Không hiểu sao hằng năm, khi giai điệu mùa thu cất lên, tiếng trống tựu trường bắt đầu hối hả là kỷ niệm tuổi ấu thơ lại vỗ về và trong lòng tôi lại âm vang những câu văn của nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng"...
Chỉ vài ba câu văn ngắn gọn, Thanh Tịnh đã dệt nên một bức tranh tuổi thơ đượm màu thương nhớ! Buổi mai hôm ấy-một buổi mai thật khó tả, khó quên. Cũng như bao buổi mai mùa thu khác nơi miền quê-có sương thu, có gió, cũng không gian con đường làng dài, hẹp... Nghĩa là tất cả đều quá quen thuộc bởi chú bé đã sống, đã hít hà không khí, mùi quê ấy, đã tung tăng đi lại giữa làng Mỹ Lý thân thương này. Thế mà lần này tự nhiên thấy lạ... Sự đổi thay của cảnh vật xung quanh hay sự đổi thay trong lòng người! Tâm trạng chú bé trong cái phút giây của buổi đầu đến trường thật lâng lâng khó tả. Một chút lo sợ vẩn vơ khiến cậu cứ rụt rè, e ngại. Bước chân rón rén, ngập ngừng, nửa như muốn đi, nửa như đứng lại, mắt lấm lét nhìn. Cái cảm giác, cử chỉ, điệu bộ của những chú chim non buổi đầu đi học được nhà văn xứ Huế ghi lại, diễn tả hết sức chính xác, tinh tế, cảm động. Kỷ niệm mơn man khơi nguồn cho nỗi nhớ hồi sinh để rồi như một lời ru dịu dàng, Thanh Tịnh nhẹ nhàng đưa ta vào thế giới tuổi thơ, cho ta sống lại dư vị ngọt ngào xưa cũ.
|
|
Bến sông Phổ Lợi, trước đình làng Dương Nỗ-nơi Thanh Tịnh ngày xưa đi học hằng ngày.
|
Một ngày mùa thu, tôi tìm về con đường làng mà ngày xưa nhà văn đã đi suốt 3 năm học. Đó là con đường từ nhà của cậu học trò nhỏ bên chân cầu chợ Dinh đến trường học ở đình làng Dương Nỗ (nay thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Con đường nay đã khác xưa nhiều, song nét yên ả, thanh bình của những hàng tre xanh, của những ngọn gió ban mai từ dòng sông Phổ Lợi đem đến cảm giác an yên như ông đã miêu tả trong "Tôi đi học" thì vẫn còn nguyên vẹn: "Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp"... Con đường đến trường ấy thân thương, đáng yêu trong nỗi nhớ của Thanh Tịnh khi xa quê và trở thành không gian bình dị, gần gũi trong trẻo vô ngần trong tập truyện "Quê mẹ".
Ở Huế, nhà văn Thanh Tịnh có vợ và hai con (một trai, một gái). Sau một thời gian vào Nha Trang, vợ và con trai, con dâu của Thanh Tịnh lại trở về Huế sinh sống. Vợ nhà văn qua đời năm 2011, con gái đang ở nước ngoài, còn con trai của nhà văn là Trần Thanh Vệ trước đây làm nghề dạy học, cũng đã mất cách đây 3 năm. Vợ ông Vệ-con dâu của nhà văn Thanh Tịnh là bà Nguyễn Thị Quít, 84 tuổi, hiện sống tại ngôi nhà số 17, kiệt 87 đường Lịch Đợi, phường Phường Đúc, TP Huế. Trong ngôi nhà ấy, ở gian giữa là bàn thờ vợ chồng nhà văn Thanh Tịnh và con trai-chồng bà Quít. Vui vẻ, say sưa tiếp chuyện chúng tôi, bà Quít cho biết, ông bà cưới nhau năm 1963, sau đó vào Nha Trang sinh sống. Cũng có mấy lần vợ chồng bà ra Hà Nội thăm nhà văn. Thỉnh thoảng nhà văn Thanh Tịnh lại vào Nha Trang thăm con cháu.
Nói về nhà văn Thanh Tịnh, bà Quít rất xúc động: “Bố chồng tôi tính tình hài hước nhưng rất hiền từ và giàu lòng nhân hậu. Ông rất thương và thích chơi với trẻ con. Tôi nhớ, có lần ông vào thăm các cháu, thấy tôi hay nghiêm khắc với các con, ông nhẹ nhàng bảo tôi: Con à, đừng có la các cháu, tội nghiệp các cháu, nó ngoan rồi. Ở Hà Nội, ba cứ sợ con cháu trong Nam không được ngoan. Ba vô đây ba thấy cháu của ba như vậy là ba vui lắm rồi”...
|
|
Bà Nguyễn Thị Quít (bên phải), con dâu nhà văn Thanh Tịnh trò chuyện với tác giả. Ảnh: VĂN TRẦN
|
Bà Quít còn ấn tượng với bố chồng của mình ở cách nói chuyện rất truyền cảm, lôi cuốn. Bà kể: “Tôi nhớ năm đó ông về nói chuyện ở trường Võ Tánh (Nha Trang). Đã hết giờ rồi mà đồng bào vẫn không chịu về, yêu cầu nhà văn Thanh Tịnh nói thêm. Tôi đi nghe buổi nói chuyện mà thích lắm, lối nói chuyện hiền hòa, nhẹ nhàng, liền mạch. Người nghe im lặng chăm chú theo dõi...”. Trong câu chuyện về người bố chồng, nhắc đến "Tôi đi học", bà Quít cười thật tươi: “Hồi đi học, tôi cũng thích truyện này, tới khi lấy chồng mới biết chồng của mình là con trai của nhà văn Thanh Tịnh, vừa bất ngờ, lại vừa vui”.
Đã một lần được cắp sách đến trường, cũng như tôi, đến nay nhiều thế hệ học sinh vẫn nhớ như in không ít câu văn trong "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, từ các thầy cô giáo đến các chị tiểu thương hay cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Thượng tá Trần Đình Thăng, 51 tuổi, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) vẫn còn thuộc lòng những câu văn của "Tôi đi học". Với anh Thăng, đây là truyện ngắn hay, gợi cho anh cảm giác bâng khuâng, xúc động...
Có lẽ, chính lối ăn nói có duyên, tâm hồn tinh tế, nồng hậu nên văn của cũng đằm thắm, nhẹ nhàng, thủ thỉ, giàu chất thơ. Riêng những dòng văn trong "Tôi đi học" ấm áp yêu thương, cứ thế níu giữ lòng người: "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ"... Có biết bao tác phẩm viết về ngày tựu trường, song qua lời văn tinh tế, giàu cảm xúc như vậy, chắc chắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh sẽ ở mãi trong lòng bạn đọc.
TRẦN VĂN TOẢN