Nơi đỉnh cao của cột cờ, nhìn lá cờ bay phần phật, nắng buổi sáng hừng lên, màu cờ thắm đỏ. Có thể tôi may mắn hơn những người khác, họ đến trước tôi vừa xuống, hay những người sau tôi tí nữa mới lên. Họ đã không được chứng kiến và cùng hòa vào bao người đứng chào cờ. Tôi lên đúng lúc đoàn cựu chiến binh của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Đồn Biên phòng Lũng Cú làm lễ chào cờ. Hàng tiêu binh bồng súng. Tiếng hát Quốc ca vang lên: "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca"... Hàng trăm người đứng lặng, nghiêm trang ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trên đỉnh núi Lũng Cú. Hàng trăm người cùng cất vang lời hát. Bên tôi, người cựu chiến binh già dòng nước mắt chảy. Và tôi, lòng cũng rưng rưng.

Đã hàng ngàn lần chào cờ, có lần chào đứng nghiêm, có lần chào nắm tay giơ thẳng. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in lần chào cờ trên đỉnh Trường Sơn, lần chào cờ ấy để tôi trở thành người đảng viên chính thức, người đảng viên ngày ấy đi vào cuộc chiến và dám nhận lấy hy sinh. Tôi nhớ, có lần chào cờ, chúng tôi đứng nghẹn ngào nước mắt. Trận đánh thắng mà đồng đội không về, trung đội vắng mất 10 người đứng dưới lá cờ chiến thắng. Các anh không kịp nhận ra mình đã hy sinh, các anh không cảm nhận được nỗi buồn. Nỗi buồn dành cho chúng tôi-những người ở lại. Tôi lại nhớ lần chào cờ ngay trước dinh Độc Lập sau ngày 30-4-1975. Buổi chào cờ ấy là lễ chào cờ trang trọng, hoành tráng nhất của cả một cuộc kháng chiến mấy mươi năm. Buổi lễ chào cờ đoàn tụ của hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà. Còn bao nhiêu lần chào cờ khác nữa. Những lần chào cờ như thế đã khắc ghi vào tâm trí tôi mãi mãi.

leftcenterrightdel

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Ảnh: HẢI ANH

Vậy mà hôm nay, đứng dưới Cột cờ Lũng Cú, dưới lá cờ lớn nhất đất nước, lá cờ 54 mét vuông, biểu tượng của 54 dân tộc. Dân tộc nào cũng có cha ông, có những anh hùng đã ngã xuống hy sinh, máu của họ đã tô cho lá cờ thắm đỏ. Máu của họ ở trên lá cờ đang tung bay kia. Tung bay phần phật trên đỉnh núi cao Lũng Cú. Lòng tôi thổn thức xốn xang. Lòng tôi nhận thấy có một cảm giác khác hẳn những lần chào cờ trước đấy. Ôi, lá cờ trên đỉnh Lũng Cú thiêng liêng. Tôi đăm đăm nhìn lá cờ, tưởng nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh, những người dân quê tôi đã ngã xuống dọc biên giới từ Bắc vào Nam, và thầm đọc bài thơ mà mình đã viết.

Không biết có phải lá cờ thấu được lòng tôi hay không mà cứ cuồn cuộn lên thành sóng. Ôi, lá cờ đang phần phật tung bay kia. Lá cờ đã nhuộm máu cha ông, nhuộm máu các anh hùng liệt sĩ đang tung bay, không chỉ tung bay ở Lũng Cú mà đang tung bay khắp một dải đất thiêng liêng này. Các anh hùng liệt sĩ hãy yên nghỉ thảnh thơi và ở trên đỉnh cao hãy ngắm non sông đất Việt. Non sông đang bình yên, như dòng sông sau những ngày giông bão, giờ đang bình yên bồi đắp phù sa trên đất quê mình.

Đứng dưới Cột cờ Lũng Cú

Cho tôi được một lần
Đứng dưới Cột cờ Lũng Cú
Hai đầu gối chạm đất
Hai tay nâng lời cha ông nhắn nhủ
Từ xa xưa gửi thế hệ hôm nay

Cho tôi được nắm trong bàn tay
Nắm đất miền biên giới
Nắm đất nhuộm máu bao đồng đội
Nằm dọc biên cương vẫn chưa gọi được tên

Đứng nơi đây tôi ngước nhìn lên
Tôi nhìn thẳng
Thấy đồng đội tôi đi trong khoảng nắng
Dọc biên cương phía Bắc biên giới Tây Nam

Thấy người dân quê tôi mặc áo chàm
Áo bà ba khăn rằn quấn cổ
Tất cả đang đi trong nắng đỏ
Cất lên câu hát gọi làng

Đứng nơi đây tôi lật từng trang
Bài học lịch sử đã thấm vào lòng đất
Bài học sắc như nứa cật
Cứa vào da thịt người quê

Đứng nơi đây gọi đồng đội tôi về
Nằm thảnh thơi dưới Cột cờ Lũng Cú
Tiếng phần phật lá cờ bay ru đồng đội tôi yên giấc ngủ
Bình minh thức dậy ngắm non sông.

 VŨ NGỌC THƯ