Ông Phạm Văn Lãi, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu về sống ở quê nhà xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hơn chục năm nay. Suốt mấy chục năm công tác ở Văn phòng Chính phủ, ít ai biết, ông là chàng thanh niên Phạm Văn Lãi đã trèo lên tháp nước treo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong trại Davis, sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30-4-1975. Đây là nơi cao nhất phía cuối sân bay lúc bấy giờ ở TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh).

Tôi có may mắn nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và được cùng ông ôn lại những ký ức làm nhiệm vụ ở trại Davis năm 1975. Ông kể: "Sáng 30-4-1975, súng nổ ran bốn bề, tiếng AK, B40, B41 và DKZ nổ đanh từng loạt mỗi lúc càng gần. Lính ngụy trong sân bay tháo chạy hỗn loạn, nhưng vẫn có những nhóm tàn quân ngoan cố chống cự gây khó khăn cho lực lượng Quân Giải phóng.

Trong bối cảnh đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hội ý nhanh là phải treo được cờ lên cao để bắt liên lạc với bộ đội ta, giúp quân ta biết đúng vị trí của trại Davis, tránh nhầm lẫn đáng tiếc và cũng là làm nhụt ý chí của bọn tàn quân ngụy ngoan cố. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn quay sang giao nhiệm vụ ngắn gọn, đại ý là: "Đồng chí Lãi trèo lên tháp nước treo cờ, nhanh. Một đồng chí khác hỗ trợ cho đồng chí Lãi".

leftcenterrightdel

 Đồng chí Phạm Văn Lãi và đồng đội treo cờ trên tháp nước trong trại Davis sáng 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Nhận lệnh, chiến sĩ Lãi người gầy gò, dáng mảnh khảnh lao ra chân tháp và nhanh chóng trèo lên cao. Gió to và sự hồi hộp cũng làm khó anh một lúc. Nhưng rồi mọi chuyện cũng xong. Cờ bay phần phật trên cao. Người lính trẻ tụt xuống chân tháp trong vòng tay của những sĩ quan lớn tuổi, tất cả không cầm được nước mắt hạnh phúc. Thế là mấy năm chiến đấu trong lòng địch vì mục tiêu chung thống nhất đất nước đầy hiểm nguy đã gần đến hồi kết thắng lợi. Lúc ấy khoảng gần 10 giờ sáng 30-4-1975. Trong sân bay là cảnh hỗn loạn, ngổn ngang. Hai nhà kho và mấy chiếc máy bay, xe tăng đang cháy khói lên ngùn ngụt cao vài chục mét. Xung quanh tiếng súng gần hơn, thưa dần.

Một lúc sau, có một tốp bộ đội Quân Giải phóng tiến nhanh đến cổng trại Davis, quần áo và trên mặt các anh còn bám đầy bụi và tàn khói súng. Đây là đơn vị có nhiệm vụ tiến vào bảo vệ Phái đoàn Quân sự của ta, đề phòng bất trắc nếu địch có động thái xấu. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn dẫn cả hơn 40 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của phái đoàn ra đón. Tất cả ôm nhau trong nước mắt lẫn tiếng cười, tiếng nấc. Những lời hỏi thăm ngắn gọn, vội vã. Nhiều nhất là hỏi thăm quê để tìm đồng hương, để hy vọng ai đó biết được chút thông tin về gia đình, về làng mình. Đấy là tâm trạng người lính chiến, rất tự nhiên.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Lãi (bên phải) và đồng đội tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris (1973-2023). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đơn vị nhận nhiệm vụ vào bảo vệ Phái đoàn Quân sự của ta ở trại Davis là Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa đỏ nửa xanh cũng được đơn vị treo lên tháp nước bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng. Sau đó, Trưởng phái đoàn dẫn chỉ huy Đại đội 9 đi thăm hệ thống phòng thủ của phái đoàn trong trại, gồm phòng ẩn nấp, công sự chiến đấu, hào cơ động giữa các nhà. Đồng chí nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho phương án, nếu địch thủ tiêu đoàn thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ mình nếu các đồng chí chưa đến kịp... Mừng chiến thắng, phái đoàn xin tổ chức khao quân". Lễ ăn mừng diễn ra nhanh gọn với thịt hộp, bia Trúc Bạch, thuốc lá Điện Biên, chè Hồng Đào.

Cũng trong mấy ngày ngắn ngủi cùng bộ đội Đại đội 9 ở trại Davis, anh em cán bộ của Phái đoàn biết thêm những hy sinh không nhỏ của Trung đoàn 24 trong buổi sáng 30-4 trước khi vào đến sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ông Lãi cho biết, sau ngày hòa bình, mỗi khi đi công tác, có điều kiện, ông đều dành thời gian thăm lại khu vực trại Davis cũ nay đã có nhiều thay đổi và thắp hương tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng của Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 thuộc cánh quân hướng Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn đã không may hy sinh ngay trước giờ toàn thắng của dân tộc.

NGUYỄN NHÂN TỎ