Tôi biết ông từ đầu thập niên 2000, khi tôi mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên, rồi thư ký tòa soạn. Thời ấy internet còn chưa phổ biến lắm, nên các họa sĩ khi vẽ minh họa xong thường đích thân mang đến tận tòa soạn, đưa tranh cho chúng tôi scan. Và mỗi lần như vậy là anh em chú cháu lại tranh thủ chuyện trò dăm ba câu, cũng có khi cả buổi. Tôi và các đồng nghiệp thường gọi họa sĩ Nguyễn Đăng Phú theo cái cách thân mật: Chú Phú.

Minh họa của ông rất dễ nhận ra. Những đường nét mềm mại tròn trĩnh hoàn chỉnh, những mảng màu tinh tế, những vạt áo hay cánh tay, mái tóc, ánh mắt, khuôn miệng... của nhân vật vừa sống động vừa có cái gì đấy huyền hoặc kỳ ảo, hư hư thực thực. Vẽ minh họa mỗi người một phong cách, một lối tư duy. Có người vẽ theo tinh thần tác phẩm, tác phẩm nói đến điều gì thì minh họa diễn đạt điều đó. Có người chỉ lấy tác phẩm văn học làm cái cớ, làm cảm hứng để vẽ. Có người dung hòa giữa hai cách trên... Phong cách minh họa của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú có lẽ nằm ở cách thứ 3. Vừa như nhân vật văn học đấy, lại cũng vừa như một nhân vật phái sinh, lay động tâm trí người đọc bằng một cảm xúc khác.

Tôi rất ấn tượng với ông ở cách làm việc. Dù là vẽ một vài bức vi nhét nhỏ như bao diêm hay minh họa nửa trang, cả trang, tràn hai trang, bao giờ ông cũng cẩn thận, tỉ mẩn như nhau. Chưa bao giờ tôi thấy ông quấy quá tạm bợ cho xong. Cái lối làm việc như thế cho thấy một người luôn tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng bản thân, tôn trọng công chúng. Chúng tôi rất quý ông. Sự quý mến bắt nguồn từ một thứ đồng điệu nào đấy giữa những tâm hồn nghệ sĩ, lại cũng bao gồm cả việc nể trọng cái tài, cái sự đức độ mực thước của một trí thức. Mỗi khi ông đến, trong tay cầm phong bì đựng minh họa, cái dáng cao lớn thong dong đi giữa hành lang hơi tối của ngôi nhà cổ, tôi nhìn thấy ông từ sau lưng là thế nào cũng cất tiếng chào to. Ông ngoảnh lại, mỉm cười: “Bích Thúy đấy à!”, hoặc là: “Chào Bích Thúy nhé!”. Lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, điềm đạm, từ tốn. Anh em chú cháu sẽ ngồi trong cái phòng của anh Xuân Hải-họa sĩ trình bày tạp chí, luôn ngổn ngang các loại giấy tờ bản nháp, giá vẽ, màu, chổi, cọ... và sực mùi sơn. Ông đưa phong bì đựng tranh, tôi thường nhanh nhảu nhận lấy, mở ra xem trước. Bao giờ ông cũng ghi chú cẩn thận tên tác phẩm văn học, kiểu như ông sợ chúng tôi hấp tấp láu táu lại "râu ông nọ cắm cằm bà kia".

leftcenterrightdel

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, chân dung tự họa.

Chúng tôi ngồi quanh ấm trà, bên ngoài ô cửa sổ là khoảng sân nhỏ, thỉnh thoảng lá của mấy cây nhãn lại rụng bay lất phất. Chúng tôi ồn ào, nói to, nói nhiều. Ông chậm rãi, nói nhỏ, chỉ đủ nghe, nhưng từng câu nói của ông đều hàm chứa những ý tứ, ngữ nghĩa sâu xa, thâm thúy. Ông cũng là người hài hước. Thỉnh thoảng tự trào. Thỉnh thoảng nói về một vài hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội với cái vẻ tỉnh queo mà ai ai cũng phải bật cười. Ông nói về việc ra vào bệnh viện chữa bệnh trọng mà cứ như đọc kịch bản phim hoạt hình, rất lạc quan, vui nhộn.

Nhiều năm trước, Nguyễn Đăng Phú là một trong những họa sĩ có tiếng của ngành thiết kế đồ họa ở nước ta. Thậm chí đồng nghiệp còn gọi ông là "Vua tranh cổ động". Ông là một trong 5 người tốt nghiệp cử nhân tranh cổ động mà cho đến nay vẫn là khóa đào tạo duy nhất trong nước của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Những năm làm việc ở Báo Hải Phòng là những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, ông có rất nhiều bức ký họa trực tiếp cái không khí ấy ở đất cảng.

Sau này, ông có gần 10 năm sống ở Ba Lan-quốc gia có nền đồ họa phát triển và là nơi duy nhất tổ chức triển lãm thường kỳ hai năm một lần tranh cổ động toàn thế giới. Có lẽ đó là quãng thời gian đặc biệt hạnh phúc với một họa sĩ say mê tranh cổ động như ông. Về nước, ông vươn ra nhiều đề tài khác. Đồng nghiệp gọi ông là Phú "tre", vì ông vẽ rất nhiều về tre. Ông cũng đang chuẩn bị triển lãm chuyên về chủ đề này, nếu sức khỏe cho phép. Tre trong tranh Nguyễn Đăng Phú luôn đầy ắp hơi thở của làng quê Việt Nam. Cái hơi thở thanh bình, yên tĩnh, trù phú. Một niềm hạnh phúc êm ả. Ông phủ tràn lên những bức tranh của mình một màu biếc xanh, một niềm hân hoan kín đáo, một đời sống thong dong biết mình biết ta. Người ta thường nói, văn là người. Tôi nghĩ, họa cũng là người. Nhìn tranh thấy người. Nhìn tranh Nguyễn Đăng Phú thấy một người họa sĩ nhân hậu, nhu hòa, điềm tĩnh. Tự tin mà khiêm nhường. Sâu sắc mà tinh tế. Cẩn trọng, kỹ lưỡng mà khoáng đạt.

Và trong tập mới nhất vừa vào nhà in có hơn 100 bức tranh ở các đề tài khác, theo phong cách hiện đại. Rất nhiều trong số này vẽ các thiếu nữ. Những cô gái mặc áo dài, hoặc khỏa thân. Điều mà tôi thích nhất ở những bức vẽ khỏa thân là sự tinh khôi. Đó giản dị là vẻ lộng lẫy tạo hóa ban tặng, như là một đóa hoa hay những tia nắng ban mai, bình yên, thản nhiên, gợi cảm, lay động. Vậy thôi. Không mảy may thô thiển. Ranh giới giữa cái đẹp và sự thô thiển vốn dĩ rất gần, dù là trong văn chương hay hội họa. Một người nghệ sĩ đích thực sẽ luôn có cảm xúc tinh tế trước cái đẹp và biểu lộ nó bằng sự trân trọng. Nhất định nó phải được biểu lộ bằng sự trân trọng. Người xem sẽ thấu hiểu được điều đó.

leftcenterrightdel

 Em bé tưới rau, tranh sơn dầu (năm 2008).  Tranh của Nguyễn Đăng Phú 

Nguyễn Đăng Phú là người cẩn trọng và kỹ lưỡng. Tôi nhớ mình đã từng băn khoăn rằng, giữa cẩn trọng và phóng túng, liệu có sự triệt tiêu nhau hay không? Người cẩn trọng liệu có bớt thăng hoa đi không? Hay là khi thăng hoa thì người ta nhất thiết phải phá bỏ mọi nguyên tắc? Lao động nghề nghiệp của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú không khẳng định hồ nghi của tôi là đúng, mà ngược lại. Trong tập tranh của ông có những bức vẽ vợ, vẽ con trai, cả tự họa, hay rất nhiều những bức khác mà trong đó chỉ có một/một số rất ít chi tiết để người ta nhận ra ông vẽ gì. Tôi nghĩ cách thể hiện này rất khó. Nó giống như khi một nhà văn viết tiểu thuyết, cho dù tôi có mô tả bao nhiêu đi nữa thì người đọc cũng sẽ rất khó cảm nhận sắc nét tính cách nhân vật. Nhưng chỉ cần tôi chọn được một chi tiết trong một hành vi nào đó cụ thể, ai ai cũng có thể nhận ra nhân vật đó thế nào.

Tranh có lẽ cũng vậy. Những đường nét, cấu trúc, điểm nhấn, mảng màu... toát lên tính cách nhân vật vừa mơ hồ vừa rõ nét. Có một bức ông vẽ em bé đang tưới rau bằng một chiếc ô roa. Những tia nước đang bắn ra nhiệt thành và vui vẻ. Vạt của chiếc váy em mặc xòe rộng. Tôi cảm thấy được niềm vui của bé gái ấy, khi em nhìn thấy những chiếc lá rau vươn ra và đón những tia nước trong veo mát rượi rơi rào rào. Có một bức ông vẽ buổi sáng, với những vệt màu hồng của những tia nắng. Chúng nhuộm hồng luôn cả cơ thể tròn trĩnh của cô gái. Hoặc là có hai bức cất vó. Chúng rộn rã biết bao nhiêu khi người ta có thể cảm thấy tiếng cá tôm đang nhảy lách tách khi vừa rời khỏi mặt nước...

Những bức tranh in trong hai cuốn gần nhất, chủ yếu ông dùng bột màu và sơn dầu. Tôi không biết với mỗi họa sĩ thì chất liệu có ý nghĩa thế nào. Nhưng một trong những chất liệu mà tôi thấy hình như ông thuộc nhất, làm chủ được nó một cách kỳ diệu và tuyệt vời nhất là bột màu. Nếu bột màu có linh hồn, chúng sẽ luôn thật hạnh phúc vì ông đã khiến chúng cất cánh vào một thế giới khác, một thế giới đẹp đẽ tinh hoa. Chúng biến chuyển một cách kỳ ảo, những mảng màu quện vào nhau như hơi thở, như những dòng nước. Hòa thuận và yên bình, tôn vinh và nâng niu, chiều chuộng được ham muốn thể hiện của ông.

leftcenterrightdel

Đợi chờ cũng là hạnh phúc, tranh sơn dầu (năm 2007).  Tranh của Nguyễn Đăng Phú

Ngắm tranh Nguyễn Đăng Phú, dễ hình dung ông đã và vẫn đang thong dong, thư thái, lặng lẽ làm việc trong cái thành phố rất ồn ào này. Ông là người luôn bình lặng trước những đánh giá, ghi nhận của công chúng. Đấy là cái bản lĩnh rất cần có của một người nghệ sĩ. Thang bậc giá trị của mỗi tác phẩm thể hiện khi nó đã rời khỏi trái tim, cảm xúc của người tạo ra, không phụ thuộc vào người nghệ sĩ nữa rồi.

Khát vọng của một nghệ sĩ là điều chính họ không bao giờ có thể thỏa mãn. Đó chính là lý do họ làm việc suốt đời, làm việc đến kiệt sức. Có một nhà văn rất nổi tiếng nói với tôi rằng, khi ông nằm liệt, điều khiến ông đau khổ nhất là không thể làm được gì trong khi cái đầu vẫn vô cùng minh mẫn. Còn người họa sĩ mà tôi rất quý trọng này, ông vẫn đang làm việc mỗi ngày. Bất kể sức khỏe thế nào, ông vẫn còn nguyên vẹn một trái tim nồng nhiệt và một tâm hồn luôn ứ tràn cảm xúc. Tôi tin là những bức tranh của ông luôn thật hạnh phúc vì chúng đã được tạo ra bởi một họa sĩ như ông, và ông chắc chắn cũng luôn hạnh phúc vì đã được làm cái công việc mà ông say mê suốt cuộc đời.

Ký chân dung của ĐỖ BÍCH THÚY