Nằm ở độ cao gần 1.400m so với mặt nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có khí hậu mát mẻ quanh năm. Một ngày ở Suối Giàng hội tụ cả 4 mùa: Ban đêm trời se lạnh; sáng sớm mây bồng bềnh che phủ khắp các bản làng; buổi trưa trời trong xanh, lộng gió; buổi chiều nắng vàng trải mượt các sườn đồi. Tuy nhiên, khí hậu chưa phải là đặc sản quý giá nhất của Suối Giàng. Thứ mà đồng bào Mông nơi đây trân quý nhất và giữ gìn từ đời này sang đời khác là "vương quốc" chè cổ thụ.
|
|
Bạch trà shan tuyết, một đặc sản của Suối Giàng. |
"Vương quốc" chè cổ thụ nằm lặng lẽ trên đỉnh Suối Giàng, có diện tích trên dưới 4,5ha, với khoảng 500 gốc chè. Những cây chè nơi đây đều thuộc hàng “bách niên”, tức là “trẻ” nhất cũng cỡ hơn 100 tuổi. Cây “cao niên” nhất hơn 300 tuổi. Những “cụ” chè có tán lá rộng cả chục mét vuông, thân to như cây lấy gỗ. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Những búp chè săn chắc được phủ một lớp áo trắng mờ nên được gọi là chè shan tuyết.
Khoảng dăm năm trở lại đây, Suối Giàng có sự đầu tư rất mạnh mẽ và quy mô nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với những điểm du lịch cộng đồng và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ du lịch xanh, bản sắc. Cùng với các hoạt động du lịch trải nghiệm, thưởng trà, khám phá văn hóa địa phương, khám phá hang động... Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã xây dựng thành công không gian văn hóa trà.
|
|
Không gian văn hóa trà Suối Giàng góp phần thu hút và níu giữ du khách đến với Suối Giàng. |
Không gian văn hóa trà Suối Giàng được thiết kế đơn giản, tận dụng những vật liệu địa phương như: Tường đá, ván pơ mu, cột chống và bàn ghế tre, trúc... Đặc biệt, khoảng không gian có tầm bao quát rộng, nhìn ra 4 hướng với những đỉnh núi xa mờ. Với mục tiêu bảo tồn giá trị đặc biệt của cây chè cổ thụ và văn hóa truyền thống địa phương, nhiều hoạt động đã được tổ chức trong Không gian văn hóa trà Suối Giàng. Du khách đến với nơi đây không chỉ thưởng thức các sản phẩm chè được chế biến từ những búp chè shan tuyết cổ thụ như: Diệp trà, hồng trà, bạch trà, hoàng trà mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất và giao lưu văn hóa, văn nghệ với đồng bào Mông.
Có thể nhận thấy, hoạt động của Không gian văn hóa trà Suối Giàng góp phần quan trọng thu hút, níu giữ du khách đến với Suối Giàng. Từ đó, cũng góp phần bảo tồn văn hóa địa phương và nâng tầm giá trị của chè shan tuyết.
Box: Chè Suối Giàng có hương vị rất đặc biệt nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Theo GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Quần thể chè cổ thụ Suối Giàng hiện nay được đánh giá rất cao về giá trị nguồn gien, giá trị du lịch và cả giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.
Bài và ảnh: HOÀNG OANH