc, mảng miếng là nhịp điệu của hình, của nét làm cho việc cảm thụ bức tranh thêm thú vị.
Một mảng tranh về vùng cao của anh cũng vô cùng ấn tượng, đẹp như cổ tích. Những phiên chợ Tết, mùa xuân hoa đào đỏ thắm, hoa mận nở trắng núi rừng... Người dân vùng cao với nhiều sắc phục sinh hoạt khác nhau nhưng đều giống nhau là sống trên những ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc. Những dãy núi xa mờ trong sương hay trong nắng đều rất nên thơ, mộng mơ và hư ảo. Tuy đời sống đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng lại được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tươi đẹp. Những bức tranh về vùng cao của họa sĩ Lê Tiến Vượng luôn có hình bóng trẻ em ở các miền quê khác nhau. Dường như anh khá “ưu ái” khi thể hiện hình ảnh các bé trong những sáng tác của mình. Các bé đều được ăn mặc đẹp, được vui chơi thỏa thích, bé nào cũng xinh xắn, dễ thương...
|
|
Chợ Tết vùng cao (bột màu trên giấy báo, st năm 2021). Tranh của họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG
|
Giống như thơ, tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng cũng nhẹ nhàng, dịu dàng như tâm hồn anh vậy. Với những con đường làng xanh mướt bóng cây, lung linh ánh nắng, nơi thấp thoáng những người quê với nón mê chân đất, những phiên chợ đông đầy huyền ảo. Những ngôi nhà thờ, ngôi chùa, thấp thoáng xa mờ như những ca từ trong bản hòa ca “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...”. Xem tranh của anh, người xem cũng dễ nhận ra sự mượt mà, óng ả với những gam màu xanh, nâu ốc chủ đạo, dù là vẽ về làng hay phố. Những vệt nắng loang loáng tạo nên các sắc màu lung linh, rung rinh, nhẹ nhàng như cung đàn dân ca nghe thiết tha mỗi buổi trưa hè. Khi xem Triển lãm “Sắc màu phố-quê”, họa sĩ Lê Tâm bày tỏ: “Tranh của Lê Tiến Vượng không "hack não”, không chơi trò ú tim, đánh đố người xem, cái gì ra cái đó nhưng với bút pháp giản dị, phóng khoáng, những hòa sắc tinh tế, uyển chuyển từng nét, từng màu, hiện thực mà lãng mạn đan xen”.
Bên cạnh các bức tranh mang đậm hồn quê, thì các bức tranh về phố như “Phố xưa” hay “Phố mơ”... đều là những ký ức mong manh về những góc phố ngày nào trong ký ức, trong tiềm thức của anh chứ không hẳn con phố của thực tại. Những mái ngói nhấp nhô trên phố, những người bán hàng rong, liêu xiêu quán cóc, những con người mưu sinh loanh quanh hè phố như tiếng thì thầm về một Hà Nội hôm qua, đơn sơ mà vẫn đẹp mộng mơ. Anh vẽ phố mà như kể chuyện phố bằng những nét màu “nguệch ngoạc, run rẩy” hòa sắc nhẹ nhàng về miền ký ức với gam màu nâu, vàng, hồng và ghi nhạt... Tranh nhìn xa như phủ một lớp bóng kính mờ của thời gian đang tan trong không gian phố, vừa gần gũi lại vừa xa xôi, để người xem bỗng thấy thêm yêu những kỷ niệm và trân trọng những góc phố, mỗi con đường Hà Nội ngàn năm văn hiến.
|
|
Tháng ba (bột màu, st năm 1991). Tranh của họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG
|
Tranh Lê Tiến Vượng không thấy dùng màu mạnh mẽ hay tương phản “gây sốc” hoặc “thách thức” các chuẩn mực hàn lâm như nhiều họa sĩ phương Tây đang dùng, hay vẽ về những “nhục thể” vẽ “người giống ma kêu la quằn quại” hay những bức nuy phá cách của các họa sĩ tân hình thức ở châu Âu từ thế kỷ 19... Họa sĩ-nhà báo Lê Tiến Vượng thường nói với bạn bè rằng: “Tôi thuộc phe nhà quê la lê thành phố”. Cái tạng anh chỉ hợp với những thứ hoài niệm, lãng đãng gần gũi với mọi người, tranh của anh không phô trương, âm thầm nhưng quyết đoán như khúc dân ca.
Ở tuổi 60 nhưng bút lực của anh rất dồi dào và khá tươi trẻ. Và có thể nói, qua Triển lãm “Sắc màu phố-quê" với những bức tranh đều mang đậm tình phố-hồn quê cho ta cảm thấy, tranh Lê Tiến Vượng dễ cuốn hút ngay từ những cái nhìn đầu tiên vì nó rất gần gũi với mọi người, mọi nhà dù là phố hay quê, nông thôn hay thành thị...
QUỲNH ANH