Nhịp điệu của sự sống đôi khi thử thách loài người bằng những biến cố. Trong tình thế đối diện với những hiểm họa, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn, sinh mệnh của mỗi cá nhân và cộng đồng, một câu hỏi được đặt ra là, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ đã làm gì để thể hiện vai trò xã hội của mình?
Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã đặt nhân loại vào một trong những thử thách lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một lần nữa, nhân loại phải đương đầu với nguy cơ hủy diệt hàng loạt trên bình diện toàn thế giới. Biến cố ấy có lẽ sẽ còn được nhắc đến lâu dài trong ký ức loài người, trong văn chương nghệ thuật như một sự kiện trọng đại ở đầu thế kỷ 21. Từ góc độ chủ thể và hành vi can dự xã hội, trước hiểm họa Covid-19, các văn nghệ sĩ đã thể hiện một cách mạnh mẽ vai trò, sự ảnh hưởng của mình đến cộng đồng.
Trước hết, từ góc độ xã hội, sự lên tiếng rộng rãi, kịp thời của các văn nghệ sĩ, hưởng ứng và kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, cách ly, ứng phó với đại dịch, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế đã lan tỏa một cách mạnh mẽ. Văn nghệ sĩ vốn là người của công chúng, thường có đông đảo bạn bè, người hâm mộ theo dõi, tương tác. Vì vậy, tiếng nói của họ có hiệu quả khá to lớn trong việc hình thành ý thức, cập nhật và phổ biến thông tin đến cộng đồng. Không chỉ thế, các hoạt động chung tay góp sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 của văn nghệ sĩ cũng cho thấy sức ảnh hưởng và khả năng to lớn của họ. Về những đóng góp vật chất, theo thống kê không đầy đủ, nhưng có tính tiêu biểu, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã ủng hộ gần 2 tỷ đồng trang bị phòng cách ly áp lực âm cho người nhiễm virus Covid-19; ca sĩ Chi Pu quyên góp hơn 1 tỷ đồng, Hồ Ngọc Hà kêu gọi ủng hộ được 3 tỷ đồng, Tùng Dương quyên góp được 1 tỷ đồng… Còn nhiều nghệ sĩ khác đã ủng hộ (kêu gọi quyên góp) tiền, trang thiết bị vật tư y tế… để hỗ trợ các lực lượng chức năng trong quá trình đối phó với dịch bệnh. Có lẽ, con số thống kê sẽ nhiều hơn, nhưng đằng sau đó là hình dung về một cộng đồng nghệ sĩ đang góp sức mình một cách mạnh mẽ nhất có thể, chung tay cùng chính quyền, nhân dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Việt Nam đang ứng phó một cách chủ động và hiệu quả đối với đại dịch toàn cầu Covid-19. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã làm “rất tốt”. Dĩ nhiên, với sự khiêm tốn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đã nhận định, chúng ta đang làm “tốt”. Trong cuộc chiến này, mỗi chúng ta đến giờ đều nhận ra rằng, người Việt Nam “không để ai bị bỏ lại phía sau” (chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Vì một cộng đồng hiểu biết, văn minh và khỏe mạnh, tiếng nói, hành động của văn nghệ sĩ đã lan tỏa năng lượng tích cực đến toàn xã hội. Không chỉ ủng hộ, quyên góp vật chất, tuyên truyền, cập nhật thông tin, bằng năng lực chuyên môn, các văn nghệ sĩ đã thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình. Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, Tiktok, Zalo…) có thể thấy nhiều hoạt động của văn nghệ sĩ nhằm hưởng ứng chính sách đối phó với đại dịch của chính quyền và cổ vũ, khích lệ nhân dân phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Các MV ca nhạc, chương trình nghệ thuật trực tuyến, bức tranh cổ động, tác phẩm văn học… đã truyền đi thông điệp nhân văn, thiết thực, nhằm cùng toàn xã hội ngăn chặn đại dịch Covid-19. Một trong những tác phẩm tiêu biểu chính là ca khúc Ghen Covy của Khắc Hưng do hai ca sĩ Erick và Min thể hiện trở thành một hiện tượng gây sốt trên thế giới. Bài hát được chuyển sang nhiều ngôn ngữ và gây hiệu ứng cao trong cộng đồng đã minh chứng cho khả năng của nghệ thuật trong việc tác động đến ý thức phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng. Tương tự như vậy, bài xẩm Tiêu diệt Corona do Nguyễn Quang Long sáng tác, Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Nguyễn Quang Long, Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân trình bày, cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng. Ca khúc Việt Nam chiến thắng của Nguyễn Hải Phong, Việt Nam ơi! Đánh bay Covid của Minh Beta, Ước nguyện của Đỗ Phương, Chung tay phòng chống Corona của Lê Hồng Phúc… đã cho thấy thái độ, trách nhiệm và tinh thần vì cộng đồng của nghệ sĩ Việt Nam. Trong lĩnh vực hội họa, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu được hơn 100 tác phẩm, với ý tưởng rõ ràng, khúc chiết, gần gũi, góp phần tuyên truyền, phổ biến đến người dân ý thức-kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Mô hình tuyên truyền này đã được tờ Guardian của Anh đánh giá là hiệu quả đối với công cuộc kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn học, các hội văn học nghệ thuật cũng như cá nhân từng nhà văn, nhà thơ đã có những sáng tác trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện thái độ, suy nghĩ của mình trước cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh hiểm nghèo. Nhà thơ Lê Na (Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang) trong bài thơ “Làng mùa chống dịch Covid-19” viết: Tháng ba dài hơn chiếc đòn gánh/ Thung thăng làng quẩy nắng ra đồng/ Trẻ con phố về chơi với đất/ Cây khế vườn đủng đỉnh tím vào bông.
Không chỉ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, các văn nghệ sĩ, từ chính cuộc sống của mình cũng lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng. Trên mạng xã hội, các diễn viên, ca sĩ, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, những người nổi tiếng… đã từng ngày, từng giờ cập nhật đời sống của họ trong tình thế giãn cách xã hội. Theo đó, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, văn nghệ sĩ đã ở nhà, hạn chế tiếp xúc, hủy các chương trình nghệ thuật có sự tham gia của đông đảo công chúng. Giãn cách xã hội là một cơ hội để mọi người nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng được sống chậm, có thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình, người thân. Nhiều tài khoản mạng xã hội của các văn nghệ sĩ truyền đi hình ảnh họ tập thể thao tại nhà, làm bếp, chăm sóc cây cối, trở về với thiên nhiên vườn tược, quây quần bên gia đình trong bữa ăn đầm ấm… Có lẽ, cuộc sống bận rộn hằng ngày đã dừng lại hoặc biến tan đâu đó bên ngoài cánh cửa gia đình.
Những ngày giãn cách xã hội, con người có điều kiện sống chậm, nhìn ngắm lại các giá trị thiết thân với chính mình, từ đó phát huy mạnh mẽ hơn nhận thức, thái độ, hành vi của họ đối với cộng đồng. Không những thế, những dòng trạng thái (Status) trên mạng xã hội của các văn nghệ sĩ nhằm lan tỏa tinh thần “Chống dịch như chống giặc” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng. Thông qua những dòng trạng thái này, dù không chính thống, nhưng do có ý thức cập nhật và tinh thần trách nhiệm, nhiều thông tin bổ ích về công cuộc phòng, chống đại dịch của Việt Nam và thế giới đã được truyền tải tới mọi người. Cũng từ những văn nghệ sĩ này, các thông tin tiêu cực, sai sự thật, chưa được kiểm chứng cũng như những hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, ngược lại chủ trương phòng, chống đại dịch của Nhà nước đã được cảnh báo, qua đó đính chính kịp thời các luồng tin xấu độc, bịa đặt trên mạng xã hội và báo chí.
Trong cộng đồng văn minh, trọng tri thức và nghệ thuật, văn nghệ sĩ là lực lượng xã hội mạnh mẽ. Chính vì thế, tiếng nói của họ thực sự hữu ích trong việc lan tỏa các giá trị nhân văn, nhân đạo, thẩm mỹ. Xã hội loài người sẽ đi về đâu nếu năng lượng tích cực đó không được phát huy và lan tỏa? Những ngày cả thế giới căng mình vì đại dịch Covid-19, từ những bài thơ, bài hát, bức tranh, từ các hoạt động thiện nguyện hay thái độ ứng xử của văn nghệ sĩ đã cho thấy vai trò to lớn của họ đối với cộng đồng. Như một lý lẽ tất yếu, nếu đặt hiểm họa Covid-19 trong thế tương đồng với biến cố chiến tranh, thiên tai, tinh thần đoàn kết dân tộc, trên dưới một lòng của nhân dân ta đã được phát huy. Nhớ lại, những tác phẩm văn học nghệ thuật đã đồng hành với dân tộc suốt những năm chiến tranh, có sức mạnh như những đoàn quân, chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của những đóng góp kịp thời, hữu ích của văn nghệ sĩ hôm nay. Với ý thức đó, trên tinh thần chung của toàn xã hội-“Chống dịch như chống giặc”, chúng ta có thêm hy vọng để chiến thắng đại dịch Covid-19.
TS LÊ PHONG