Có lẽ rất nhiều văn nghệ sĩ đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh như: Quỳnh Hoa, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Quốc Đại, Ngọc Hà, Hoàng Phi Kha, hay Khả Như, Lệ Trinh, Trịnh Kim Chi, Giáng My, Hồng Hạnh... chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cởi bỏ những bộ trang phục kiểu cách, những đôi giày, đôi dép yểu điệu và ánh đèn lộng lẫy trên sân khấu để mặc đồ bình thường đi làm những việc chưa bao giờ làm. Vậy mà khi đại dịch Covid-19 tràn về thành phố, họ trở thành các tình nguyện viên tích cực phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đi mua sắm giúp dân, hay hóa thân thành những người nội trợ đảm đang. Bước chân thanh thoát, đôi bàn tay mềm mại, giọng nói, giọng hát truyền cảm, từng làm đắm say khán giả khi ở trên sân khấu, màn ảnh, giờ lại rộn bước đến bệnh viện dã chiến, những khu cách ly, phong tỏa để làm bao việc lay động lòng người.

leftcenterrightdel

Các nghệ sĩ cắt tóc cho nhân viên y tế ở Bệnh viện dã chiến quận 12. Ảnh: Hoa Quỳnh

MC Quỳnh Hoa hiện là Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh. Những ngày dịch giã, chị đã tập hợp được 120 văn nghệ sĩ tham gia đội tình nguyện hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; hỗ trợ công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19; dọn dẹp ký túc xá làm khu cách ly; cung ứng thức ăn cho các khu cách ly và phong tỏa; vận chuyển hàng hóa, quà tặng đến các điểm chống dịch và khu cách ly; đi siêu thị giúp người dân khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ... Đội ngũ MC, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên có tiếng cũng không phải phấn son cầu kỳ nữa, mà hòa mình vào lực lượng chống dịch với những hoạt động đầy ý nghĩa và hiểm nguy. Quỳnh Hoa nói rằng: “Các thành viên của chúng tôi bắt nhịp với công việc nhanh lắm. Nhưng cái chính là phải bảo đảm an toàn. Tất cả mọi người đều phải thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, biết tự trang bị đồ bảo hộ và các kỹ năng để bảo vệ mình”.

Ca sĩ Phương Thanh trở thành “thợ” cắt tóc cho các nhân viên y tế; MC Đại Nghĩa, nghệ sĩ xiếc Hiển Phước “hành nghề” đi chợ giúp dân; MC Quỳnh Hoa, Mạnh Phương, Lý Ngô và ca sĩ Quốc Đại là những tình nguyện viên nhập số liệu, hỗ trợ lực lượng y tế điều phối lấy mẫu xét nghiệm cho người dân... là các điểm nhấn ấn tượng của lực lượng nghệ sĩ tham gia phòng, chống dịch ở Thành phố mang tên Bác. Phương Thanh tâm sự là chị quá liều, chưa bao giờ cầm “dao kéo” mà dám cắt tóc cho các y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến quận 12. Chị cười nói: “Với các bạn chuyên trang điểm thì việc cắt tóc là nghề, nhưng tôi thì lại là... liều. Tuy hơi nham nhở một chút ở đằng sau, nhưng nhìn chung là chấp nhận được”. Các nhân viên y tế không chỉ được các nghệ sĩ cắt tóc, “làm đẹp”, mà còn được nghe giọng ca ngọt lịm, lảnh lót của Quốc Đại, Quỳnh Hoa, Phương Thanh với những điệu dân ca, tình khúc sâu lắng để giảm đi sự căng thẳng, mệt nhọc trong những ngày làm việc vất vả.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ đi siêu thị mua hàng giúp dân. Ảnh: Quỳnh Hương

Với các văn nghệ sĩ nữ, việc mua sắm có thể là một thói quen, một sở thích, nhưng với các văn nghệ sĩ nam thì đó là một việc làm mới mẻ, nếu như không muốn nói là sở đoản. Ấy vậy mà khi vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đám mày râu lại tỏ ra khá lợi hại bởi sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh của mình. Nghệ sĩ xiếc Hiển Phước hằng ngày cùng thành viên trong nhóm tập hợp các cuộc gọi đặt hàng của người dân, sau đó phân loại ra từng mặt hàng để phân công nhau đến các khu trong siêu thị mua sắm cho nhanh. Nhiều khi mặt hàng người dân nhờ mua, siêu thị không có, anh và mọi người phải gọi điện lại hỏi ý kiến xem họ có đổi hàng khác hay hủy đơn hay không. Hiển Phước chia sẻ: “Tụi em phải lựa những loại rau quả, thực phẩm tươi ngon mới mua. Bà con đã gởi gắm cho mình, mình phải làm hết trách nhiệm”. Mua sắm xong, anh chị em nghệ sĩ lại vận chuyển đến giao cho từng nhà dân theo đơn đã đặt trước. Bà Bùi Thị Hạnh, ngụ ở đường Âu Cơ, quận Tân Phú nhận xét: “Được các cháu mua hàng giúp, chúng tôi rất yên tâm. Hàng thiết yếu được mua và giao tận nhà giúp chúng tôi đỡ vất vả, thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an toàn cho gia đình trong những ngày dịch này”.

Những ngày qua, đội ngũ văn nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp tham gia làm tình nguyện viên phục vụ cho công tác chống dịch, mà còn là những mạnh thường quân hỗ trợ người nghèo bằng tiền, hiện vật hay những bữa ăn từ thiện. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh sau vài ngày kêu gọi đã quyên góp được hơn 400 triệu đồng từ các học trò, nghệ sĩ. Số tiền này được sử dụng để mua lương thực, thực phẩm nấu cơm từ thiện tặng y, bác sĩ trong các khu cách ly và người nghèo. Ca sĩ Đan Trường, nghệ sĩ Việt Hương thì góp hàng chục tấn gạo hỗ trợ gia đình khó khăn và các bếp cơm từ thiện. Nhiều văn nghệ sĩ khác cũng góp sức bằng các tác phẩm nghệ thuật để tri ân, động viên, cổ vũ lực lượng chống dịch...

Hơn bao giờ hết, tấm lòng của các văn nghệ sĩ tham gia các hoạt động chống dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đang được mọi người ghi nhận và trân trọng. Từ những nghệ sĩ, họ đã trở thành những chiến sĩ thực thụ trên mặt trận chống dịch. Khi đã biến nơi tâm dịch thành sân khấu diễn của mình thì những việc làm tốt đẹp của các văn nghệ sĩ sẽ càng đọng lại trong trái tim mọi người. Đó là những bài ca vang mãi về tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào và ý chí quyết chiến, quyết thắng đại dịch của chúng ta trong ngày hè nóng bỏng này.
------------
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP
THANH HƯNG