Tháng 2-1965, chàng trai Nguyễn Thế Tuấn, 22 tuổi, quê gốc ở Thổ Quan (Hà Nội), theo gương hai anh trai là bộ đội từ thời chống Pháp, lên đường nhập ngũ về Trung đoàn 66. Bấy giờ, dù đang theo học đại học chuyên ngành mỹ thuật nhưng Nguyễn Thế Tuấn vẫn quyết định tạm gác lại niềm đam mê với hội họa để được ra trận như bao bạn bè cùng trang lứa. Hoàn thành thời gian huấn luyện chiến sĩ mới cũng là lúc Trung đoàn 66 của Nguyễn Thế Tuấn nhận lệnh vào tăng cường chiến đấu ở Mặt trận 44-Quảng Đà. Vậy là chiến sĩ Nguyễn Thế Tuấn chia tay gia đình lên đường vào Nam như ước nguyện.

Quá trình cùng đơn vị hành quân vào chiến trường, Nguyễn Thế Tuấn được đơn vị lựa chọn tham gia đào tạo nhanh lớp y tá và trở thành chiến sĩ quân y của đơn vị. Khu vực đảm nhiệm của Trung đoàn 66 bấy giờ là Điện Bàn, Quảng Nam. “Chúng tôi vào đến nơi đúng dịp Tết Mậu Thân 1968 nhưng vẫn không nghỉ đón Tết mà tổ chức chiến đấu ngay. Đây cũng là trận đầu tiên tôi được tham gia”, cựu chiến binh Nguyễn Thế Tuấn cho biết.

Hôm ấy, Đại đội 17 hành quân theo du kích dẫn đường và dừng chân bố trí trận địa tại vị trí được chỉ định. Khi pháo bắn chuẩn bị xong, lực lượng bộ binh của Trung đoàn xung phong. Các mũi tiến công hiệu quả, ta nhanh chóng chiếm được thị trấn Vĩnh Điện. Nhưng đến mồng 8 thì được lệnh rút lui do quân địch phản công mạnh. Chúng cho quân bắn, chặn các đường rút của bộ đội ta nên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị bị thương vong nhiều.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Thế Tuấn giới thiệu bức tranh của mình. Ảnh: TUẤN TÚ 

Chia sẻ với chúng tôi về khoảnh khắc đặc biệt ấy, ông Nguyễn Thế Tuấn không nén nổi xúc động. Trong ký ức của ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh đồng đội mình dũng cảm chiến đấu. Người trước vừa ngã xuống, lập tức có người khác thay thế và kiên cường bám trụ. Hay những đồng chí thương binh, với vết thương vừa được ông sơ cứu, máu còn loang trên lớp băng trắng nhưng vẫn yêu cầu được trở lại đội hình chiến đấu... “Nhìn đồng đội hy sinh ngay trên tay mà mình bất lực không giúp gì được, tôi không sao kìm được nước mắt”, ông Tuấn ngậm ngùi.

Ngày ấy, do có năng khiếu nghệ thuật và đã được đào tạo cơ bản nên ở chiến trường, khi có điều kiện, ông đều nhanh chóng ký họa lại hình ảnh của bộ đội trong cuộc sống chiến đấu mà mình được tận mắt chứng kiến. Bức tranh sơn dầu “Một kỷ niệm trong trận Mậu Thân 1968” khổ 90x100cm mà ông cho chúng tôi xem bản chụp lại, hoàn thành năm 2018, được ông vẽ lại trên cơ sở những “ký ức bằng chì” của mình. Ở đó có anh Chau-Mũi trưởng đang chỉ huy bộ đội tiến công theo vị trí thuận lợi; có các đồng đội của ông vượt rào đánh cửa mở; phía xa từ các lô cốt treo "cờ ba sọc", quân địch lũ lượt kéo nhau ra hàng... Ông tâm sự: “Mong muốn được sát cánh cùng đồng đội cho đến hết cuộc chiến của tôi không thể thực hiện khi tôi bị thương nặng do sức ép của bom địch đánh vào cầu Kỳ Nam năm 1970. Tôi phải ra Bắc điều trị rồi chuyển ngành về làm công tác đoàn ở Xí nghiệp Cơ khí Đống Đa”.

Trở về hậu phương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn tiếp diễn, ông vừa công tác vừa tham gia lực lượng dân quân, tự vệ của xí nghiệp, đảm nhiệm vị trí pháo thủ sử dụng súng máy 12,7mm chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác ở đơn vị cũ một thời gian rồi chuyển về Ban Tổ chức Trung ương cho đến năm 2004 thì nghỉ hưu theo chế độ. Thời gian làm chuyên viên ở Ban Tổ chức Trung ương, ông vinh dự tham gia thiết kế trong cả hai lần cấp thẻ đảng viên. “Đặc biệt ở lần thứ hai, tôi chính là người được giao thiết kế đưa ảnh Bác Hồ vào chiếc thẻ thiêng liêng này", ông tự hào cho biết.

Dịp tháng 9-2022 vừa qua, ông Nguyễn Thế Tuấn vui mừng đón nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Xuân Quý Mão này, thêm một tuổi Đảng, một tuổi đời, ông vẫn tiếp tục kể cho con cháu câu chuyện một thời ở chiến trường qua từng nét vẽ trên những bức tranh sơn dầu được hoàn thành từ miền “ký ức bằng chì” của mình.

BÍCH TRANG