Họa sĩ Quách Phong (Quách Văn Phong, Nguyễn Anh Việt) sinh năm 1938 tại miền quê sông nước Vĩnh Long. Từ nhỏ, cậu bé Phong đã có năng khiếu hội họa. Đúng lúc Trường Mỹ thuật trung cấp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) có chính sách nhận 10 học sinh là con em đồng bào miền Nam để đào tạo nguồn, với năng khiếu bẩm sinh, Quách Phong nhanh chóng được chọn. Quá trình học tập xuất sắc, Quách Phong được đặc cách từ bậc trung cấp lên cao đẳng.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Quách Phong. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngày ấy, các bạn trong lớp thường gọi Quách Phong là "Phong Pavel" (nhân vật Pavel Corsaghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của văn học Xô viết), bởi triết lý của Pavel như đã ngấm vào máu thịt ông: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Khát vọng của tuổi trẻ là được hiến dâng cho Tổ quốc. Suy nghĩ đi đôi với hành động, trong lúc các bạn đồng trang lứa chuẩn bị bước vào kỳ cuối chuẩn bị ra trường thì ông quyết định gác việc học để vào miền Nam chiến đấu. Tạm biệt thầy cô, bè bạn, tạm biệt mái trường thân yêu, chàng thanh niên Quách Phong khoác ba lô vào chiến trường với quyết tâm: “Chưa hết giặc ta chưa về”.

Quách Phong được biên chế vào Quân khu 6, tham gia cùng Tiểu đoàn 840 trên địa phận tỉnh Phước Long (trước đây), một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự, nơi quân địch thường xuyên quấy phá. Chiều 30 Tết Mậu Thân năm 1968, vì nhiệm vụ cấp bách, thay vì chuẩn bị bữa Tết tươm tất cho bộ đội, anh em phải bào củ sắn gói bánh tét mang theo để kịp hành quân.

Vào đến Tiểu khu Phước Long, đơn vị bị quân địch phát hiện và tấn công bất ngờ. Nhiều đồng đội hy sinh, còn Quách Phong bị thương và ngất đi. Lúc tỉnh dậy, thấy người bê bết máu, ông cố lết vào một gốc cây gần đó rồi bất tỉnh, sau đó được dân công hỏa tuyến chuyển về tuyến sau. Trong thời gian điều trị, thấy ông gầy gò, ốm yếu, cấp trên linh động cấp 30 lon gạo/tháng để bồi dưỡng cho ông mau lại sức. Khi thấy anh em ăn củ mì thay cơm, ông chủ động góp số gạo ít ỏi của mình để cùng ăn chung...

Kể đến đây, giọng ông nghèn nghẹn, bảo: “Thời khắc Giao thừa, mọi người thường trở về quây quần bên gia đình, nhưng tình thế lúc đó không thể khác được”. Bây giờ, cuộc sống đủ đầy, nghĩ về đồng đội năm xưa, lòng ông bỗng chùng xuống. Cái thời gian khổ, thiếu thốn về vật chất nhưng sâu đậm nghĩa tình.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Nắng tháng năm” của họa sĩ Quách Phong. 

Trưởng thành trong chiến đấu, họa sĩ luôn trăn trở với đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng. Ông cho rằng, đề tài này rất phong phú, đa dạng và sinh động, họa sĩ có thể sáng tạo bằng các ngôn ngữ tạo hình khác nhau, không nên cố gò vào hình ảnh ba lô và cây súng quen thuộc. Quân đội ta hiện nay không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước ở các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, thể thao...

Năng lượng lao động nghệ thuật của họa sĩ Quách Phong thật đáng khâm phục. Được chứng kiến sự kiện ngày 30-4-1975 lịch sử, ngay trong đêm đó, tác giả đã cho ra đời tác phẩm “Nắng tháng năm” với hình ảnh đoàn viên của hai miền Nam-Bắc. Nổi bật giữa rừng cờ hoa là những tà áo dài của nữ sinh Sài Gòn đón bộ đội tiến về thành phố. Trong niềm vui hân hoan không chỉ có nụ cười mà còn cả giọt nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ. Rồi hàng loạt tác phẩm khác như: “Tiến về Sài Gòn”, “Mùa gặt mới ở Củ Chi”, “Xuống đường Mậu Thân 1968”... đã mang về cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Ngoài ra, ông còn lưu giữ số lượng lớn các ký họa được vẽ ở chiến trường...

Cuộc đời của họa sĩ Quách Phong vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu là khi ông tham gia đoàn học sinh miền Nam vào gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Cả đêm Quách Phong háo hức mong trời nhanh sáng để thưa với Bác về kết quả học tập, rồi cả nguyện vọng sau này học xong sẽ mang kiến thức phụng sự Tổ quốc. Vậy mà khi gặp Bác, cậu học trò bé nhỏ ấy vô cùng xúc động, đứng tần ngần ngắm Bác mà không nói nên lời. Bác Hồ ân cần đến bên xoa đầu, hỏi chuyện từng cháu việc học tập ra sao, có gặp khó khăn gì trong sinh hoạt không... Nhìn Bác thật giản dị, gần gũi mà vĩ đại. Lần thứ hai, ông được gặp Bác là khi Người đến thăm trường mỹ thuật. Lúc đó đang trong giờ học, ai nấy đều say sưa vẽ, chân tay, quần áo lấm lem màu sắc. Bác đến thăm nhưng không báo trước, đi thẳng vào phòng bếp, xem chỗ ở, rồi vào phòng học của các sinh viên. Bác đến quá bất ngờ, mọi người cùng reo lên rồi ùa chạy tới vây quanh Bác. Ai cũng muốn đứng thật gần bên Người để nghe lời căn dặn và cảm nhận tình cảm đặc biệt của Bác Hồ kính yêu. Thời khắc ấy mãi khắc ghi trong tâm trí cậu học sinh miền Nam ngày nào và trở thành động lực to lớn giúp ông vượt qua mọi khó khăn sau này.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng hằng ngày, họa sĩ Quách Phong vẫn cần mẫn sáng tạo nghệ thuật, gấp rút hoàn thiện bức tranh “Lịch sử Việt Nam” dài hàng trăm mét, thể hiện nhiều nội dung theo dòng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nếu hoàn thành, hứa hẹn đây sẽ là bức tranh sơn mài truyền thống lớn nhất Việt Nam. Tâm nguyện của họa sĩ là tác phẩm sẽ sớm đến với công chúng Hà Nội trong một dịp đặc biệt. Có thể nói, món quà tinh thần này chính là lời tri ân sâu sắc mà tác giả muốn dành tặng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

PHÙNG MINH