Lên 15 tuổi, Minh bắt đầu đến với ca Huế rồi từ đó đến nay gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Dù trong gia đình em không có ai theo đuổi nghệ thuật, nhưng vốn yêu âm nhạc cổ truyền, học xong lớp 9, nam sinh này đã chọn Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế để vừa học văn hóa bậc trung học phổ thông, vừa theo đuổi chuyên ngành diễn viên sân khấu ca kịch Huế.

Sau những buổi học và công việc mưu sinh hằng ngày, chàng trai ấy lại lặng lẽ tìm hiểu thêm các kiến thức về ca Huế rồi rèn âm, luyện ca, học thuộc lời... Từ chất giọng bẩm sinh cộng với sự hướng dẫn, dìu dắt của các thầy, các cô và các nghệ nhân gạo cội, Minh ngày một trưởng thành trong cách xử lý, cách luyến láy, cách biểu diễn các làn điệu ca Huế. Minh tâm sự: "Sở trường của em là những bài bản lớn như làn điệu phú lục, 10 bản ngự, nam bình, cổ bản. Để ca được các làn điệu này không dễ. Học ở trường, học thêm từ các anh chị, cô chú và các nghệ nhân đi trước thì mới có thể xử lý một cách tinh tế các nốt luyến láy. Nếu không kiên trì và say mê thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng". Vậy là đêm đêm, trong góc phòng nhỏ, chàng trai ấy cứ miệt mài học lời, luyện thanh để ra mắt tác phẩm mới.

Theo Minh, điều khó nhất ở ca Huế là độ luyến láy khi ca, là sự hòa trộn đều đặn nhịp nhàng trong từng điệu phách, nhịp gõ và trong mỗi lời ca. Những bài điệu nam có tính chất nỉ non, ai oán nên khi ca phải làm sao lột tả cho được, từ cao độ đến nhịp phách để người nghe thấu cảm, đắm say... Từ đó, chàng trai xứ Huế đã không ngừng luyện tập để chinh phục được những lời ca, giai điệu vừa dân dã, vừa bác học với khát vọng phục vụ tốt nhất cho người thưởng thức. 

Dù bận rộn với việc học, nhưng đều đặn hằng tuần, vào mỗi tối thứ ba, Minh tham gia sinh hoạt và biểu diễn với các thành viên trong Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng tại địa chỉ 25 Lê Lợi, TP Huế. Trong chiếc áo dài, khăn đóng truyền thống, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Minh níu giữ hồn người khi cất lên các làn điệu cổ bằng chất giọng trầm ấm theo tiếng gõ phách nhịp nhàng với lối biểu diễn nhập tâm, say sưa, da diết. Những buổi biểu diễn này không bán vé, chủ yếu cho những ai yêu ca Huế đến thưởng thức. Với Minh, đây là dịp được học hỏi, được giao lưu cùng các nghệ nhân lớn tuổi như cô Kim Vàng, chú Võ Quê, cô Thúy Hồng... để giọng ca và phong thái biểu diễn của Minh ngày càng tinh tế, điêu luyện trong lối nhả từ, luyến láy, trong từng động tác, cử chỉ, nét mặt... Được biết, những năm theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Minh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Đó là thành quả đẹp cho tình yêu và hành trình khổ luyện mà nam sinh dành cho loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc trên đất cố đô. Em cũng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật, liên hoan ca Huế và từng đoạt giải Ba tại Liên hoan Ca Huế năm 2020. 

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Minh (giữa) biểu diễn cùng các đồng nghiệp tại Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng.   

Dù rất đam mê ca Huế, song để sống được với nghề thì quả là gian nan. Bởi đất diễn cho loại hình âm nhạc này ở Huế còn ít, cơ hội cho các nghệ nhân ca Huế biểu diễn, thể hiện tài năng và niềm đam mê cũng không nhiều. Vì thế, không thể lấy ca Huế làm nghiệp chính để mưu sinh. Giọng trầm xuống khi Nguyễn Văn Minh tâm sự với tôi về con đường tương lai của mình: “Đến với ca Huế chủ yếu là bởi đam mê. Chính những làn điệu, những thanh âm khi bổng khi trầm, khi ngân nga, khi da diết, nỉ non đã luôn níu giữ, lôi cuốn tâm hồn mà em không thể từ bỏ". Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 2022, Minh lại tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế để mong có một công việc ổn định, vừa có điều kiện nuôi dưỡng, theo đuổi đam mê ca Huế. Bởi với Minh, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, là cái duyên mà em đã gắn bó với nó suốt 5 năm qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng thể hiện rõ sự trân quý khi nói về chàng nghệ sĩ trẻ này: "Giọng ca của Nguyễn Văn Minh truyền cảm, trong sáng. Nhờ được học tập về ca Huế nên ca nhuần nhuyễn, giữ nhịp tốt, mực thước. Hiện nay, có một giọng nam chuyên trình bày những bài bản lớn của nghệ thuật ca Huế như Minh thật quý. Niềm đam mê của Minh góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Mong rằng ngày càng có nhiều bạn trẻ như Minh tìm đến với ca Huế để nối tiếp, kế thừa các thế hệ nghệ nhân đi trước để ca Huế mãi là dòng chảy kết nối, tương giao trong cuộc sống hôm nay". 

Giữa bộn bề cuộc sống, trong khi nhiều bạn trẻ theo đuổi các loại hình giải trí hiện đại thì hành trình tìm về âm nhạc cổ truyền dân tộc của chàng trai 20 tuổi Nguyễn Văn Minh để nâng niu, gìn giữ hồn túy văn hóa cha ông là điều thật đáng trân trọng.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN