Trưởng thành từ làm báo
Họa sĩ Lê Lam (1931-2022) tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh ra ở Đông Anh (Hà Nội). Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc. Vì yêu màu áo xanh người lính, họa sĩ đã bén duyên với Báo Quân đội nhân dân. Công tác tại Phòng Thư ký tòa soạn, ngoài nhiệm vụ trình bày báo, họa sĩ Lê Lam tích cực vẽ tranh cổ động tuyên truyền về chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm khích lệ tinh thần hăng say lao động sản xuất của nhân dân. Thời đó máy ảnh rất hiếm, vì thế mà những tin tức nóng hổi, những bài ghi nhanh từ chiến trường gửi về không có ảnh thì họa sĩ phải vẽ minh họa. Những bức vẽ không chỉ làm bài báo sinh động, mà thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ trước quân thù. Công việc rất áp lực nhưng ông luôn cảm thấy vinh dự được hòa chung không khí làm việc sôi động của những phóng viên chiến trường. Mỗi số báo từ tòa soạn gửi đi như món ăn tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ta chiến đấu trực tiếp ngoài mặt trận.
|
|
Họa sĩ Lê Lam (1931-2022) |
Với năng khiếu trời phú và niềm đam mê hội họa, năm 1958, ông được Nhà nước cử đi đào tạo tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Kiev (Liên Xô trước đây). Về nước, ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Bằng những kiến thức và kinh nghiệm có được, ông đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật tới các thế hệ học trò của mình. Trước đây, thỉnh thoảng tôi có dịp trò chuyện với ông, được ông kể lại, khi còn học tập bên nước bạn, thầy giáo người Nga dặn dò: “Các đồng chí là con dân Việt Nam, phải nỗ lực học tập thật nhiều để sau này phục vụ Tổ quốc”. Sự thân thiện, gần gũi và quan tâm sâu sắc của các thầy cô chính là động lực để ông vượt qua mọi khó khăn. Khi vào thăm bảo tàng nước bạn, được chiêm ngưỡng những tác phẩm kinh điển của các họa sĩ lừng danh càng thôi thúc ông quyết tâm học thật tốt.
Sinh ra ở miền Bắc, nhưng trái tim người nghệ sĩ luôn hướng tới miền Nam ruột thịt. Với “chất lính” có được của thời làm báo, ông tự tìm tư liệu để vẽ và mở triển lãm mang tên “Từ tuyến đầu Tổ quốc” nhằm ngợi ca tinh thần kiên trung bất khuất của những người con vùng đất thép. Triển lãm được nhiều đồng chí là cán bộ cấp cao của Đảng, Quân đội tới thăm và đánh giá rất cao cả về ý tưởng lẫn chất lượng nghệ thuật. Nhân cơ hội này, ông bày tỏ nguyện vọng được vào với đồng bào miền Nam để trực tiếp sáng tác. Lời đề nghị được chấp nhận, ước mơ toại nguyện, ông động viên người vợ trẻ tảo tần ở lại chăm sóc con cái, còn mình khăn gói lên đường. Nào ngờ chuyến đi kéo dài tới tận 9 năm sau, họa sĩ mới trở ra Bắc.
|
|
Tác phẩm “Dừng lại” của họa sĩ Lê Lam. |
Thành công về đề tài người lính
Sống và chiến đấu cùng nhân dân, nhân vật trong tranh của ông là những người con quê hương bình dị như: Má Hai, má Tư, ông Năm Châu Công, Út Tiên giao liên, lão đồng chí Sáu, bác Hai Hùng... Chứng kiến cảnh giặc Mỹ ném bom làm chết mấy chục cháu học sinh ở Linh Phụng (Bến Tre), lòng căm thù sục sôi đã thôi thúc ông vẽ lên tác phẩm “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Gần 10 năm làm việc, với hơn 3.000 bức ký họa cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Dừng lại”, “Đồng khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Người du kích Long An”... càng khẳng định tên tuổi và tài năng của họa sĩ. Đặc biệt là tác phẩm “Dừng lại” gắn liền tên tuổi họa sĩ Lê Lam về đề tài người chiến sĩ. Nhân vật trong tranh là chị Tư Cào, người không có một tấc sắt trong tay mà dám hiên ngang ngăn đoàn xe của địch ở Long An. Sự tương phản lực lượng giữa một bên là người phụ nữ yếu ớt, phía đối phương vũ khí tối tân hiện đại. Trên trời, máy bay quần thảo, dưới đất xe tăng cày nát, lính Mỹ lăm lăm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Trước họng súng kẻ thù, khí phách kiên trung của người phụ nữ Nam Bộ càng thêm vững vàng khiến chúng nể phục. Được biết, khi xem bức tranh ấy của họa sĩ Lê Lam, Bác Hồ đã nói: “Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem”.
Khi tuổi cao sức yếu, họa sĩ Lê Lam muốn có một triển lãm những tác phẩm của mình. Thể theo nguyện vọng của ông, gia đình đã tổ chức triển lãm tranh và ký họa chiến trường mang tên “Họa sĩ Lê Lam-một tấm lòng vì miền Nam” vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 2015. Tại đây, ông được gặp lại đồng chí, đồng đội, nhiều nhân vật từng xuất hiện trong tác phẩm của mình. Sau mấy chục năm gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, miệng thì cười mà nước mắt tuôn rơi. Họa sĩ khóc vì cảm động, hạnh phúc vì được sống lại giây phút tuổi trẻ huy hoàng. Từ đáy lòng mình, ông muốn nói lời cảm ơn chân thành tới đồng bào miền Nam đã chia ngọt sẻ bùi, tiếp thêm năng lượng, động lực để ông toàn tâm toàn ý cống hiến hết mình vì nghệ thuật.
Là người sống tình cảm, dễ gần, mỗi lần thấy cán bộ của Báo Quân đội nhân dân đến thăm, ông vui lắm, bảo cứ tự nhiên nhé, toàn người nhà mình cả rồi kéo ghế ngồi gần. Lão nghệ sĩ kể cho những người trẻ chúng tôi hiểu muôn vàn khó khăn, vất vả của nghề làm báo thời chiến. Từ cách sắp chữ chì, in ti-pô đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, đến vẽ minh họa bằng tay sau đó đồ lại trên bản giấy scan, rồi xuống nhà in theo dõi in ấn... câu chuyện như thước phim quay chậm nhắc nhớ bao kỷ niệm. Được cống hiến sức trẻ trong “ngôi nhà số 7” không chỉ là niềm tự hào, mà với ông, môi trường Quân đội đã rèn luyện bản lĩnh, nghị lực, tác phong để có thành công ngày hôm nay. Họa sĩ Lê Lam muốn chia sẻ nhiều hơn, tiếc là thời gian có hạn nên đành hẹn ông dịp khác. Chào tạm biệt ra về nhưng lão nghệ sĩ vẫn gọi với theo: “Lần sau tớ kể tiếp nhé, còn nhiều chuyện hay lắm”!
Tháng mười về, thu vàng vẫn giăng mắc trên từng con phố, ngôi nhà số 7 Phan Đình Phùng (Hà Nội) tấp nập đón bạn đọc gần xa đến chúc mừng Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên. Trong niềm vui chung ấy dần vắng đi những “cây cao bóng cả” của làng báo, những văn nghệ sĩ gạo cội từng đóng góp, cống hiến vào truyền thống vẻ vang của tờ báo hai lần anh hùng, hai lần chiến sĩ. Âu cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa! Ở nơi xa nào đó, chắc rằng họa sĩ Lê Lam cũng rất hài lòng như ông thường nói: “Tớ xa tòa soạn nhiều năm mà nghĩa tình trước sau vẫn trọn vẹn”.
PHÙNG MINH