Chắc không ai có thể xác định được văn hóa thưởng trà ở Việt Nam xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trà đã bắt nguồn, gắn liền với cuộc sống của người Việt. Đặc biệt, những danh nhân trong lịch sử nước Việt rất coi trọng thức uống phổ biến này. Với họ, trà không chỉ để thỏa mãn một thú vui ẩm thực, mà đã đi vào thi ca.

Khi Nguyễn Trãi về Côn Sơn sống đời ẩn dật giữa núi non, sông nước, trà đã giúp ông trút hết phiền muộn, bận rộn của cuộc sống quan trường. Nguyễn Trãi viết: “Mười năm cách biệt chốn gia san/ Tùng cúc, về thăm, đã mọc lan/ Thân ấy trót quăng theo gió bụi/ Ước xưa đà phụ với lâm toàn/ Quê hương về tưởng trong mơ mộng/ Binh lửa từng qua lắm hiểm gian/ Bao được non mây nhà một túp/ Trà chuyên nước suối, ngủ bên ngàn”. (“Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác”-bản dịch thơ của Trúc Khê).

 

leftcenterrightdel

Làm trà sen. ẢNH: HIỀN MINH 


Cao Bá Quát có nguyên một bài về thưởng trà: “Người ta không kể bề ngoài/ Bề ngoài diêm dúa sơ sài bên trong/ Tựa như trà ướp hoa ong/ Vị trà đã mất hương lòng mất theo/ Sáng ngày nước giếng trong veo/ Bỏ than thật nhỏ lửa reo giữa lò/ Nước sôi không khói không tro/ Hai bàn tay sạch thơm tho khề khà/ Uống trà cốt ở vị trà/ Nhiều hoa lắm lá hương trà sao thanh/ Đừng vì của hiếm hư danh/ Mà đem cái mũi tranh giành thực hư...” (“Vị minh tiểu kệ đồng Phan Sinh dạ tọa”-bản dịch thơ của Tường Vũ Anh Thi).

Thời hiện đại, Nguyễn Tuân, nhà văn sành điệu về thưởng thức trà, dù rơi vào cảnh túng bấn nhưng vẫn giữ nguyên thói quen hào hoa phong nhã uống trà tàu. Tâm sự của một thời dĩ vãng đã qua đi mãi mãi, tìm về thời vàng son của quá khứ đã được mô tả trong “Vang bóng một thời”. Hay Xuân Diệu, nhà thi sĩ của tuổi xuân, của tình yêu và ánh sáng, cũng thể hiện văn hóa trà trong “Chè suối Giàng” và “Chén nước”...

Thời kỳ đổi mới đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Cùng đó, nước ta phát triển mạnh sản xuất trà, trở thành một trong 10 nước sản xuất và xuất khẩu trà hàng đầu thế giới.

leftcenterrightdel

Một cách pha trà ngẫu hứng. Ảnh: HIỀN MINH 


Cách pha trà phổ biến của người Việt là trước khi pha phải tráng ấm bằng nước sôi, sau đó cho trà vào, đổ nước sôi và đậy kín nắp ấm. Đồng thời, tiếp tục rót nước nóng từ trên xuống phía bên ngoài ấm để giữ hơi và khiến từng cánh trà được ngấm đều. Khi thưởng trà, nhiều người thường có thói quen đưa trà ngang qua mũi để thưởng thức hương thơm. Tiếp đến, nhấp từng ngụm một cách chậm rãi để thưởng thức vị ngon của trà. Đây là cách pha trà mang tính phổ quát, dễ thực hiện, có thể áp dụng với mọi loại trà, mọi loại nước, mọi loại dụng cụ dùng để thưởng trà. Không theo bất cứ một quy chuẩn nào, việc pha trà, thưởng trà của người Việt đầy ngẫu hứng và sáng tạo, lại thể hiện điều cốt yếu nhất trong văn hóa trà Việt-cái tâm của người pha trà và của người thưởng trà. Người ta có thể bỏ qua những quy tắc cầu kỳ để cùng nhau quây quần bên tách trà, với khung cảnh dung dị, để có được trạng thái tâm hồn an yên.

Với người Việt, từ hàng nghìn năm qua, trà luôn giữ vai trò là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mỗi gia đình Việt Nam dù theo phong cách hiện đại hay truyền thống đều sở hữu một bộ tách ấm để pha trà. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường dùng tách trà mời khách thể hiện sự niềm nở đón tiếp, sự nồng nhiệt, tôn trọng của gia chủ đối với vị khách đến thăm nhà. Văn hóa trà Việt Nam còn thể hiện sự mộc mạc, chân thành, bình đẳng giữa các tầng lớp với nhau. Từ những người làm công việc cao sang cho đến những người nông dân hay cho dù bất kể là lễ, Tết hay hiếu, hỉ, thì tất cả người dân Việt đều uống trà, mời trà để thể hiện lòng hiếu khách.

NGỌC AN