Với Lê Sa Long, đó được coi là trách nhiệm của người con Đồng Tháp “trả nợ” ân tình với thành phố đã cưu mang mình suốt hơn 30 năm qua để có được sự nghiệp hôm nay.
Ấm áp nghĩa đồng bào
Họa sĩ Lê Sa Long bắt đầu câu chuyện với tôi từ việc dẫn lại lời của nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu: “... Căn tính hào sảng do Sài Gòn vừa là đô thị trẻ, vừa là một bến cảng quốc tế mang tính hướng ngoại. Sông Sài Gòn thông với biển, có xu hướng mở và luôn ảnh hưởng bởi thủy triều. Từ 300 năm trước, Sài Gòn đã là thương cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế...”. Rồi anh khẳng định, ở thành phố này, bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh thể hiện tính bộc trực, hào sảng. Đó là những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mì “ai cần cứ lấy”, những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000 đồng, quần áo 0 đồng, những chuyến xe nhân ái, những giao dịch “đưa nhiêu đưa”, những ATM gạo, siêu thị 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng và những bữa ăn cho bà con nghèo... Tất cả đang hoạt động hết mình trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách vì dịch Covid-19.
Đó là lý do và cũng là chất liệu để Lê Sa Long thực hiện bộ tranh “Sài Gòn trong những ngày giãn cách” tái hiện phong cảnh, ký họa sinh hoạt của nhân dân thành phố trước sự tác động của đại dịch. Bộ tranh có 3 phần: “Chân dung đường phố Sài Gòn trầm lắng”, “Tình người Sài Gòn trong khó khăn”, “Những người hy sinh thầm lặng trên tuyến đầu”. Trước tháng 7-2021, việc gặp nhân vật thực tế để ký họa hay vẽ không khó, nhưng gần đây không thể ra khỏi nhà nên anh vẽ thêm “Những người truyền cảm hứng”. Chất liệu để vẽ "Những người truyền cảm hứng" được anh góp nhặt từ các phương tiện thông tin đại chúng và sự chia sẻ của bạn bè. Bởi thế, từ chia sẻ Facebook của Thiếu tá, nhà báo Vũ Thành Duy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ khoảnh khắc hình ảnh Đại úy Lê Văn Phúc (là một trong hơn 600 cán bộ, y sĩ, bác sĩ Học viện Quân y tình nguyện tham gia giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch) với phút chia tay con gái trước giờ lên đường.
Trong bộ ảnh của Lê Sa Long còn có nhiều bức vẽ về những tấm gương cao quý trong mùa dịch. Đó là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt ở tuổi 96 nhưng vẫn miệt mài may khẩu trang giúp đỡ người khó khăn. Rồi hình ảnh bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu (Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cạo sạch mái tóc trước giờ lên đường vào tâm dịch tại Bắc Giang cuối tháng 5-2021. Hay ca sĩ Hà Anh Tuấn-nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam tài trợ các phòng áp lực âm điều trị Covid-19, và còn rất nhiều, rất nhiều hoạt động thiện nguyện.
Họa sĩ Lê Sa Long tâm đắc với 3 chữ “nghĩa đồng bào” trong mùa dịch khi các tỉnh, thành phố trên cả nước đều hướng về TP Hồ Chí Minh với tâm thế “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Anh bảo, làm sao không cay khóe mắt khi đọc những dòng tâm sự của một người dân nơi “rốn lũ” Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị): “Chúng tôi kẻ ít người nhiều với tinh thần tương thân tương ái, ai cũng đồng lòng hướng về TP Hồ Chí Minh để động viên bà con thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Xin gửi chút tình của người miền Trung đáp tấm chân tình của người miền Nam năm ngoái đã giúp đỡ chúng tôi trong trận lũ lịch sử”. Hình ảnh bà con Hải Lăng góp từng bó rau, gom từng nắm muối, lọ mắm... gửi tặng người dân TP Hồ Chí Minh đi vào trong tranh của Lê Sa Long một cách tự nhiên, sống động.
Tình yêu và trách nhiệm
Trước đó, tháng 10-2020, họa sĩ Lê Sa Long đã triển lãm bộ tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng”, đồng thời ra mắt tập sách ảnh cùng tên. Sau đợt triển lãm, anh trích 80 triệu đồng đóng góp vào quỹ giúp người nghèo và ủng hộ tuyến đầu chống dịch. Anh cho rằng, nghệ thuật chính là tấm gương phản ánh chân thật cuộc sống. Hiện thực là đề tài vô tận cho các họa sĩ từ xưa đến nay và người họa sĩ phải luôn ý thức được trách nhiệm công dân của mình. Dù là với cách diễn đạt gì thì họa sĩ vẫn phải chuyển tải được hơi thở cuộc sống của thời đại mình mới gọi là thành công. Anh coi việc vẽ tranh như một cách để thể hiện nỗi đồng cảm với những khó khăn vì dịch bệnh của những người lao động ở thành phố, là sự khâm phục tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Đó cũng là cách bày tỏ tình yêu với TP Hồ Chí Minh theo cách của riêng anh.
Sinh ra ở Sa Đéc (Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (Bình Định), học tập và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, hơn 30 năm gắn bó với Thành phố mang tên Bác, có lẽ vì thế những cảm xúc khi sáng tác của anh luôn đồng điệu với nhịp sống nơi đây. Vẽ thành phố từ bên ngoài để thấy tâm hồn con người ở bên trong, đó là thông điệp, là tâm thế của họa sĩ Lê Sa Long từ khi lên ý tưởng cho đến lúc tác phẩm hoàn chỉnh. Anh vui mừng vì nghĩ rằng mình đã thể hiện tình yêu và trách nhiệm với thành phố này bằng đường nét và màu sắc. Thông qua những bức tranh và ký họa, anh muốn truyền đi thông điệp với người dân lúc này phải bình tĩnh, tin tưởng và tuân thủ vào các chủ trương, giải pháp của chính quyền các cấp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, anh cũng muốn lan tỏa sự thương yêu, nghĩa tình đồng bào trong đại dịch với niềm tin tưởng vào ngày chiến thắng không xa.
NGÔ KHIÊM